Kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến

"... Nỗi buồn trong veo"

“Có chị bạn cả đời đi làm dành dụm được vài tỷ, điện thoại bảo: “Tiến, Tiến, chị muốn sửa lại cái nhà, nới thêm tầng này tiền đủ không?”. Tôi đến xem thực địa rồi nói: “Nhà chị chẳng cần làm gì cả. Đẹp trước hết phải ngăn nắp gọn gàng, quan trọng là hợp lý hóa không gian sẵn có.

Ký họa chân dung Kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.
Ký họa chân dung Kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến của họa sĩ Đỗ Hoàng Tường.

Không có không gian nào đủ lớn cho người bừa bộn và chạy đua với người khác. Tôi nhận lời, cải tạo và tối ưu hóa không gian, cây xanh, hết một phần nhỏ, chừng 500-700 triệu, vẫn diện tích ấy mà thành được căn nhà hoàn toàn mới. Số tiền còn lại chủ nhân thừa đủ mua căn chung cư nữa phòng thân”. Nguyễn Vĩnh Tiến rổn rảng chuyện trò, vẫn hào hứng nhiệt thành nguyên dáng vẻ của chàng sinh viên kiến trúc tài hoa lãng tử nức tiếng năm nào...

Thành lệ, cứ cách vài ba ngày Nguyễn Vĩnh Tiến lại post thơ mình lên trang Facebook cá nhân. Một giọng nhà quê hồn hậu, kiểu ca dao tục ngữ hò vè xoan ghẹo sẵn có trong người, chỉ buồn buồn hoặc cớ sự gì là nhanh chóng viết ra. Tiến hay vung vãi thơ, hỏi sao lãng phí tài nguyên thế chỉ hềnh hệch cười: vui mà.

Những năm đầu thập niên 90 thế kỷ 20, khi gia sư hay shipper còn chưa thành xu hướng của sinh viên Hà Nội, món ăn tinh thần ngày đó hầu như chỉ có thơ và các đêm thơ tổ chức vội, Nguyễn Vĩnh Tiến đã đình đám với đồn thổi: Làm thơ hay bậc nhất Trường đại học Kiến trúc. Rồi gặp, rồi tận mắt tỏ tường, chỉ hiển hiện một anh chàng thuần phác tỉnh lẻ, riêng đôi mắt lúc nào cũng có ánh lấp lánh sáng.

 Tiến cùng bạn bè các trường - (cũng cả loạt tên tuổi bây giờ như Lưu Sơn Minh, Lã Thanh Tùng, Đỗ Hoàng Diệu, Vũ Duy Hưng, Phạm Tường Vân...) lập nhóm Hoa lạ, ấp ôm khát vọng cách tân thơ từ độ ấy. Cũng chẳng hiểu cách tân thơ phú đến được mức nào, chỉ thấy “Thời gian nhanh quá là nhanh/ Bao nhiêu người đã hóa thành ngụ ngôn”, Tiến nhoằng cái gần chớm tuổi 50, danh càng nổi, tiếng càng phủ khắp và cái tài hoa lận đận cũng song hành theo suốt tháng năm trôi...

Biết làm thơ từ thuở chưa biết chữ, viết bài hát đầu tiên năm 12 tuổi, buột miệng ra thơ dễ dàng như hơi thở: “Tháng âm, cam chín, bưởi tròn/ Chân về ngõ nhỏ tóc còn lưu hương”, Nguyễn Vĩnh Tiến thừa hưởng tâm hồn nghệ sĩ từ cha - một văn nhân Phú Thọ và tinh thần khoa học từ mẹ - một bác sĩ từng là chuyên gia y tế ở Algeria, là người sớm biết tiếng Pháp ở thị xã trung du nhỏ bé.

Được mẹ rèn cặp tiếng Pháp, sau này Nguyễn Vĩnh Tiến dễ dàng giành được những học bổng du học Pháp từ cao học đến Tiến sĩ. Yêu quê nặng nợ với quê nhà, sang Pháp học Tiến cất công lặn lội tìm được tấm bản đồ cổ của thị xã trung du, đem về tặng nơi chốn sinh thành để giờ thành kỷ vật được địa phương trang trọng lưu giữ.

Nhớ mẹ khám cho bệnh nhân kê đơn luôn dùng loại thuốc rẻ nhất dễ kiếm nhất mà công dụng tương đương, cũng chẳng bao giờ bày ra các xét nghiệm chụp chiếu không cần thiết chỉ định bệnh nhân thực hiện để câu kéo thêm tiền, lối sống ấy tác động vào Tiến, để rồi khi hành nghề kiến trúc sư, phương châm xử thế trước sau nhất quán: tránh lãng phí tiền cho chủ đầu tư, chỉ cần chi ra khoản kinh phí bằng phần nhỏ so với dự tính ban đầu, cũng làm mới được căn nhà đã nhàm và cũ.

Dù ở trong hang đá, chung cư cao cấp, villa hay nhà đất..., với Nguyễn Vĩnh Tiến tiêu chuẩn đầu tiên đặt ra là sự thoải mái cho người sử dụng. Hơn nữa, kiến trúc không chỉ chất liệu và tiện nghi mà còn phải là không gian trú ngụ, trị liệu tâm hồn. Sao phải tốn kém vào những chi tiết hào nhoáng cầu kỳ không cần thiết, để tiêu tốn hết mọi khoản dự trữ, ở trong một căn nhà quá khoa trương mà mang công mắc nợ, chủ nhân có thoải mái nổi? À mà tất nhiên trong trường hợp chủ đầu tư có nguồn lực dồi dào, thì xa xỉ cũng là một lựa chọn hợp lý hợp tình..., nói rồi lại cười, nguyên một kiểu rổn ràng hết cỡ...

Làm thơ, viết nhạc, vẽ... dẫu phiêu linh bềnh bồng, thì Tiến vẫn sẵn tư duy khoa học của một kiến trúc sư, từng được giải nhất sinh viên nghiên cứu khoa học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Việt Nam Vifotec từ lúc tròn tuổi 20 năm 1994 với đề tài Kiến trúc cổ Việt Nam... Tiến cũng có những thiết kế mang dấu ấn riêng mình, như tòa nhà trung tâm thương mại và khách sạn BMC ở thành phố Hà Tĩnh, hay chùa Viễn Sơn ở ngay thị xã Sơn Tây cách không xa Hà Nội...

Nguyễn Vĩnh Tiến đúng kiểu một sốc, độc, lạ, một bảng mầu phong phú tự pha trong đời sống cả văn nghệ và xã hội. Khi bạn bè đã quen với một Nguyễn Vĩnh Tiến kiến trúc sư làm thơ, Tiến bất thần công bố sáng tác nhạc. Đùng đùng xướng tên tại chương trình Bài hát Việt trên sóng VTV, những Bà tôi, Giọt sương bay lên lập tức trở thành hiện tượng, cùng với Lê Minh Sơn và một số nhạc sĩ cùng hệ, Nguyễn Vĩnh Tiến góp phần xác lập dòng âm nhạc được gọi dân gian đương đại vốn dĩ thành hot trend một dạo.

Hồi đó ở đâu cũng văng vẳng giai điệu Bà tôi và Nguyễn Vĩnh Tiến được bình chọn một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2005 chính nhờ sự xuất hiện kỳ dị trong âm nhạc. Tiến ra đĩa, làm show, thực sự thành người nổi tiếng, lâng lâng giữa thế giới không trọng lượng. Ở Tiến chất chứa khối mâu thuẫn khổng lồ, vừa nội tâm vừa hướng ngoại, vừa thích quảng giao đàn đúm bạn bè ai ai cũng nhớ tên thuộc mặt vừa muốn trú ẩn môi trường riêng bên những bằng hữu thân thuộc.

Tiến lúc bẽn lẽn lặng lẽ giữa chốn đông người, lúc đăng đàn chiếm vị thế lĩnh xướng, đang yên lành ôm đàn hát lại ngoắt sang tồ tồ khóc, giữa cuộc đời anh hút sự chú ý cũng chả kém ngôi sao nào. Nhưng tư chất Tiến vẫn là người làm nghiên cứu, gạt những ồn ã xô bồ sang bên, chỉ còn đăm chiêu và tư lự. Ôm ấp khát vọng cách tân thơ, cách tân nhạc, cách tân kiến trúc, rồi lại ủ rũ buồn: mọi giá trị bây giờ đang bị xếp hạng sai, mấy ca sĩ chất giọng nhờ nhờ mấy bài hát èo uột vô vị thì triệu view triệu like và xênh xang lắm fan nhiều đãi ngộ, còn những đầu tư tâm trí đích đáng đường hoàng lại ít được quan tâm xứng đáng, Tiến tự hỏi vậy sao kích thích được nghệ sĩ dốc công, dốc sức sáng tạo.

 Nghệ sĩ mà không sáng tạo thì cũng như một viên chức bàn giấy, tới giờ đi làm hết việc thì về, rập khuôn máy móc trong một quy trình sẵn định dạng. “Cả đời tôi rất là hư/ Khéo khi ngoan cũng thành lư hương rồi”, tự trào thế thôi, điệu đàng một chút, chứ người như Tiến, hư được cũng còn khó. Tài hoa thì nhất mực mà vất vả lận đận trong đời có khi cũng chả kém ai, Nguyễn Vĩnh Tiến hợp tạng một nghệ sĩ dân gian lang bạt kỳ hồ, một người hát rong mải mê tụng ca cuộc sống, luôn tròn đầy trong mỗi phút giây khoảnh khắc.

 Sau những đám đông thù tạc, mà thực ra Tiến luôn tự biết mình không phải người của đám đông, anh lại lui về chốn riêng bạn bè, lại đau đáu những cách tân, sáng tạo. Làm gì cũng để lại thành tựu dù không hẳn làm gì cũng kết cục khôn ngoan, buốt ruột thốt lên “Giờ anh tỉnh ngộ lại ngồi độc thân” mà ngay sau đó, lại hét lên, la toáng lên đến thót lòng thót dạ: “Thèm yêu quá, thèm được yêu quá”... Nguyễn Vĩnh Tiến mắt nhắm mắt mở, hiền hòa trôi giữa dòng sông thơ và nhạc và trên một khối kiến trúc mang thuần âm hưởng Việt Nam...