Trường ca Lò mổ được ông sáng tác trong khoảng thời gian nào? Ông có thể chia sẻ thêm về câu chuyện và ý tưởng đằng sau tác phẩm đặc biệt này không?
Tập trường ca này tôi hoàn thành vào khoảng năm 2016, nhưng thực chất ý tưởng đã bắt đầu từ rất lâu, có lẽ là từ những năm tháng còn rất trẻ, khi tôi cùng cha ghé qua lò mổ ở ngoại ô Hà Đông. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi tiếp xúc với một không gian u ám, tàn khốc, nơi chứng kiến cảnh giết chóc của những con vật mà chính tôi cũng cảm nhận được nỗi đau và nỗi sợ hãi của chúng. Nhưng lò mổ không chỉ là nơi những sự sống bị chấm dứt một cách đau đớn, mà nó còn là một “vũ trụ” của những thân phận con người đầy ám ảnh, những người sống ở rìa xã hội với công việc nặng nhọc, nguy hiểm. Đó là những người mà khi rời khỏi lò mổ, có lẽ họ vẫn giữ trong mình những vết thương tâm hồn, không khác gì những sinh linh phải chịu cảnh sát sinh trong đó.
Lò mổ ấy đã khơi dậy trong tôi nhiều câu hỏi về sự sống và cái chết, về cách con người chúng ta đang tồn tại. Để sống, liệu chúng ta có đang đẩy người khác vào cảnh sống đọa đày, khốn khổ không? Tập trường ca này không chỉ là câu chuyện về quá khứ mà là hành trình tự vấn, đi tìm câu trả lời cho những trăn trở về ý nghĩa cuộc sống và sự tồn tại. Có lẽ tôi mong muốn, khi độc giả tiếp cận với Lò mổ, họ cũng sẽ dừng lại để suy ngẫm về con đường mà nhân loại đã và đang đi, để nhìn nhận lại cách chúng ta đối xử với nhau và với môi trường chung quanh.
Hoàn thành Lò mổ từ năm 2016, nhưng đến giờ ông vẫn không muốn thay đổi mà giữ nguyên vẹn những gì đã viết?
Đúng vậy, tôi muốn giữ lại những cảm xúc, những ý tưởng nguyên vẹn của thời điểm đó. Đôi khi, trong quá trình sáng tác, một tác phẩm đậm tính cảm xúc và cá nhân đến mức không thể thay đổi. Tôi đã viết một cách đầy đam mê và muốn giữ lại mọi thứ nguyên sơ như vậy, dù có thể sau này, tôi sẽ viết một trường ca khác với thi pháp mới.
Bìa sách trường ca Lò mổ. |
Về mặt hình thức, Lò mổ được xây dựng có gì khác biệt so với các tác phẩm trước đây của ông? Ông có cảm thấy mình đang đổi mới thể loại trường ca không?
Tôi luôn muốn thử nghiệm và thay đổi. Trước đây, tôi đã viết một trường ca khá truyền thống, Những người lính của làng, nhưng ở Lò mổ, tôi thay đổi rất nhiều về thi pháp, về ngôn ngữ, và cả hình thức. Lò mổ không giống các tác phẩm thơ thông thường của tôi mà có sự đa dạng, thử nghiệm trong hình thức thể hiện. Trường ca này kết hợp rất nhiều thể loại: từ thư từ, bản nháp, cho đến biên bản và đối thoại, đôi khi là những đoạn đối thoại tưởng chừng rất rời rạc, nhưng lại có một sự liên kết rất tự nhiên. Đây không chỉ là câu chuyện của một cá nhân, mà còn là nhiều giọng nói, nhiều cuộc đời chồng chéo lên nhau, cùng hòa vào để tạo nên một bức tranh đa chiều về những vấn đề của thế kỷ 20. Chúng ta có thể thấy ở đó sự phản ánh về thù hận, chiến tranh, bệnh tật - tất cả những điều đó đã và đang ăn mòn con người. Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl đã đọc Lò mổ và nói với tôi rằng, tác phẩm này như một “bi ca” về thế kỷ 20. Nhưng Lò mổ không chỉ dừng lại ở sự u ám, đau thương, mà đằng sau đó là tiếng vọng của tình yêu và khát vọng sống. Mỗi con người trong đó, dù ở trong cảnh tối tăm, uất ức, nhưng vẫn cố gắng giữ lại chút gì đó là nhân bản, là niềm tin vào một ngày mai.
Như ông nói thì Lò mổ đã từng được chia sẻ với bạn bè quốc tế , cụ thể là nhà thơ Mỹ Bruce Weigl. Vậy ông có thể cho biết thêm về quá trình dịch thuật và giới thiệu tác phẩm này ra thế giới không?
Ban đầu tôi có dịch thử vài chương đầu và gửi cho Bruce Weigl. Ông ấy đọc và nhận xét ngôn từ trong Lò mổ không chỉ đơn thuần là chữ nghĩa, mà còn là những lớp nghĩa sâu sắc gợi mở những câu hỏi về thân phận và đời sống. Chính anh ấy là người khuyến khích tôi dịch tiếp toàn bộ trường ca này. Điều đặc biệt là Bruce cảm thấy có một chất riêng, một nhịp điệu và cảm xúc rất khác biệt trong bản dịch tiếng Anh mà tôi tự dịch, vì vậy, anh ấy đề nghị tôi tự chuyển ngữ tác phẩm. Chúng tôi cùng nhau chỉnh sửa từng câu chữ, từng hình ảnh, và đến hôm nay, tôi cảm thấy yên tâm vì bản tiếng Anh của Lò mổ đã hoàn thiện với sự biên tập, sửa chữa cẩn thận của một nhà thơ Mỹ danh tiếng, sẵn sàng để đến với độc giả nước ngoài, cùng lúc với bản tiếng Việt.
Vậy lần này sách sẽ ra mắt cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh?
Đúng vậy, lần này Lò mổ sẽ có cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, để rộng đường cho độc giả quốc tế cảm nhận. Tôi muốn chia sẻ với đồng nghiệp và bạn đọc nước ngoài.
Với cách tiếp cận và thử nghiệm trong Lò mổ, tôi tin rằng tác phẩm này sẽ mở ra một hướng đi mới cho thể loại trường ca ở Việt Nam.
Đối với tôi, Lò mổ là một bước thử nghiệm đầy thách thức, nhưng cũng là niềm khao khát khám phá, phá vỡ những giới hạn của thể loại. Tôi không muốn lặp lại bản thân hay bất kỳ ai khác. Mỗi chương của Lò mổ là một nỗ lực để tôi khai phá và thử thách ngôn ngữ, thi pháp, và cách xây dựng nội dung. Có lẽ trong tương lai, tôi sẽ thử sức với một trường ca khác, nhưng hiện tại, Lò mổ là dấu ấn cho một giai đoạn sáng tạo đầy đam mê và trăn trở của tôi. Đây chỉ là con đường của cá nhân tôi mà thôi. Đó là sự thay đổi thế giới sáng tạo mang tính cá nhân.
Lò mổ có 18 bức tranh đi kèm minh họa cho từng chương do ông tự vẽ trên giấy khổ lớn. Ông muốn thông điệp gì qua cách lao động các mảng nghệ thuật song hành đặc biệt như vậy?
Mỗi chương trong Lò mổ được tượng trưng bằng một bức tranh, và tất cả đều mang tên Nguyện cầu. Đây là một cách tôi thể hiện niềm mong mỏi của mình - mong rằng, trong thế giới đầy rẫy sự hủy hoại, con người vẫn giữ được lòng thương yêu, lòng bao dung và khát khao một đời sống yên bình. Các bức tranh đều là tranh khổ lớn, vẽ trên loại giấy đặc biệt của Pháp. Tôi đã kết hợp nhiều chất liệu như màu nước, sơn dầu, acrylic, và chì để tạo nên sự hòa quyện riêng của cá nhân, từng lớp màu, từng mảng hình ảnh đậm chất tâm linh. Những bức tranh này sẽ không giống bất kỳ bức tranh nào tôi đã vẽ trước đây. Có thể nói rằng, Nguyện cầu không chỉ là một bộ tranh đi kèm với Lò mổ, mà chính là một phần sống động của tập trường ca này. Tôi muốn người đọc không chỉ nhìn tranh, mà còn cảm nhận được những suy tư mà tôi gửi gắm trong mỗi tác phẩm và hy vọng chúng sẽ mang đến cho độc giả những cảm nhận mới mẻ về nghệ thuật.
Một tác phẩm trong bộ tranh Nguyện cầu. |
Nhiều người đang háo hức với sự thưởng ngoạn những bức tranh Nguyện cầu. Ông có dự định bán bộ tranh này không?
Đã có một vài người ngỏ ý muốn mua lẻ từng bức tranh. Nhưng tôi vẫn mong muốn ai đó có thể sở hữu trọn vẹn cả bộ 18 bức, vì mỗi bức đều gắn liền với một chương trong tập trường ca, và tôi nghĩ chỉ khi trưng bày toàn bộ thì mới có thể truyền tải dược ý nghĩa mà tôi đã gửi gắm trong Lò mổ. Nếu có ai thật sự yêu mến và sẵn sàng sở hữu cả bộ tranh, tôi sẽ viết tay toàn bộ trường ca này lên giấy đẹp và tặng kèm một số tranh phụ khác mà tôi đã vẽ trong quá trình sáng tác.
Buổi ra mắt sắp tới của Lò mổ và các bức tranh Nguyện cầu sẽ được dự định tổ chức như thế nào, thưa ông?
Tôi mong muốn buổi ra mắt sẽ không chỉ là dịp để giới thiệu sách mà còn là một không gian giao lưu nghệ thuật, nơi mọi người cùng nhau ngồi lại, chia sẻ cảm nhận và suy nghĩ về cuộc sống. Ngoài ra, nhà thơ Bruce Weigl và một số bạn bè nhà văn, nhà thơ khác sẽ tham gia để cùng trao đổi, chia sẻ cảm nhận về tác phẩm. Tôi tin rằng, những ai đến dự buổi ra mắt sẽ không chỉ tìm thấy những câu chuyện trong Lò mổ mà còn là những góc nhìn sâu sắc, phong phú về xã hội, con người.
Lần ra mắt đầu tiên này Lò mổ được in bao nhiêu bản, thưa ông?
Tôi dự định sẽ in khoảng 3.000 bản sách và hy vọng bán được khoảng 2.000 bản. Tôi muốn tự mình đi bán sách, vì tôi muốn mỗi cuốn sách đến tay những người thật sự yêu mến và tìm hiểu tác phẩm của mình. Trong thời gian qua, tôi cũng rất vui khi thấy sách của mình vẫn được độc giả đón nhận, kể cả những người không phải nhà văn, nhà thơ mà chủ yếu là giáo viên, những người dạy văn. Đó chính là niềm hạnh phúc của người viết.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện đầy ý nghĩa này. Hy vọng Lò mổ và bộ tranh Nguyện cầu sẽ làm nên một sự kiện gây nhiều dấu ấn đẹp, sâu sắc cho độc giả!