Ca sĩ Vũ Thắng Lợi:

Khi tiếng hát vang bên bờ sóng

“Nếu không làm một nghệ sĩ khoác áo lính, dễ gì trong hành trang làm nghề của tôi có được một kỷ niệm khó quên đến thế: Đứng hát cho hai chiến sĩ đang bồng súng canh ụ pháo, “trong tiếng sóng Trường Sa dội vào ghềnh đá”...” - Á quân dòng nhạc thính phòng của Sao Mai 2011 kể về những hạnh phúc riêng có của mình, tại những sân khấu không đạt chuẩn nhưng lại có những khán giả đặc biệt và những khoảnh khắc thăng hoa khó quên...

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi.
Ca sĩ Vũ Thắng Lợi.

Lúc bĩ cực, tôi đã từng toan bỏ cuộc

Ra tận Trường Sa mà chỉ hát phục vụ cho hai khán giả là sao nhỉ?

Thật ra, đó là một suất diễn ngoài dự kiến. Lúc ấy, tôi vừa hoàn thành xong phần trình diễn trong hội trường thì một đồng chí kéo ra nói khó: “Ở ngoài kia có hai chiến sĩ đang trong phiên gác, không được vào xem nên hơi “tủi”. Giá mà...”. Thế là tôi được dẫn ra điểm gác của hai anh lính trẻ. Ca khúc Hành khúc ngày và đêm ngay sau đó đã vang lên ngay bên bờ sóng, dưới ánh trăng treo đầu súng, như một câu thơ khi xưa tôi từng được học. Khỏi phải nói, hai khán giả đặc biệt ấy đã bất ngờ và xúc động tới mức nào. Và tôi cũng vậy, chưa bao giờ hát cho ít khán giả đến thế mà lại dâng trào nhiều cảm xúc đến thế.

Đầu quân cho Đoàn Nghệ thuật Quân khu II, lại giảng dạy tại Trường ĐH Nghệ thuật quân đội, anh hẳn có nhiều đêm diễn đáng nhớ dành cho những khán giả mặc áo lính?

Hằng năm, vào mỗi dịp đầu và cuối năm, chúng tôi lại lên đường biểu diễn phục vụ các chiến sĩ đang đóng quân tại biên giới và hải đảo. Những chuyến đi vất vả, và có đến đó mới biết, chiến sĩ ta phải chịu đựng gian khổ và thiếu thốn thế nào trong điều kiện sống xa đất liền, hay ở nơi thời tiết khắc nghiệt, xa dân cư... Cùng đó, là những sân khấu không đạt chuẩn âm thanh, ánh sáng. Nhưng bù lại, niềm vui mà chúng tôi được nhận lại cũng thật lớn lao: Những khán giả không mấy khi được xem biểu diễn nghệ thuật trực tiếp đã gần như ồ lên sung sướng sau mỗi bài hát, được trình diễn bởi các nghệ sĩ mà trước giờ họ chỉ quen được nhìn, được nghe trên sóng phát thanh, truyền hình... Một sự đón nhận nồng nhiệt, hồn nhiên mà bạn không dễ gì gặp được ở số đông công chúng ngày thường.

Khác với nhạc trẻ, khán giả nhạc đỏ thường rất chung thủy với thần tượng của mình. Anh có nghĩ, đó cũng là một bất lợi của những người đến sau, khi hễ nhắc đến nhạc đỏ là người ta mặc định ngay những cái tên Anh Thơ - Trọng Tấn - Đăng Dương - Việt Hoàn?

Đúng là về nghề thì hẳn là còn lâu, lớp nghệ sĩ đàn em chúng tôi mới đạt được đến tầm các anh chị ấy và càng chưa thể là một cái tên bán vé tốt. Thế nhưng, bằng vào cảm nhận riêng có của mình, tôi tin rằng cho đến nay, ít nhiều mình cũng đã có được một lượng khán giả tương đối ổn định và trung thành, thật sự trân trọng tiếng hát của Lợi. Mặc định thì cứ mặc định, nhưng phần nào đó, tôi vẫn tin những dòng chảy ngầm...

Anh nghĩ vì sao nhiều ngôi sao nhạc đỏ đương thời đều sinh ra từ dải đất miền trung?

Có phải là vì miền trung cực khổ nên người ta mới dễ thấm cái nỗi hạt lúa củ khoai làm ra từ gì? Và tiếng hát, do đó cũng nặng lòng hơn không nhỉ? Nhạc đỏ cần hơn ai hết những trải nghiệm để cảm xúc được nuôi dưỡng và đong đầy trong từng câu hát. Từ khó khăn mà ra, hẳn phải kể đến đầu tiên là các ca sĩ nhạc đỏ. Tôi biết anh Trọng Tấn đã từng rất khổ, chị Anh Thơ cũng đã từng phải đi bán rau muống...

Và bản thân anh cũng đã từng ở vào một hoàn cảnh mà nếu nhụt chí, cái tên Thắng Lợi dễ thường đã thành ra... thất bại?

Đúng vậy! Tôi nghĩ là mình có một hoàn cảnh gia đình khá là đặc biệt. Bố tôi trước đã có một đời vợ. Mẹ tôi cũng từng một lần đò, nhưng vừa mới cưới đã mất chồng, chưa kịp có con. Tới lúc hai cụ gặp được nhau thì bố tôi đã gần 60 tuổi, mẹ tôi gần 40 và sinh ra tôi. Tôi sinh năm Sửu, lại là Ất Sửu, số không vất vả thì mới là chuyện lạ!

Xưa ngồi nhà xem tivi, thấy anh Trọng Tấn được hát trên sóng truyền hình trực tiếp, tôi khao khát lắm, quyết tâm lắm. Thế nhưng vào nghề lại khó đủ bề. Cái năm tôi đi thi Sao Mai, đúng đợt đấy thì bố bị tai biến, đã có lúc tôi chẳng còn hồn vía nào để mà thi thố. Rồi ngay sau năm tôi đoạt giải Á quân Sao Mai 2011, đến lượt mẹ tôi lại bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não. Chiến thắng vừa xong, chưa kịp chớp cơ hội để dấn lên thì lại phải bỏ đấy, về quê chăm mẹ nằm viện hằng tháng trời. Năm 2012 phải nói là thời điểm nao núng nhất của tôi trước cảnh cha già mẹ yếu, mà trụ cột duy nhất trong nhà là tôi thì lại chưa có gì trong tay. Nói thật là lúc đó tôi đã định đầu hàng, bỏ cuộc, đã nghĩ đến chuyện hay bỏ quách tất cả về quê, làm một cái nghề gì khác để tiện chăm sóc hai đấng sinh thành...

Thế nhưng, bằng một phép thần kỳ nào đó, cha mẹ tôi đã lần lượt đi qua được cơn bạo bệnh. Từ Nghệ An, tôi lại trở ra Hà Nội và may mắn bén duyên gặp gỡ với ê kíp mát tay In the Spotlight, nhờ “bà mối” Bài hát yêu thích, rồi từ đó bắt đầu có được những bước ngoặt sáng sủa hơn trong sự nghiệp...

Nếu không cố gắng, nếu sai lầm thì tôi chỉ có thể trả giá bằng chính bản thân mình mà thôi vì sau lưng tôi không có ai để mà dựa dẫm cả.

Thời gian đâu mà la cà ăn chơi

Vẫn biết, không ai chọn được quê quán, song thân. Nhưng có lúc nào, giữa cơn bĩ cực, mà anh bỗng ước: Kể mà cha mẹ đừng cố sinh ra mình, khi tuổi đã nhiều?

Ngược lại, chính vì cố gắng dũng cảm đó của cha mẹ mà tôi lại càng mang trên mình chữ “hiếu” nặng dày hơn, so với những đứa con được sinh ra trong những hoàn cảnh bình thường khác. Cái năm thi Sao Mai, sở dĩ tôi hát thành công ca khúc Cảm ơn mẹ của nhạc sĩ Đức Trịnh (thật ra là viết cho giọng nữ) hẳn cũng vì đó là lời tri ân tận đáy lòng của một đứa con được sinh ra từ duyên muộn và hạnh phúc làm mẹ đầy khó khăn của chính mẹ mình.

Con trai một, lại đứng trong một cái nghề khá là cám dỗ, vậy mà không hư, lạ nhỉ?

Tôi mà hư thì hư lâu rồi, chả phải đợi đến lúc nghề cám dỗ. Nhưng cũng chính vì hoàn cảnh gia đình đặc biệt đó mà tôi đã sớm ý thức rằng: Nếu không cố gắng, nếu sai lầm thì tôi chỉ có thể trả giá bằng chính bản thân mình mà thôi vì sau lưng tôi không có ai để mà dựa dẫm cả. Thương cha già mẹ yếu, thì chỉ có cách duy nhất là biến mình thành chỗ dựa, mà thôi...

Nghe nói, anh sắp “rước nàng về dinh”?

Có vẻ thế. Đang định thế...

Cô ấy làm nghề gì?

Kế toán kiểm toán.

Nghe chừng không liên quan đến nghệ thuật lắm nhỉ?

Thú thực là tôi hơi bị khó tính, lại nặng gánh gia đình và lúc nào cũng đau đáu nỗi cha già mẹ yếu. Xưa cũng từng nghĩ sẽ phải “cưa cẩm” một cô xinh xắn nọ kia. Nhưng lại nghĩ: Với một người suốt ngày phải lo lắng cho gia đình như mình mà dính phải một cô suốt ngày lượn lờ mua sắm, chắc cũng mệt! Đời người bảo dài thì cũng dài thật, nhưng mà cũng ngắn lắm, thời gian đâu mà la cà ăn chơi. Tôi muốn ổn định sớm chuyện gia đình để còn tập trung cho sự nghiệp và đón được bố mẹ già ra ở cùng. Người tôi chọn vì thế phải là một “gái đảm”, giỏi vun vén cho gia đình và biết chăm sóc người già. Hiện tại, tôi cảm thấy hài lòng với lựa chọn của mình.

Gánh nặng song thân, lại thêm môi trường quân đội... - hai điều đó có phần nào khiến anh hơi “hộp” và ít nhiều làm giảm đi độ phóng khoáng, lãng mạn cần có ở một nghệ sĩ?

Đúng là nếu như được sống và làm nghề một cách thả lỏng hơn, hẳn là tôi sẽ được bay bổng hơn, có thể phá cách hơn, mạo hiểm hơn một chút so với sự an toàn hiện nay. Hẳn vì “cái khó bó cái khôn” mà phần nào đó, tôi đã phải làm nghề một cách căn ke và vài lần đã bỏ qua những cơ hội quý giá. Chẳng hạn như tôi từng có ý định làm một cái CD nhạc nhẹ gồm những ca khúc của cố nhạc sĩ Thanh Tùng, trước khi ông mất. Hay một CD gồm những ca khúc về Hà Nội, từng được ca sĩ Ngọc Tân hát rất hay mà giờ không mấy ai hát nữa...

Nhưng ai bảo, những ước mơ dở dang, lại không đến từ sự lãng mạn?

Ca sĩ Vũ Thắng Lợi, sinh năm 1985, tại thành phố Vinh (Nghệ An), trong một gia đình công nhân nghèo, không có ai theo nghệ thuật và không được học thanh nhạc từ sớm.

Tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, anh được nhận vào Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2, đồng thời tham gia giảng dạy tại Trường ĐH Nghệ thuật Quân đội. Từng đoạt nhiều giải thưởng như: Giải nhất liên hoan Giọng hát hay Hà Nội 2008; Giải ba cuộc thi Tiếng hát mùa thu và Giải Người thể hiện hay nhất ca khúc về Hà Nội 2008; Á quân dòng nhạc Thính phòng Sao Mai 2011..., nhưng tên tuổi của anh được nhắc đến nhiều nhất là khi xuất hiện đĩnh đạc bên cạnh các diva trong chương trình “In the Spotlight” và ghi điểm tại bảng xếp hạng “Bài hát yêu thích” 2012.

Tháng 4-2014, anh ra mắt CD đầu tay có tên “Tình ca” cùng một đêm nhạc riêng. Được đào tạo bài bản và tỏ ra là người chỉn chu, kỹ tính trong nghề, Vũ Thắng Lợi coi thính phòng - trữ tình là con đường của mình và gây ấn tượng ở cách hát hiện đại (pop classic), khiến các ca khúc cách mạng trở nên nhẹ nhõm, gần gũi và mới mẻ hơn...