Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà rường Huế có nguồn gốc từ Quảng Trị, khi chúa Nguyễn Hoàng vào Huế (khoảng thế kỷ 17), ông đã mang theo nhà rường, và tất cả những ngôi nhà rường ở Huế sau này đều đi mua từ Quảng Trị rồi về dựng lại. Gọi là rường bởi vì có nhiều rường cột, rường kèo, mè với lối kiến trúc theo chữ Đinh, Khẩu hoặc chữ Công. Số gian trong nhà được phân định bằng hàng cột, chỉ có hai chái ở hai đầu nhà là phân cách với các gian giữa bằng vách ngăn. Không gian sử dụng của nhà rường thường được chia thành bốn phần chính: Gian giữa dành cho việc tiếp khách (phía ngoài) và thờ cúng thần Phật, tổ tiên (phía trong); buồng phía đông (đông phòng) dành cho gia chủ (nam giới); buồng phía tây dành cho mẹ hoặc vợ của gia chủ (nữ giới); phần phía sau nối suốt từ phía đông qua phía tây (gọi là hậu liêu) thì dành làm phòng ngủ cho con cái hoặc làm kho.
Tuy có phần chịu ảnh hưởng của kiến trúc Trung Hoa thiên nhiều về phong thủy và chạm trổ tinh xảo ở các cột trụ, đòn giông, bàn thờ, câu đối, hoành phi và các chi tiết hoa văn trong nhà nhưng nhà rường Huế không chỉ là một ngôi nhà gỗ đơn thuần mà gắn liền với vườn. Vì vậy, nhắc đến nhà rường là nhắc đến vườn Huế. Vườn được thiết kế công phu không kém ngôi nhà chính. Tổng thể nhà vườn được quy hoạch theo các nguyên tắc của thuật phong thủy. Ngôi nhà phải có bình phong (nằm phía trước nhà, ngay trên trục chính của gian giữa), hai biểu tượng rồng chầu hổ phục đối xứng hai bên sân, và “minh đường” là yếu tố mặt nước, có thể là cái bể cạn trên sân hoặc cái ao sen nằm sau hòn non bộ. Trong không gian ấy vườn luôn chiếm tỉ lệ lớn với màu xanh bao phủ bốn mùa. Không giống với vườn Nhật Bản hay vườn Trung Quốc, vườn Huế là vườn tạp, là một hỗn hợp lộn xộn nhưng có sự sắp đặt và mang phong cách thực dụng. Đầu tiên, vườn nào cũng có một cây cao để... thờ ma quỷ (nơi đặt các ông táo cũ, am miếu...). Sau đó là trồng các loại cây ăn trái dài ngày (mít, ổi, thanh trà, măng cụt...) và ngắn ngày (chuối, chanh, hoa, cau...) để phục vụ nhu cầu cuộc sống hằng ngày của chủ nhân. Mỗi cái cây trong vườn đều có hồn vía, sự linh thông với chủ Nhà vườn An Hiên. nhà. Bởi vậy một khi chủ nhà đi xa hoặc chết đi thì cây trong vườn cũng héo úa hoặc chết theo. Mỗi khi trong nhà có tang thì cây cũng được bịt khăn tang như con người... Du khách đến Huế đều muốn khám phá không gian sống của người bản xứ nên một số nhà rường tiêu biểu của Huế đã được đưa vào chương trình khai thác tour du lịch nhưng tính hiệu quả chưa cao. Chính vì vậy, cái mà du khách cần hiện nay đối với nhà - vườn Huế là hồn vía, là nội dung, là đời sống của nó thì chưa đáp ứng được. Theo nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Bửu Ý, “nếu biết cách kết hợp và khai thác tốt mối quan hệ hữu cơ của không gian nhà, vườn và bếp Huế sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch đặc trưng. Du khách sau một hồi dạo chơi được nghe những câu chuyện về lịch sử khu nhà, căn vườn, thưởng thức hương vị đặc trưng của các món ăn do chính tay người Huế chế biến theo dây chuyền khép kín (từ vườn vào bếp, chế biến thành các món ăn rồi lại bày trí ăn ngay trong vườn...) thì khách sẽ rất thích”.
“Nhà rường còn thì Huế còn”, nhà nghiên cứu Chu Sơn nói hơi quá một chút nhưng không phải không có lý.
Miền Trung, từ Quảng Bình, Quảng Trị đến Quảng Nam, Quảng Ngãi, thậm chí cả Tây Nam Bộ, ở đâu cũng có nhà rường. Thế nhưng, nhắc đến nhà rường là người ta lại lập tức nghĩ đến Huế. |