Ðây là hai dự án công nghệ thông tin lớn nhất từ trước tới nay ở Việt Nam, quá trình thực hiện được lồng ghép tối đa để bảo đảm đồng bộ, tránh lãng phí, qua đó giảm được mức dự toán so với ban đầu hơn 1.000 tỷ đồng. Phạm vi triển khai rộng khắp từ các cơ quan Trung ương đến 63 tỉnh, thành phố; hơn 700 quận, huyện, thị xã, thành phố và gần 11.000 xã, phường, thị trấn trong toàn quốc.
★ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức lễ khởi công xây dựng “Trường đẹp cho em” tại bản Coóc và bản Chăm Pu, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch. Ðây là hai trong số những điểm trường lẻ còn nhiều khó khăn với gần 60 học sinh và 10 cán bộ giáo viên cắm bản. Với nguồn vốn 685 triệu đồng, hai điểm trường (gồm các phòng học và nhà công vụ) dự kiến sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm học mới 2021-2022.
★ Với 25 dân tộc, huyện Xuân Lộc (tỉnh Ðồng Nai) nhiều năm qua luôn chú trọng thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển mạng lưới các công ty và doanh nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo bà Huỳnh Thị Lành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, địa phương hiện có một khu công nghiệp, bốn công ty may và 29 doanh nghiệp giúp giải quyết hơn 30.000 việc làm. Trong đó, số lao động là người dân tộc thiểu số có công việc ổn định chiếm hơn 86%.
★ Bắc Kạn đã hoàn thành việc rà soát theo Quyết định số 39/2020/QÐ-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, Bắc Kạn hiện có 4.424 hộ dân tộc H’Mông (trong ảnh), trong đó có 3.571 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 80,7% sinh sống ở các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn. Từ kết quả rà soát, đối chiếu các tiêu chí theo quy định, tỉnh Bắc Kạn sẽ triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ giúp đồng bào dân tộc H’Mông phát triển kinh tế, xã hội.