Từ ngõ đến ngách và những lỗ thủng

Tiểu thuyết “Ngõ lỗ thủng” của nhà văn Trung Trung Đỉnh ra đời cuối những năm tám mươi thế kỷ trước. Đó là một cuốn tiểu thuyết xuất sắc viết về thời bao cấp và đối tượng phản ánh là những công dân của một ngõ phố Hà Nội rất đặc biệt. Gần như ngay lập tức tôi bị hút vào cái ngõ là căn cớ của cuốn tiểu thuyết này. Cái ngõ có lỗ thủng để dân tình vô tư đi vào công viên.

Minh họa : Đinh Quân
Minh họa : Đinh Quân

Cũng thời điểm đó nhà văn Trung Trung Đỉnh còn cho ra tiểu thuyết “Tiễn biệt những ngày buồn”. Khu gia binh trong câu chuyện thật ra cũng không khác mấy ở ngoài đời, đó là khu gia đình được hình thành từ đất của một doanh trại quân đội ở Vân Hồ 3. Nhiều nhà văn quân đội và gia đình đã ở khu này. Đáng nói là khu doanh trại và gia binh ở trong một con ngõ sát Công viên Thống Nhất. Nghĩa là Ngõ lỗ thủng cũng chính ở địa danh mà Tiễn biệt những ngày buồn lấy làm bối cảnh. Ai cũng biết, đoạn này công viên từ rất lâu đã được quây kín bằng hàng rào xi-măng. Người dân luôn có nhu cầu vào công viên để thụ hưởng hoặc khí trời, phong cảnh hoặc luyện tập thể thao và các nhu cầu khác. Một số không ít thanh niên vào đó câu trộm cá hoặc làm những chuyện mà xã hội lên án. Nhưng công viên đương nhiên là một nơi không phải để ai tự do muốn vào thì vào. Vì vậy, những công dân của ngõ có sáng kiến để tiện lợi cho mình, họ dỡ tường rào tạo ra một lỗ thủng để vào công viên. Tất nhiên là chẳng chính quyền nào cho phép. Lỗ thủng bị bít lại. Nhưng ngay sau đó nó lại bị người dân đục ra. Cứ thế thành một cái vòng bất tận. Câu chuyện về cái ngõ lỗ thủng ngày đó ám ảnh tôi rất nhiều. Và khi nhà văn, tác giả của hai cuốn tiểu thuyết kia lên tiếng: “Tôi muốn đưa ra một thông điệp về cuộc sống, về con người với những “lỗ thủng”. Đó không còn là cái lỗ đục tường làm nơi qua lại công viên, nó đã trở thành lỗ thủng của nhân cách, của tri thức, của văn hóa len lỏi trong từng con người” thì tôi hiểu nó không phải là cái ngõ của lỗ thủng đơn thuần nữa. Tôi suy nghĩ và quyết định gộp hai tác phẩm trên thành một phim truyền hình 24 tập lấy tên là “Ngõ lỗ thủng”. Có lẽ đó là một phim dài tương đối đầy đủ về một con ngõ phố Hà Nội của thời bao cấp.

Thời bao cấp vào những năm 80 vô cùng khó khăn. Người dân thành phố chật vật sống theo tem phiếu tiêu chuẩn. Việc làm thời bấy giờ chủ yếu là trong biên chế Nhà nước. Cũng có thành phần bên ngoài như xã viên hợp tác xã và buôn bán lẻ chứ chưa có thành phần kinh tế tư nhân như bây giờ. Hà Nội những năm đó cơ bản gần như nguyên trạng thời thuộc Pháp. Các con phố, nhất là những con ngõ rộng rãi thanh bình. Nhiều ngõ phố nổi tiếng với những đặc thù riêng. Ngõ Gạch thực chất là một con phố nhưng lại mang tên ngõ. Là một ngõ phố bán vật liệu xây dựng. Đoạn ngõ phố ngắn có một số cửa hàng bày bán bao xi-măng, gói giấy bột mầu, từng bó chổi đót, gạch ngói... Ngõ Gạch nối phố Hàng Ngang - Hàng Đường với phố Nguyễn Siêu. Đoạn tiếp giáp với Nguyễn Siêu những năm 80 là một chợ nổi tiếng về quần áo cũ được duy trì từ sáng đến tối muộn. Nhiều lần bí tiền tôi đều mang quần áo ra đây bán. Tất nhiên khi cần cũng ra đây mua. Gọi là chợ quần áo cũ nhưng cũng có hàng mới như quần bò, áo bay... Việc mua bán được một đội ngũ gọi là con phe đảm nhiệm mua vào bán ra rất nhanh chóng. Thời đó dù là quần áo cũ nhưng đây mới chính là nơi tập trung thời trang lớn nhất Hà Nội. Sau thời kỳ bao cấp, chợ quần áo cũ này tan rã bởi người dân đã có những nhu cầu lớn hơn vì kinh tế phát triển và thu nhập đã được cải thiện đáng kể.

Ai là người Hà Nội hẳn phải biết đến chợ Giời. Chợ được hình thành từ các đoạn phố của nhiều con phố như phố Huế, Trần Cao Vân, Thịnh Yên... đặc biệt là rất nhiều ngõ liên thông. Thậm chí nối sang cả khu tập thể Nguyễn Công Trứ. Chợ Giời những năm bao cấp tập trung buôn bán nhiều mặt hàng cũ, mới như xe đạp, đồng hồ, quần áo, máy móc thiết bị điện, nước... Tuy nhiên, nơi đây cũng là một tụ điểm xã hội. Tập trung nhiều thành phần bất hảo, phe phẩy và là thị trường tiêu thụ của gian. Dạo đó còn cả món phe tem phiếu đủ loại từ thực phẩm đến gạo, dầu. Vật đổi sao dời, nhưng chợ Giời hiện nay vẫn tồn tại dù đã được chính quyền quy hoạch không cho lấn chiếm đường phố chính mà lui vào các khúc phố ngắn hoặc ngõ. Tên gọi cũng được gọi là chợ Hòa Bình. Tính chất buôn bán đã khác xưa nhưng vẫn còn rơi rớt mua bán những đồ phụ tùng bị mất cắp như đồ ô-tô, xe máy. Tên chợ Giời vẫn được không ít người sử dụng.

Ngõ Cấm Chỉ, ngõ Phất Lộc, ngõ Hàng Hương, ngõ Hàng Hành... những con ngõ đó nổi tiếng với không chỉ người Hà Nội. Đó là những khu buôn bán, khu ẩm thực tồn tại từ lâu đời đến tận hôm nay. Và đây cũng là địa chỉ hành hương của những người đến với Hà Nội tận hưởng cảm giác ấm cúng của một kinh thành xưa, cổ kính.

Có lẽ Hà Nội cả xưa lẫn nay, những con ngõ là một đặc thù làm nên cấu trúc thành phố với không ít những thương hiệu kinh thành. Nhưng thật đáng tiếc, sự thanh bình ngõ phố xưa đã dần bị xâm thực, bị bào mòn, phá hoại bởi nhịp sống hiện đại. Những con ngõ thênh thang dạo nào giờ đã bị thu hẹp từ xây dựng nhà cửa thiếu quy hoạch, thiếu kiểm soát đến sự lấn chiếm mưu sinh vỉa hè, lòng ngõ. Nếu làm một khảo sát công phu hẳn sẽ có hàng nghìn con ngõ như thế. Nói không ngoa, có những ngõ nhỏ đến mức chỉ người quen mới dắt nổi xe máy vào, còn người lạ dù có gắng công đánh chịn tường cũng chịu chết, bởi khi xây dựng mỗi nhà đã cố lấn ra cái diện tích công cộng đó. Và chúng ta có khái niệm ngách chính thức. Ngách là những lối hẹp dưới ngõ. Từ “ngách” tôi thật sự không biết nó được du nhập vào Hà Nội từ lúc nào, nhưng đó là một tên gọi vô cùng chính xác. Ngoài những nghĩa thông thường, nó còn chỉ sự xuống cấp của những con ngõ. Nhiều dẫn chứng lắm, lấy ngay thằng tôi cho chắc. Tôi hiện đang ở trong một con ngõ ở đường Tam Trinh. Đây là một đường ngoại ô chỉ mươi năm trước còn vắng như chùa Bà Đanh nhưng giờ đã mọc lên những khu đô thị, siêu thị hiện đại. Người người chen chúc nhau ào ạt đổ về ở. Con ngõ nhà tôi trước chỉ là một lối đi rộng dăm mét, hai bên là ao, hồ. Rồi một ngày ùn ùn san lấp. Hệt như trong tiểu thuyết Ngõ lỗ thủng mô tả ở cái tường rào công viên, nhưng đó chỉ là một lỗ thủng đủ để người dân ra vào, còn bây giờ là lấp là san là đất đai là tiền bạc. Chính quyền đổ cả bê-tông bịt những ngách xe chở đất có thể vào. Nhưng bịt lối này, dân lại mở lối khác và nhanh lắm chỉ ít tháng sau những ao hồ đã biến thành khu đất mới được chia lô và đương nhiên lại tạo ra vô vàn ngách nhỏ. Tôi ngờ rằng, nếu không có vị công quyền nào đó đỡ đầu bật đèn xanh thì sức người sao thấu mà làm chuyện lấp đá vá trời đó được. Âu cũng là quy luật.

Có bao nhiêu con ngõ như cái ngõ của tôi đang ở xảy chuyện như thế. Thời đại kim tiền chẳng lạ nhưng hệ lụy từ sự lấn chiếm đó đã thành hiện thực nhức nhối. Hệ thống hạ tầng quá tải. Cống rãnh nước thải nghẽn tắc, ô nhiễm kinh hoàng. Rồi điện đóm, nước nôi sinh hoạt. Quá phiền toái khi những trật tự quy luật bị đảo lộn. Cư dân ngụ trong ngõ trong ngách bắt buộc phải tìm những lỗ thủng để thoát. Vâng, lỗ thủng. Nhà văn Trung Trung Đỉnh có lẽ không ngờ những lỗ thủng ông tạo ra trong tác phẩm không chỉ là hiện thực nhức nhối thời bấy giờ mà nó còn tồn tại và tiếp tục gây di họa ở mấy chục năm sau. Từ ngõ đến ngách và những lỗ thủng. Nhân cách, tri thức, văn hóa... nhiều lắm những lỗ thủng từ cuộc sống hiện đại đang làm mất dần đi những gì truyền thống tốt đẹp nhất. Nhưng biết làm sao được, bởi đó là cuộc sống mà cuộc sống thì không ngừng vận động. Vận động ở chính cả những sự trái chiều. Ôi những ngõ phố...

“Tôi muốn đưa ra một thông điệp về cuộc sống, về con người với những “lỗ thủng”. Ðó không còn là cái lỗ đục tường làm nơi qua lại công viên, nó đã trở thành lỗ thủng của nhân cách, của tri thức, của văn hóa len lỏi trong từng con người”