Đã đến lúc cần xác định lại "khâu đột phá"?

Việc triển khai Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã kéo dài hơn một thập niên; cũng chừng ấy thời gian, thi cử với vai trò "khâu đột phá" đã có những thay đổi góp phần giảm áp lực đáng kể cho xã hội, nhất là các thí sinh.
0:00 / 0:00
0:00
Mục tiêu cao nhất của đổi mới thi cử vẫn phải là nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Yến Oanh
Mục tiêu cao nhất của đổi mới thi cử vẫn phải là nâng cao chất lượng dạy và học. Ảnh: Yến Oanh

Nhớ lại thời điểm năm 2015, để triển khai Nghị quyết số 29, Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau gần 5 năm chuẩn bị đã thống nhất ghép hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng vào làm một. Không ít người chưa thể quên, ngay năm đầu thi "hai chung" ấy, những người tham gia đã một phen "rối loạn" do khâu tra cứu điểm và đăng ký nguyện vọng không suôn sẻ. Đến năm 2018, những "khuyết tật" và lỗ hổng của kỳ thi "hai trong một" này bộc lộ rõ nét hơn khi xảy ra các vụ án gian lận thi cử lớn ở nhiều tỉnh, thành phố.

Qua nhiều hội nghị, hội thảo, từ năm 2020, kỳ thi "quốc gia" được tinh gọn với tên gọi kỳ thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ xét tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm đèn sách. Tuy nhiên, thực hiện quyền tự chủ, những năm gần đây, nhiều trường đại học vẫn sử dụng kết quả kỳ thi này như một phương thức tuyển sinh quan trọng.

Song song với lộ trình đổi mới thi cử ấy, Chương trình và Sách giáo khoa 2018 được xây dựng, ban hành và triển khai. Năm học 2024-2025 tới đây là năm học áp dụng nốt sách giáo khoa các lớp cuối cấp (lớp 5, lớp 9 và lớp 12) theo chương trình mới.

Gần đây, phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (theo Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT ngày 28/11/2023) được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, cho thấy thêm một số điều chỉnh chủ yếu nằm ở cấu trúc định dạng đề thi, hoàn thiện hơn nỗ lực đổi mới thi cử.

Theo đó, môn Ngữ Văn được tổ chức thi theo hình thức tự luận trên giấy, các môn học khác được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên giấy. Với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa ba dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng: (1) Câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (dạng thức này đã được áp dụng trong nhiều năm tại Việt Nam). Theo định dạng đề thi từ năm 2025, các môn Ngoại ngữ chỉ dùng một loại dạng thức này. Các môn trắc nghiệm còn lại có một phần dùng dạng thức này. (2) Câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai, mỗi câu hỏi có bốn ý, thí sinh phải trả lời Đúng/Sai đối với từng ý của câu hỏi. Dạng thức này đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn bốn lần so dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay. (3) Câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn. Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời. Đây là dạng thức, theo các chuyên gia, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng chắc chắn, hạn chế được việc dùng "mẹo mực" chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn.

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hai dạng thức trắc nghiệm mới này qua thử nghiệm thực tế cho thấy, phù hợp với việc thiết kế đề thi theo định hướng đánh giá năng lực, đồng thời nâng cao khả năng phân loại thí sinh.

Vấn đề đặt ra lúc này, suốt cả thập niên qua ngành giáo dục triển khai Nghị quyết số 29, quyết liệt đổi mới thi cử, song thi cử chỉ là một khâu trong quá trình giáo dục. Hơn nữa, lại chịu chi phối rất lớn của năng lực hệ thống cơ sở giáo dục (cả giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học). Bên cạnh đó còn là công tác hướng nghiệp, quy hoạch trường lớp, chương trình giáo dục, thị trường lao động, tính đồng bộ trong toàn hệ thống, liên ngành và đa ngành.

Từ năm học tới đây, khi chương trình và sách giáo khoa mới đã hoàn chỉnh, lộ trình "đổi mới căn bản và toàn diện" cũng sẽ bước sang giai đoạn mới. Do đó, đã đến lúc, "khâu đột phá" thi cử cần sớm được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Và, đương nhiên trong giai đoạn tới, ngành giáo dục cũng cần sớm xác định lại "khâu đột phá" sao cho linh hoạt, sát thực tiễn và bảo đảm mục tiêu, yêu cầu Nghị quyết của Đảng đã đặt ra.