Lá thư đề ngày 27/1/1949, lần đầu được công bố, đã hé lộ những suy nghĩ của Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo về tình yêu Tổ quốc, về sự sẵn sàng hy sinh cho hòa bình và hạnh phúc qua những câu từ giản dị nhưng chan chứa lý tưởng, niềm tin, sự lạc quan và cả niềm thương nỗi nhớ… Trong thư, Đại tá Phạm Ngọc Thảo đã viết: “Có gì bằng một sự hy sinh tuyệt đối cho dân tộc, cho nhân loại”.
Người viết thư này đã hy sinh anh dũng (Đại tá Phạm Ngọc Thảo bị kẻ thù sát hại một cách dã man và hèn hạ ngày 17/7/1965, khi đó, ông 43 tuổi). Người nhận thư từ lâu cũng đã hòa vào đất mẹ… Song thật may mắn là lá thư đã được bảo toàn khá nguyên vẹn ngoại trừ một đôi chỗ bị mực che mờ nhưng vẫn nhận ra từng nét chữ.
Do những mối quan hệ gia đình nên tôi tình cờ được tiếp cận với những lá thư của Đại tá Phạm Ngọc Thảo gửi cho người thân vào những năm 50 của thế kỷ trước, trong thời kỳ ông làm Trưởng phòng Mật vụ Ban Quân sự Nam Bộ - tổ chức tình báo đầu tiên của cách mạng ở Nam Bộ. Trong quan hệ gia đình, tôi gọi Đại tá Phạm Ngọc Thảo là ông trẻ, bởi bà Phạm Thị Nhiệm, vợ ông, là em gái ruột của ông nội tôi - GS Phạm Thiều - một trí thức yêu nước có thời kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Sài Gòn-Chợ Lớn, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Phân liên khu miền Đông.
Khi ông tôi đi làm cách mạng, bà Nhiệm đã theo ông tham gia hoạt động ở nội thành Sài Gòn và bị Pháp bắt. Khi được thả, bà tiếp tục hoạt động ở Hội Liên hiệp Phụ nữ Nam Bộ, rồi ra chiến khu sau ngày thực dân Pháp tái chiếm Sài Gòn. Chính tại chiến khu miền Đông, bà đã có mối tình đẹp và nên nghĩa vợ chồng với chiến sĩ tình báo - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Ngọc Thảo.
Hơn 75 năm đã trôi qua kể từ ngày lá thư được gửi đi, non sông đã thu về một mối, đất nước đã hòa bình, thống nhất gần nửa thế kỷ, người xưa cũng không còn, nhưng khi đọc lại những dòng suy tư về lẽ sống của Đại tá Phạm Ngọc Thảo, tôi vẫn không khỏi rưng rưng xúc động.
Trong lá thư đề ngày 28/3/1949 gửi cho ông nội tôi, Phạm Ngọc Thảo đã tâm sự, mỗi lần gặp gỡ bà Phạm Thị Nhiệm luôn mang đến cho ông sức mạnh và sự vững tâm. Trong cuộc chiến khốc liệt với kẻ thù, giữa bao mất mát và đau khổ, tình yêu không chỉ mang đến cho ông cảm giác êm dịu, ngọt ngào, nó còn là động lực, tiếp thêm sức mạnh cho ông trong cuộc chiến đấu vì một ngày mai tươi sáng.
Bày tỏ những suy nghĩ chân thành về bà Phạm Thị Nhiệm - người đồng đội, đồng chí, và sau này là người vợ thân yêu, ông viết: “Tôi thấy trong người Nhiệm là cả một thế giới tốt đẹp. Bao nhiêu sự thành thật và trong sạch trong tâm hồn của một chiến sĩ cách mạng”.
Trong một lá thư khác đề ngày 14/3/1954 gửi bà Phạm Thị Huân- em gái của bà Nhiệm, ông Phạm Ngọc Thảo đã đề cập đến khái niệm “hạnh phúc”. Ông viết: “Tình cảnh gia đình của Huân như của gia đình tôi. Chồng, người Vệ quốc, vợ, người cán bộ ở hậu phương. Trên lý trí và trên nguyên tắc, đó là hạnh phúc. Sự thật, nó phải là hạnh phúc…”. Và ông nhắn gửi: “Hai gia đình chúng ta sẽ nắm tay nhau, quyết tâm vượt mọi khó khăn để phục vụ nhân dân và cũng để hưởng hạnh phúc”.
Thật cảm động khi mà giữa muôn vàn gian khó của cuộc sống chiến đấu trong chiến khu, cái chết luôn cận kề, ông vẫn luôn nghĩ về hạnh phúc, vẫn luôn hứa với lòng mình phải vượt lên tất cả để phục vụ nhân dân và để hưởng hạnh phúc. Có thể cảm nhận được sự mạnh mẽ, sự quyết liệt và cả sự giận dữ bị kìm nén trong từng câu chữ: “Trên lý trí và trên nguyên tắc, đó là hạnh phúc. Sự thật, nó phải là hạnh phúc”…
Những dòng cảm xúc của ông cho thấy, chính sự đồng cam cộng khổ, chính cái tình đất, tình người trong gian khó đó khiến họ - những người tham gia kháng chiến thuở đó, càng gắn bó với nhau, càng nung nấu quyết tâm phấn đấu để đạt được hạnh phúc, trước hết là cho nhân dân và sau đó là cho chính họ.
Trái tim của những chiến sĩ cách mạng, của những người cộng sản luôn hòa nhịp đập cùng dân tộc là như thế đấy!
★★★
Câu chuyện về người Anh hùng Phạm Ngọc Thảo, tôi đã được nghe kể từ khi còn rất nhỏ trong gia đình. Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi được biết ông là nhân vật nguyên mẫu mà nhà văn Trần Bạch Đằng, từng là Bí thư Thành ủy Sài Gòn-Gia Định trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đã xây dựng thành nhân vật Nguyễn Thành Luân trong bộ phim nổi tiếng “Ván bài lật ngửa”.
Nhiều năm sau, khi đã trưởng thành hơn, tôi hiểu rằng Đại tá Phạm Ngọc Thảo là một cán bộ tình báo chiến lược, một trong những huyền thoại xuất sắc trong lịch sử quân sự Việt Nam. Thật tự hào khi trong gia đình có một người con dũng cảm, ngoan cường, trung thành với lý tưởng cách mạng đến phút giây cuối cùng của cuộc đời.
Tháng 7 vừa qua, tôi liên hệ với Bảo tàng Bến Tre khi được biết, tại đây anh em, đồng chí hằng năm vẫn tổ chức kỷ niệm ngày mất của Đại tá Phạm Ngọc Thảo tại Bảo tàng tỉnh - nơi ở và làm việc của Đại tá Phạm Ngọc Thảo thời kỳ hoạt động với cương vị Đại tá Tỉnh trưởng Kiến Hòa (tỉnh Bến Tre ngày nay), giai đoạn 1960-1962. Ngày 29/6/2015, nơi đây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích cấp quốc gia “Nơi ở và hoạt động của Đại tá Phạm Ngọc Thảo”.
Lá thư Đại tá Phạm Ngọc Thảo viết cho bà Phạm Thị Nhiệm, ngày 27/1/1949. Ảnh: GIA ĐÌNH CUNG CẤP |
Ngày 17/7 vừa qua, sau lễ dâng hương tưởng nhớ Đại tá Phạm Ngọc Thảo, tôi đã có dịp trò chuyện với một vài nhân chứng về cuộc đời hoạt động nhiều biến cố và những thử thách nghiệt ngã của người anh hùng đã làm nên những chiến tích in đậm trong lịch sử dân tộc. Đó là ông Đặng Quốc Tuấn, người được giao nhiệm vụ ám sát Đại tá Phạm Ngọc Thảo nhân một cuộc mít-tinh lớn được tổ chức ngày 26/10/1961 tại Quảng trường An Hội; là ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, người đã có những năm tháng chiến đấu trên cùng địa bàn với Đại tá Phạm Ngọc Thảo - Tỉnh trưởng Kiến Hòa khi đó, nhưng ở hai chiến tuyến khác nhau bởi khi đó không ai biết Phạm Ngọc Thảo là chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch.
Những câu chuyện về sự khôn khéo, sự ứng phó linh hoạt, sự gan góc của Đại tá Phạm Ngọc Thảo khi hoạt động giữa vô vàn cạm bẫy và phải đối mặt với biết bao thủ đoạn hiểm độc của kẻ thù, đã được kể lại với sự khâm phục, sự ngưỡng mộ và tình cảm ấm áp của những người đồng đội, đồng chí.
Như bao người chiến sĩ cộng sản mang trong mình tình yêu Tổ Quốc, Phạm Ngọc Thảo đã lựa chọn con đường cứu nước, sẵn sàng hy sinh để thực hiện hoài bão lớn lao mưu cầu lợi ích cho dân tộc.
Cái chết đối với ông nhẹ tựa lông hồng. Nhưng khúc tráng ca sẽ còn ngân vang mãi…