Cảm hứng từ Phan Đăng

“Một con người, một xã hội, một dân tộc không có cảm hứng sẽ không thể sáng tạo và phát triển. Nhưng một con người, một dân tộc, một xã hội phung phí nguồn cảm hứng và không đủ năng lực biến cảm hứng thành giá trị nền tảng thì xét ở một khía cạnh nào đó, những nguồn cảm hứng có được rồi cũng trở nên vô nghĩa”... Nhà báo Phan Đăng đã bắt đầu câu hỏi thứ 39, câu hỏi cuối cùng “Tại sao phải biến cảm hứng thành giá trị”, trong cuốn sách “39 câu hỏi cho người trẻ” vừa xuất bản như thế.
 

Cảm hứng từ Phan Đăng

Khi con người đang đau đáu trong quá nhiều mối bận tâm: dịch bệnh gia tăng và những hệ lụy kèm theo; thói đỏng đảnh bất thường của thời tiết dẫn đến những thiệt hại kèm theo khó chịu, hay đơn giản hơn là bóng đá với sự kiện đội tuyển quốc gia Việt Nam lần đầu tiên bước vào vòng loại thứ 3 World Cup cũng như vòng chung kết EURO vừa xướng tên nhà vô địch, cuốn sách của Phan Đăng xuất hiện, may thay lại bán chạy. Một cuốn sách đọc chậm, hoàn toàn không để giải trí, mà thật ra cũng không riêng dành cho người trẻ, lại do Nhà xuất bản Kim Đồng danh giá ấn hành, đã khiến tác giả ký mỏi tay vẫn không kịp phục vụ bạn đọc trong ngày ra mắt.
 
 Phan Đăng vốn là nhà báo nổi tiếng, nổi tiếng ngay từ khi làm phóng viên thể thao. Làm báo, lại là nhà báo trẻ, Phan Đăng không chỉ quan tâm tới sự kiện và tính chất thời sự của sự kiện, mà luôn hướng tới con người, tới các nhân vật, và đặt chúng vào mối tương tác với hiện thực, lịch sử để đào sâu suy ngẫm. Từ thể thao, anh chuyển sang bình luận các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị..., diễn giải tư duy quan điểm của mình ở nhiều thể loại, mà tạo nên ấn tượng chính là Trò chuyện - phỏng vấn.
 
 Giữ trọng trách Thư ký tòa soạn ấn phẩm An ninh thế giới giữa tháng - Cuối tháng, chịu trách nhiệm chính chuyên mục đinh của ấn phẩm: Đối thoại và suy ngẫm, anh luôn chủ ý đưa hàm lượng tri thức vào trong các trang báo. Đọc nhiều, tiếp xúc nhiều, luôn suy tư dằn vặt, Phan Đăng luôn tư duy vượt thoát khỏi khuôn khổ những bài báo thông thường, vậy nên “39 câu hỏi cho người trẻ” mới là một phần nhỏ trong ngồn ngộn những trang viết anh đã thực hành nhiều năm qua. Sức đọc, sức nghĩ, sức viết của Phan Đăng là thành quả của một quá trình lao động và tư duy nghiêm ngắn, bài bản và có trách nhiệm cao...
 
 Viết báo, làm báo, làm chủ một kênh youtube lượng người theo dõi mỗi lúc một đông, dẫn chương trình truyền hình..., Phan Đăng là một trong số ít các nhà báo lứa 8X gây dựng được thương hiệu cá nhân. Nổi tiếng, nhưng anh luôn để mình né khỏi những xô bồ ồn ã, thậm chí tránh xa những tranh cãi để tập trung vào công việc, để đọc, viết và nghĩ. Thế nhưng không như suy diễn thông thường về một trí thức kinh viện, Phan Đăng vốn lãng mạn, đa tình... Thích nhạc vàng, mê hát văn, say bóng đá, từng làm thủ lĩnh một đội bóng phong trào hoạt động sôi nổi, con người Phan Đăng còn dư thừa trữ lượng tinh thần cho những khai phá mới. Và bởi vậy, anh còn làm thơ, viết truyện ngắn, và dù ở địa hạt nào, anh cũng đi tới với một thái độ đàng hoàng, một sự trân trọng ôn hòa đáng quý.