Nhân Dân hằng tháng có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, chung quanh tiêu chí tuyển chọn, khó khăn khi đánh giá các tác phẩm và nhận định của ông về sự phát triển của văn học Việt Nam trong nửa thế kỷ qua.
Thưa nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, với cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn ông có thể chia sẻ về những tiêu chí để chọn ra 50 tác phẩm trong chặng đường 50 năm qua?
Năm 2025 sẽ là thời điểm tổng kết 50 năm văn học nghệ thuật sau ngày đất nước thống nhất, việc tuyển chọn 50 tác phẩm từ suốt nửa thế kỷ qua là một cách để nhìn lại chặng đường phát triển quan trọng này của văn học Việt Nam. Tiêu chí cơ bản gồm:
Thứ nhất, chúng tôi xem xét các tác phẩm đã nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam hằng năm, nhưng không phải tất cả đều được chọn, vì có tác phẩm dù từng được trao giải nhưng không đủ sức sống lâu dài. Thứ hai, những tác phẩm không đoạt giải nhưng tạo ra bước ngoặt trong đời sống văn học, như Thời xa vắng của Lê Lựu - một tác phẩm mở rộng cách nhìn về đời sống và số phận con người, hay các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, và Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, đã đặt ra các vấn đề xã hội và gây tranh luận đến hôm nay.
Chúng tôi cũng tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà xuất bản, và độc giả - những người dõi theo văn học Việt Nam kỹ lưỡng, để có cái nhìn toàn diện nhất.
Trong quá trình tuyển chọn, Hội đồng có gặp khó khăn khi đánh giá và so sánh các tác phẩm thuộc các giai đoạn khác nhau không? Và làm sao để bảo đảm tính khách quan trong lựa chọn?
Chúng tôi cũng gặp một vài vấn đề phải cân nhắc kỹ lưỡng, như: tiêu chí tuyển chọn chỉ tập trung vào các tác phẩm ra đời sau ngày 30/4/1975. Tiêu chí này dẫn đến một số tình huống có những tác giả đỉnh cao sáng tạo lại nằm ở giai đoạn trước. Thí dụ Xuân Diệu là một trong những cây đại thụ của thơ ca Việt Nam. Thế nhưng sau 30/4/1975 thì tác phẩm thơ Xuân Diệu không gây được ảnh hưởng lớn. Vậy nên thay vì thơ, chúng tôi chọn cuốn Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của ông, một tác phẩm phê bình và nghiên cứu đặc sắc về các nhà thơ cổ điển, thể hiện sự đóng góp bền bỉ của ông cho văn học nước nhà.
Ngoài ra, cũng có trường hợp các tác giả để lại nhiều tác phẩm xuất sắc, khiến Hội đồng phải cân nhắc kỹ lưỡng để chọn ra tác phẩm nổi bật nhất. Chẳng hạn, với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, chúng tôi phải xem xét giữa Tướng về hưu và Những ngọn gió Hua Tát để chọn tác phẩm có sức sống lâu dài và ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh 50 năm qua.
Một tình huống khác là trường hợp của nhà thơ Dương Kiều Minh, người đã mất khi còn trẻ, nhưng tập thơ Củi lửa của ông vẫn tạo dấu ấn mạnh mẽ cho thi ca thời kỳ đổi mới. Dù ông chưa nhận giải thưởng nào, tác phẩm của ông vẫn được ghi nhận nhờ sức ảnh hưởng đối với phong cách và cảm hứng sáng tạo trong văn học giai đoạn này.
Các tác phẩm như: Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Thời xa vắng (Lê Lựu), Ánh trăng (Nguyễn Duy), Những người đi tới biển (Thanh Thảo), Đường tới thành phố (Hữu Thỉnh), và Cơ hội của Chúa (Nguyễn Việt Hà), đều là những tác phẩm có sự thống nhất cao từ đầu.
Chúng tôi có một Hội đồng 15 thành viên, bao gồm Ban Chấp hành, các Chủ tịch Hội đồng, đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và cố vấn là nhà thơ Hữu Thỉnh - người theo dõi văn học Việt Nam kỹ lưỡng qua 20 năm làm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Việc thẩm định không chỉ dựa vào nhận thức cá nhân mà còn được cân nhắc dựa trên giá trị tổng hợp về thi pháp, ngôn ngữ, ý nghĩa xã hội và tác động văn hóa. Hội đồng làm việc với tinh thần trách nhiệm, khoa học, khách quan, có sự đồng thuận cao, đa số các tác phẩm được lựa chọn đều nhận được sự đồng ý nhất trí ngay từ đầu, tạo nên một danh sách đầy đủ những dấu ấn văn học quan trọng nhất trong 50 năm qua.
Ông có thể cho biết Hội đồng nhìn nhận thế nào về vai trò của các tác giả trẻ trong giai đoạn đổi mới và kết quả chọn lựa họ ra sao?
Trong thời kỳ đổi mới, rất nhiều tác giả trẻ đã góp phần định hình diện mạo văn học hiện đại, nhưng hiện nay nhiều người trong số đó đã không còn trẻ nữa. Chẳng hạn, thế hệ của tôi, Mai Văn Phấn, Dương Kiều Minh, Bảo Ninh, đều trên dưới 70. Có người như Nguyễn Huy Thiệp - một “người trẻ” của thời kỳ đó - nay cũng đã khuất.
Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực tìm kiếm đổi mới ở các tác giả thuộc thế hệ sau, những nhà văn 8X trở đi. Tuy nhiên, khi xét lựa chọn cho 50 tác phẩm, phần lớn trụ cột vẫn là các tác giả từng trải qua chiến tranh hoặc các nhà văn thuộc thế hệ đổi mới sau 1975. Thế hệ mới hơn, những người bắt đầu sự nghiệp trong vòng 10-15 năm gần đây, đang được kỳ vọng nhưng chưa được đưa vào danh sách vì cần có thời gian để tác phẩm của họ chứng minh sức sống lâu dài.
Dù vậy, một số tác giả trẻ nổi bật vẫn được chọn lựa, như Nguyễn Ngọc Tư hay Phan Thị Vàng Anh. Đây là những người mà tác phẩm của họ đã thể hiện giá trị bền vững qua thời gian. Chúng tôi xem xét kỹ lưỡng để bảo đảm các tác phẩm được chọn không chỉ gây tiếng vang nhất thời mà còn thật sự có sức ảnh hưởng lâu dài.
Trong quá trình cân nhắc, cũng có ý kiến rằng số lượng tác phẩm có thể mở rộng hơn, thậm chí đến 100 cuốn. Tuy nhiên, chúng tôi muốn tập trung vào những tác phẩm thật sự đóng góp vào diện mạo văn học Việt Nam trong 50 năm qua, với sự thống nhất về chất lượng và giá trị xuyên suốt thời gian. Việc này không nhằm tạo sự cạnh tranh, mà để định danh một cách chính xác những tác phẩm phản ánh chân dung nền văn học Việt Nam với đa dạng góc nhìn, thi pháp và đề tài.
Có nghĩa tác giả trẻ trong độ tuổi 30-40 chưa có mặt đúng không thưa ông?
Đúng vậy, chúng tôi cần thêm thời gian để đánh giá. Một số tác phẩm nổi lên nhanh chóng sau năm 1975 nhưng chưa thật sự tạo dấu ấn nghệ thuật lâu dài, chưa trở thành bước ngoặt cho văn học Việt Nam hay định hình một khuynh hướng mới. Đóng góp của những tác phẩm này chủ yếu mang tính xã hội, chưa đủ sức nặng về mặt nghệ thuật và văn chương.
Đối với các tác giả vùng cao và dân tộc thiểu số được Hội đồng nhìn nhận thế nào?
Chúng tôi không lấy vùng miền hay dân tộc làm tiêu chí chính mà tập trung vào giá trị tác phẩm. Chúng tôi tìm những tác phẩm tác động mạnh đến đời sống, góp phần thay đổi quan niệm về văn học, đề tài, tư tưởng, thi pháp, ngôn ngữ -mỗi tác phẩm phải tạo nên một thế giới riêng, nhưng đồng thời góp vào bức tranh văn học chung của Việt Nam trong 50 năm qua.
Với các tác giả sống và làm việc ở nước ngoài, Hội đồng có gặp khó khăn gì khi lựa chọn tác phẩm để phản ánh đúng tình hình và góc nhìn đa chiều không?
Chúng ta không phân biệt giữa người viết trong nước hay ngoài nước; khi họ viết bằng tiếng Việt, đó đều là tài sản của văn học Việt Nam. Có những tác giả người Việt ở nước ngoài từng nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, đã được xuất bản tại Việt Nam, và điều này thể hiện một thái độ cởi mở. Tuy nhiên, trong quá trình chọn lọc 50 tác phẩm lần này, chúng tôi tập trung vào các tác giả và tác phẩm trong nước, phản ánh thực tế và các vấn đề xã hội, quan điểm, tư tưởng tại Việt Nam trong 50 năm qua.
Tôi nghĩ, có lẽ trong tương lai, Hội Nhà văn Việt Nam hoặc Nhà xuất bản Hội Nhà văn có thể tổ chức một cuộc tuyển chọn khác, lúc đó sẽ có sự xem xét với các tác giả ở nước ngoài.
Thưa ông, được biết Hội Nhà văn sẽ phối hợp cùng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để in ấn và phát hành bộ sách này. Ông có thể chia sẻ thêm về kế hoạch quảng bá cuốn sách?
Chúng tôi chọn Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vì đây là sự lựa chọn chiến lược lâu dài trong việc truyền bá văn học và văn hóa vào hệ thống giáo dục, từ tiểu học đến đại học. Đây chỉ là dự án khởi đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi để làm sao kết hợp chặt chẽ giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhằm tạo ra những sản phẩm tốt, có thể tồn tại lâu dài và đến được với học sinh qua nhiều cấp học. Sự hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam là bước đi hợp lý để quảng bá những cuốn sách hay, có tính giáo dục về lịch sử, văn hóa, cái đẹp, thiên nhiên và con người cho thế hệ trẻ.
Chúng tôi dự định tổ chức triển lãm bộ sách này, với sự tham gia của các tác giả còn sống để giao lưu với bạn đọc. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu, nhà phê bình và nhà văn sẽ đi nhiều vùng trong cả nước để giới thiệu bộ sách, trao đổi về văn học 50 năm qua. Trong suốt chặng đường đó, có nhiều điều cần phải nhìn nhận lại, vì lâu nay chúng ta có thể đã bỏ qua. Chúng ta cần phải hiểu được những đóng góp của các nhà văn trong 50 năm qua và tiếp cận những xu thế văn học mới. Nếu chỉ dựa vào quá khứ, chúng ta sẽ không thể phát triển, nhưng nếu không có nền tảng từ quá khứ, những xu thế mới cũng khó khăn để ra đời. Chính vì vậy, chúng ta cần mở ra, cần tiếp cận. Các nền văn học khác đã làm rất tốt công việc này, và giờ là lúc Hội Nhà văn Việt Nam và nền văn học Việt Nam cần khởi động một cách có lộ trình, chiến lược, tư duy khoa học và đầy nghệ thuật.
Câu hỏi cuối cùng, với vai trò Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông có hài lòng với bộ sách tuyển chọn này không?
Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả các quan điểm, cách nhìn của từng người. Tuy nhiên, Hội đồng tuyển chọn đã làm việc rất nghiêm túc, với những đánh giá khoa học, công bằng và có tính lịch sử. Tôi tin rằng bộ sách này phản ánh được những thành tựu cơ bản của quá trình phát triển văn học Việt Nam trong 50 năm qua.
Xin trân trọng cảm ơn ông!