Đây đó, quấn quýt bên những những tòa nhà cổ kính là những công trình kiến trúc hiện đại tạo cho thành phố vẻ quyến rũ mới mẻ. Chớm đông, trời Bruxelles mưa gió ẩm ướt như tiết xuân Hà Nội. Người, xe loang loáng trôi trong mưa giăng mờ.
Khi biết tôi sẽ từ Paris sang chơi, Claire và André rất vui. Claire sắp xếp mọi lịch trình sao cho thật vừa vặn, để chúng tôi có nhiều thời gian cùng nhau. Lúc ở Paris, tôi đã nhận được tin nhắn của chị: “Chân ơi, cả nhà mong em lắm! Anh André sẽ ra ga đón em. Em sẽ gặp Tara và Ravi. Thứ Năm, hai đứa ở nhà ăn tối cùng mình, em ạ” - “Vâng, em đang đếm từng ngày đây, chị! Thế là cuối cùng, em cũng được gặp bọn trẻ!”.
Từ ga Bruxelles Midi, André lái xe đưa tôi về nhà, khoảng hai mươi lăm phút. Trên xe, anh mở ứng dụng Spotify, khoe tôi bài hát “Dancer sous la pluie” (“Khiêu vũ dưới mưa”) do con gái út Tara sáng tác và biểu diễn. Ngày tôi mới biết André, Tara chưa đầy năm. Tôi vẫn giữ bức ảnh André bế Tara bé bỏng trên tay, bên cạnh là cậu cả Ravi ba tuổi, ngó nhìn em, tò mò, thích thú. Tara giờ vừa tròn mười tám. Ba năm trước, cô bé đã bắt đầu viết ca khúc rồi tự giới thiệu trên internet. Tara sở hữu giọng lyric soprano ấm, mướt mềm, tươi sáng.
Tôi lắng nghe, chìm đắm vào giai điệu mang hơi hướng Pop Ballad của cô. Những giọt mưa lăn lăn, lúc khoan lúc nhặt, rơi trên cửa kính xe như nhảy múa theo bài hát. Tôi ngỡ ngàng, thán phục : “Hay quá! Tara giỏi quá!”. André mỉm cười tự hào: “Con bé mê nhạc từ nhỏ, hát hò suốt ngày. Nó còn thích học tiếng Ý, hát tiếng Ý. Claire cũng đang theo một lớp tiếng Ý để ở nhà hai mẹ con luyện nói với nhau. Ravi thì thích kịch, rồi khiêu vũ, muốn đăng ký vào Học viện Âm nhạc và Nghệ thuật London”. Chớp mắt, bọn trẻ trưởng thành, tóc André ngả trắng như tuyết mùa đông. “Xòe tay mà ngắm thời gian/ Đường dọc thì sớm lối ngang đã chiều” - Tôi bất giác thốt lên câu thơ của mình, bằng tiếng Anh, như lời cảm thán. André trầm ngâm, rồi đáp lại với một câu thơ của anh: “Thời gian chốn đời tan loãng/ từ từ lắc lư/ trước khi nhè nhẹ chạm/ sức hút trần gian…”
Gia đình André Nayer sống trong một con phố cổ ở khu Etterbeek, có những ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc eclectic từ cuối thế kỷ mười chín, đầu thế kỷ hai mươi, hầu như còn nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu. Eclectic là sự hòa trộn giữa sắc thái của kiến trúc negothic, tân cổ điển và những đường nét nghệ thuật mới, trông đơn giản mà tinh tế. Chúng kề vai bên nhau một cách hài hòa, nhưng mỗi nhà vẫn độc đáo, khác biệt. Nhà André có ba tầng ở, một áp mái và một tầng hầm; mặt tiền sát vỉa hè; một mảnh vườn nhỏ phía sau. Chúng tôi đón Tara cùng ra quán ăn trưa. Sau giờ học tiếng Ý, Claire sẽ gặp chúng tôi ở đó.
Mưa tí tách rơi. Gió lạnh ào tới, xao xác vòm cây, bứt những chiếc lá phong vàng, nâu, đỏ, rải đầy vỉa hè lát đá. Tara, André và tôi đi bộ từ bãi đậu xe tới quán ăn. Vừa đi, tôi vừa mải mê ngắm những hàng cây lá chuyển màu lộng lẫy ngời lên trong mưa, dưới nền trời xám. Chợt tôi nghe tiếng rảo bước sau lưng, rồi bất ngờ có vòng tay ấm ôm choàng vai tôi. Tôi quay lại, gặp một nụ cười rạng rỡ. Claire mặc áo khoác dài xanh olive, đội mũ nồi đỏ mận, mái tóc nâu bồng bềnh, má ửng hồng như trái táo xinh. “Ôi! Claire, chị đây rồi!” - Tôi reo lên. Chúng tôi ôm nhau, mừng vui rối rít. Chị ân cần hỏi ngay: “Em đi đường mệt không? Em đói bụng chứ?” - “Gặp cả nhà là em chẳng đói, chẳng mệt nữa!” - Tôi hào hứng trả lời.
Bữa trưa có món cá hồi muối, rau củ nướng và salad rưới nước sốt mù-tạc tuyệt ngon. Câu chuyện của chúng tôi như cơn mưa ngoài kia rì rầm không dứt. Những hạt mưa rơi trong ánh sáng của tình bạn, tình yêu, phản chiếu muôn sắc màu lấp lánh. Tara cho tôi xem những bức ảnh sinh nhật mười tám tuổi, lưu trong điện thoại. Tôi ngắm hồi lâu, ảnh chụp Tara trong khoảnh khắc cô bé khép mắt, ước điều gì đó. Mười tám ngọn nến lung linh quanh chiếc bánh sinh nhật, soi sáng gương mặt cô. Tôi bỗng nhớ tuổi mười tám của tôi. Năm ấy, thay vì thắp nến, tôi nhìn lên bầu trời đầy sao và thầm ước… “Để cô đoán điều ước của cháu nhé, Tara?” - Tôi đề nghị. Tara mủm mỉm, gật đầu. “Cháu ước gặp một chàng hoàng tử trên con ngựa trắng, phải không?”. Tara cười khúc khích, hỏi lại tôi: “Ngày xưa, cô từng ước vậy sao?”. Tôi bịa: “Cô thì ước được chu du khắp thế gian, gặp gỡ nhiều người, học những điều hay”. “Điều ước của cô đã thành sự thật rồi! Chúc mừng cô!” - Cô bé vui vẻ nói. “Cảm ơn Tara! Người ta bảo, những điều ước vào sinh nhật mười tám tuổi, nếu được giữ kín, chắc chắn sẽ thành hiện thực!”. Tôi nhìn thấy niềm hy vọng trong vắt như pha lê, lấp lánh đáy mắt Tara xanh thẳm. Cô bé còn trẻ lắm, đường còn xa hun hút. Cầu mong cô bé có thể mang niềm hy vọng ấy theo mà không làm nó rơi vỡ tan tành. Trong một bài thơ, tôi viết như tự an ủi mình: “Không giữ được đâu, hạnh phúc mơ hồ ấy/ Ai đó từng đánh rơi/ từng vấp ngã/ đã giấu vào bình minh một ngôi sao Mai/ giọt nước mắt cuối cùng…”. Tôi chưa từng kể với ai điều ước năm tôi mười tám tuổi. Tôi đã giấu nó vào một ngôi sao băng, để nó vụt bay đi.
Claire và André dành cho tôi tầng áp mái, nơi vốn là phòng làm việc của André. Nơi có view đẹp nhất nhà. André gọi đó là “thiên đường” của anh. Anh mang va-li lên giúp tôi, và bảo: “Thường chỉ có anh và con mèo Shiva lên đây. Thiên đường này bây giờ thuộc về em. Em cứ thoải mái như ở nhà nhé!”. Tôi ngắm nhìn căn phòng thênh thang, có tủ sách chạy dọc hai bức tường, sát tận trần nhà. Hai đầu phòng, nơi trần áp mái vát xuống có bốn khung cửa sổ lớn. Từ đó, nhìn thấy những ngôi nhà mái nâu đỏ nhấp nhô ngoài xa, và phía trên là cả bầu trời. Chiếc sofa-bed được kéo ra làm giường, kê ngay dưới cửa sổ. Góc này gợi nhớ về căn áp mái của tôi ở Paris năm xưa, nơi hằng đêm hay mỗi sáng, tôi nằm lặng ngắm trăng khuyết rồi tròn, những vì sao run rẩy, những giọt mưa rưng rưng, những tia chớp lóe sáng, màu trời tỏa rạng lúc bình minh, những cánh chim chao liệng rồi vụt bay xa hút. Con mèo Shiva lông xám nhẹ nhàng len qua khe cửa khép hờ, bước vào. Nó kêu “meo meo” như muốn hỏi “Ai đấy?”. Tôi quen miệng gọi nó bằng tiếng Việt: “Chào Shiva! Lại đây nào!”. Nó ngơ ngác hồi lâu, nghe ngóng. Nhưng khi tôi nói: “Bonjour, Shiva! Viens, viens ici!”, thì ngay lập tức, nó uyển chuyển tiến đến, ngước đôi mắt xanh ngọc, do dự nhìn tôi. Tôi cúi xuống vuốt ve nó. Lưỡng lự giây lát, nó dụi dụi cái mũi ướt vào lòng tay tôi. Vậy là nó đã chấp nhận tôi ở “thiên đường” này.
Claire nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử nghệ thuật. Chị thường hướng dẫn sinh viên ngay tại nhà vào các buổi sáng. Hôm sau là thứ Sáu, chị có lớp từ chín giờ đến mười giờ ba mươi. Tôi dậy muộn, khẽ khàng từng bước trên thang gỗ, tránh tiếng động khi đi qua phòng chị đang dạy học, để xuống bếp. André là người chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình. Tara và Ravi đều rời nhà từ sớm, đứa đi Paris, đứa sang London chơi với bạn, Chủ nhật mới về. Bữa sáng đã sẵn sàng. Mùi cà-phê thơm nức. Nhưng sáng nay tôi muốn một tách sô-cô-la nóng. Sô-cô-la Bỉ ngon nức tiếng, mỗi dịp qua Hà Nội, André và Claire thường mang làm quà cho tôi. André đeo chiếc tạp dề màu đỏ, ngồi đọc sách. Nhìn thấy tôi, anh tươi cười: “Bánh mì anh vừa nướng lại, vẫn giòn tan đây. Em muốn uống gì nào?” - “Cho em sô-cô-la nóng nhé!”. Anh nhanh nhẹn vào bếp, hâm sữa trong một cái xoong nhỏ. Khi sữa bắt đầu ấm, anh bẻ một thanh sô-cô-la đen nguyên chất thả vào, khuấy nhẹ tay, giữ lửa liu riu để sữa không sôi bùng. “Bao năm qua, em tưởng anh chỉ biết làm thơ và dạy luật kinh doanh thôi!” - Tôi nói, giọng tán thưởng. André tủm tỉm cười, bảo: “Anh học Claire đấy. Chị ấy mới là chuyên gia”.
Từ phòng ăn, qua vách kính nhìn thấy toàn bộ khu vườn nhỏ sau nhà. Dàn hồng leo le lói vài nụ hoa muộn mằn. Cây phong ngùn ngụt lá đỏ rực, như lửa. Cẩm tú cầu, tử đinh hương, hương thảo…, tất cả đang gắng gỏi níu giữ chút sắc Thu còn sót lại. André bảo, có khi chỉ một tuần nữa, nếu trời cứ mưa và gió lạnh, cây phong sẽ rũ sạch lá. Rồi nhiệt độ hạ xuống thấp, tuyết sẽ rơi phủ trắng vườn. Tôi ấp tách sô-cô-la nóng hổi vào lòng tay, nhấp từng ngụm nhỏ, nghĩ về ngôi sao băng mang theo điều ước của tôi. Tôi đã đi qua bao mùa đông, qua màn đêm, đã tìm, đã gặp những ngôi sao và những bình minh, đã thấy những mùa xuân trở lại... Tôi đắm mình trong dư vị của buổi sáng đầu đông ở Bruxelles, sao thật bình yên, dẫu gió lạnh quật quã ngoài kia, và cây phong có thể trút lá bất cứ lúc nào.