Câu chuyện về tấm bản đồ Việt Nam thống nhất

Ngày 25/4/1976, nhân dân cả nước nô nức tham gia ngày hội Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (khóa VI). Đây cũng là ngày hội biểu dương vĩ đại của lực lượng và ý chí của toàn thể nhân dân Việt Nam. Điều thú vị, ngoài các tin, bài, xã luận về cuộc Tổng tuyển cử, trang cuối của tờ Báo Nhân Dân số ra cách đây gần nửa thế kỷ có in toàn trang tấm bản đồ Việt Nam mầu đỏ, phía trên là dòng chữ "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Cao Trọng Thiềm (phải) trò chuyện với nhà báo Hà Hồng - con trai cố nhà báo Ngô Thi.
Họa sĩ Cao Trọng Thiềm (phải) trò chuyện với nhà báo Hà Hồng - con trai cố nhà báo Ngô Thi.

Người vẽ tấm bản đồ đặc biệt, đăng Báo Nhân Dân ngày ấy, là họa sĩ Cao Trọng Thiềm, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cơ duyên nào khiến người họa sĩ trẻ tài hoa hồi đó được giao nhiệm vụ đặc biệt này?

Sự tình cờ của số phận

- Xin chào họa sĩ Cao Trọng Thiềm, xin cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện cùng chúng tôi. Cách đây không lâu, tôi tình cờ được xem một bức ảnh chụp trang đầu và trang cuối Báo Nhân Dân số 8025, ra ngày 25/4/1976. Trang đầu có chữ "Kính biếu", trang cuối có hình tấm bản đồ Việt Nam và thủ bút của ông ở dưới: "Tôi vẽ bản đồ này theo đề nghị của Bộ Biên tập Báo Nhân Dân. Người trực tiếp liên hệ và đặt vẽ là ông Ngô Thi... Rất gấp, thời gian chỉ có 24 giờ". Ông Ngô Thi khi đó là Phó Trưởng phòng Kỹ thuật thông tin, Ban Thư ký-Biên tập. Tại sao là ông chứ không phải ai đó có chuyên môn cao ở Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước thực hiện tấm bản đồ này cho Báo Nhân Dân?

- Thật ra, lúc Báo Nhân Dân đặt vẽ, tôi đang làm báo ở Thông tấn xã Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, tôi về công tác tại Xưởng mỹ thuật của Bộ Văn hóa.

Ông điềm tĩnh, cẩn trọng và nhiệt thành khi chọn cách đi chậm nhưng là người đồng hành bền bỉ cùng đời sống xã hội và nghệ thuật trong sứ mệnh nghệ sĩ - công dân, nghệ sĩ - chiến sĩ. Thuởấy, khi từng giây phút yên bình thì ngắn ngủi và vụt qua nhanh, nhưng những năm tháng dài khốc liệt của chiến tranh và những nét đẹp thầm lặng của tâm hồn Việt, may mắn sao lại là nguồn cảm hứng vô tận cho ngôn ngữ hội họa của ông thăng hoa trên từng nét khắc. Sống yên lặng,

trải nghiệm và chiêm nghiệm mọi điều hay dở, xấu tốt ở cuộc đời. Tận tụy với bất cứ một công việc nào mà mình gánh vác, đảm nhận và hết lòng với bất kỳ ai như một duyên nợ và phẩm cách bẩm sinh. Nghệ thuật của Cao Trọng Thiềm cũng liền đó tự có những con đường riêng để góp một cái duyên riêng, thật khiêm nhường với sơn mài, lụa và giấy dó truyền thống của người Việt".

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

Mấy năm sau, do sắp xếp của tổ chức, tôi có cơ hội về làm báo ở Thông tấn xã Việt Nam. Sau một thời gian làm phóng viên, tôi được điều lên làm biên tập chương trình thời sự, rồi sau đó làm công tác đào tạo cho các lớp phóng viên ra mặt trận. Đến năm 1979, tôi mới chuyển sang Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

- Thật thú vị. Nhưng tôi vẫn chưa hiểu tại sao Báo Nhân Dân lại đặt ông vẽ tấm bản đồ ấy?

- Lúc đó tôi cũng không hỏi vì sao nên không rõ lắm. Chỉ biết anh Ngô Thi đến đặt vấn đề với tôi, bảo rằng Bộ Biên tập Báo Nhân Dân đặt tôi vẽ tấm bản đồ Việt Nam cho số báo đặc biệt và phải hoàn thành trong 24 giờ. Khi vẽ xong, Bộ Biên tập sẽ duyệt để in hoặc cần chỉnh sửa gì sẽ báo. Tôi chỉ nghĩ, một người trẻ như mình được tín nhiệm như thế thì không thể từ chối bởi đó vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào cá nhân.

- Ông có quen nhà báo Ngô Thi từ trước không? Khi đặt vẽ, ông ấy có hướng dẫn gì thêm không?

- Tôi không quen anh Ngô Thi. Có thể do anh ấy được lãnh đạo Thông tấn xã Việt Nam giới thiệu vì họ biết tôi học Mỹ thuật công nghiệp. Anh ấy cũng nói rất ngắn gọn yêu cầu, xong là đi ngay chứ không hướng dẫn gì thêm. Tôi vẫn nhớ anh ấy người gầy gầy, đạp xe đến nhà tôi vào sáng 22/4. Lúc ấy gia đình tôi ở 16A dốc Thọ Lão.

24 giờ vẽ và nồi cơm nếp của vợ

- Ông đã vẽ tấm bản đồ đặc biệt đó như thế nào?

- Lúc đấy, tôi thấy mình được Báo Nhân Dân đặt hàng nên phấn khởi lắm. Anh Ngô Thi về là tôi bắt tay vào làm việc ngay bởi chỉ có 24 giờ để hoàn thành. Lúc đó làm gì có xưởng vẽ, giá vẽ, bút vẽ, mầu và giấy sẵn đâu. Làm gì có chỗ dựng giá vẽ trong căn nhà mười mấy mét vuông dành cho hai vợ chồng và ba con nhỏ, lại còn đun nấu cũng trong ấy (cười).

Tôi phải lấy một miếng gỗ dán đặt lên giường ngủ và kê chiếc ghế thấp ngồi vẽ. Bút vẽ cũng là loại thông thường thôi. Khó khăn là thế, nhưng tôi quyết tâm hoàn thành tấm bản đồ trong thời hạn được giao. Trước khi vẽ, tôi phải nghiên cứu nhiều tư liệu về bản đồ Việt Nam, tập hợp và đối chiếu với các bản đồ đã có để vừa vẽ chính xác, vừa thể hiện được tinh thần của thời đại.

Mất thời gian nhất là việc suy nghĩ để tìm ra cách thể hiện riêng của mình mà vẫn phải tuân thủ các quy định và nguyên tắc vẽ bản đồ. Điền những địa danh nào vào bản đồ, cái gì có thể bỏ và cái gì không thể bỏ? Tôi suy nghĩ với vai trò của một đảng viên, một người làm báo và đã tìm ra cách thể hiện.

Tấm bản đồ này rất đơn giản, dễ nhìn vì tôi đã lược bỏ rất nhiều chi tiết, chỉ giữ lại những địa danh chính. Đặc biệt, các đường biên giới phải thật rõ ràng. Tôi nhận thức rất rõ tầm quan trọng của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nên phải ghi thật rõ trên bản đồ để khẳng định được chủ quyền. Tất cả những địa danh, những đường biên này được viết bằng tay từng chữ một nên các nét không đều nhau đâu.

Tấm bản đồ được thể hiện với mầu đỏ, chỉ một mầu đỏ thôi chứ không đa sắc như bản đồ thông thường. Ngoài ý nghĩa chính trị, cũng để làm sao khi in báo, tấm bản đồ được thể hiện rõ ràng nhất. Nghĩ thông rồi là cắm cúi vẽ thôi. Hôm đó, vợ tôi thổi một nồi cơm nếp để bồi dưỡng chồng làm việc. Thời đấy mà được ăn cơm nếp là quý lắm (cười).

Đúng hẹn, sáng 23/4, anh Ngô Thi đạp xe đến nhận tấm bản đồ và đi luôn vì còn phải mang về để Bộ Biên tập duyệt, sau đó đem đến nhà in để in thử và kiểm tra, rồi khi không còn vấn đề gì nữa mới in thật. Vài hôm sau tôi nhận được báo biếu có in tấm bản đồ, chính là tấm ảnh treo trên tường kia.

Câu chuyện về tấm bản đồ Việt Nam thống nhất ảnh 1

- Tại sao ông không ký tên ở dưới tấm bản đồ?

- Làm sao mà ký được, đây có phải là bức vẽ bình thường đâu? Tác phẩm này là của Báo Nhân Dân. Trên tấm bản đồ có dòng chữ của Báo Nhân Dân: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một". Đấy chính là tinh thần cốt lõi của tấm bản đồ mà tôi cố gắng thể hiện trọn vẹn.

- Giờ thì tôi đã hiểu vì sao Bộ Biên tập Báo Nhân Dân lại tin tưởng giao một nhiệm vụ cấp bách như vậy cho một nhà báo - họa sĩ trẻ mà không cần một lời dặn dò hay hướng dẫn gì cụ thể. Đó là một sự lựa chọn có chủ đích chứ không phải là tình cờ, ngẫu nhiên!

Sáng tạo không ngừng nghỉ

- Ông hiện có 14 bức tranh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trong đó có những tác phẩm rất nổi tiếng như "Qua phà đêm", "Cầu phao", "Vào ca", "Bộ đội về bản"… Dường như những ngày tháng làm phóng viên báo chí đã ảnh hưởng đến hướng sáng tác hội họa của ông sau này?

- Đúng vậy. Thời gian làm báo không dài nhưng tôi đã có cơ hội đi khắp các tỉnh, thành phố, lấy tư liệu viết tin, ảnh, bài. Chính thực tế làm báo đã cho tôi nhiều trải nghiệm, cảm xúc cho các sáng tác hội họa của mình.

- Lúc tôi đến nhà, nghe người nhà nói ông đang vẽ. Liệu có khi nào ông nghĩ mình sẽ ngừng vẽ?

- Tôi có niềm đam mê với nghệ thuật tạo hình từ khi mới lớn lên, do hoàn cảnh xã hội phải chuyển đổi để làm các công việc thích ứng. Nhưng tâm thức vẫn thôi thúc tôi trở về với niềm yêu thích. Nếu còn cầm bút được, mắt còn nhìn được, hằng ngày tôi vẫn cứ sáng tác.

- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ câu chuyện thú vị về tấm bản đồ Việt Nam đặc biệt này!

Họa sĩ Cao Trọng Thiềm sinh năm 1942, quê ở xã Thanh Phong, Thanh Liêm, Hà Nam. Năm 1963 ông tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật công nghiệp và về làm báo tại Thông tấn xã Việt Nam. Từ năm 1979, ông công tác tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến khi về hưu trên cương vị Giám đốc Bảo tàng. Nghệ thuật của ông nổi trội ở mảng tranh khắc. Các tác phẩm của ông như Cầu phao, Vào ca, Bộ đội vào bản đã khẳng định bản sắc, dấu ấn rõ nét của ông trong nghệ thuật đồ họa Việt Nam.