Mắc nợ Tây Nguyên

Chúng tôi làm báo trên đại ngàn Tây Nguyên. Từ những phố xá sầm uất đến buôn làng hẻo lánh. Những cảnh đời ở miền non cao, chỉ gặp đôi lần đã lưu dấu ký ức. Những câu chuyện giữa đêm rừng ám ảnh khôn nguôi. Tôi đã đến, rồi gắn bó, rồi yêu. Thiếu không gian núi rừng, thiếu tên đất, tên buôn và bóng hình những con người xứ thượng thì bài viết như thiếu phần sức sống…
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả bên bộ sưu tập chóe cổ và trống cổ của Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan.
Tác giả bên bộ sưu tập chóe cổ và trống cổ của Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan.

Nhớ rừng, rồi nhớ về những con người xứ rừng, nhất là với những già làng, những vị "hiền nhân". Gặp thêm một người là lại thêm một lần mang ơn. Những câu chuyện của họ đã cho tôi dày thêm hành trang. Dù buôn gần hay làng xa, đến đâu tôi cũng được gặp họ, những nhà thông thái. Họ giỏi giang mọi việc và có những cách hành xử làm người đối diện sửng sốt. Ở vùng người Mạ, gặp già K’Noi, cựu xã đội trưởng đã có tuổi gần 90 mùa rẫy thuộc nết từng mạch đồng trên bộ chiêng droòng. Ở plei của người Chu Ru, gặp ông Ya Loan giàu có và thông hiểu mọi sự. Ở buôn Ka Ming gặp thầy giáo dạy tiếng Cơ Ho tên là K’Brịt. Ở Ma Nới (Ninh Thuận) của người Raglai, gặp ông Đá Mài Soai. Ở Buôn Ma Thuột gặp nghệ nhân Điểu Kâu hay lên biên giới Pờ Y gặp nữ già làng Y Pan của dân tộc Brâu… Mỗi người trong họ đều có sự thông tuệ và cách hành xử đậm minh triết rừng. Người giúp giải nghĩa một nét hoa văn. Người phân tích một câu chuyện cổ. Người đọc luật tục. Người hát dân ca. Người kể sử thi. Người bày chơi chiêng. Người nói về các loài dã thú. Người dạy giương cây ná, cầm cây xà gạc khi vạch lối vào rừng. Người chỉ cho cách tìm nắm lá đắp lên vết thương. Có người chỉ ngồi ngậm tẩu thuốc nhả khói im lìm cho tôi cảm nhận và suy ngẫm về những điều sẽ viết…

* * *

Về xứ rừng. Có những bài viết, viết trong niềm hân hoan khi được chia sẻ với cuộc sống đổi mới, khởi sắc của đồng bào. Hay được viết những câu chuyện vui như về tiến sĩ trẻ Cil Duin người dân tộc Cơ Ho đã vượt qua những ngày đói cơm lo học thành tài để làm gương cho học trò, con cháu. Như một buổi trưa giữa cao nguyên Djiring, anh cán bộ K’Lào say sưa kể câu chuyện "trốn đàn trâu đang chăn để đi thi đại học". Nhưng có những bài viết, viết trong nỗi niềm nặng trĩu khi chứng kiến những hiện thực buồn. Như lần ấy ở buôn K’Long K’Lanh của người Chil, tôi đã mắc nợ ánh mắt một người em gái…

Tên em là gì, tôi không kịp hỏi. Bao nhiêu năm rồi, tôi nhớ về em bởi một ánh mắt. Em tựa cầu thang nhìn về bếp lửa, nơi ấy có tôi, nhà báo người Kinh nán lại với rừng trong một đêm nhỡ đường. Buổi tối ấy giữa rừng sâu sương muối về lạnh lắm. Bắp héo lá. Lợn rừng đào trốc hết củ mài. Người đã đói rồi sẽ đói thêm. Những cụ già co ro hơ tay bên bếp lửa. Những đứa trẻ bủng beo day rút bầu ngực teo tóp của mẹ. Những người mẹ mệt mỏi, gục đầu xuống sàn. Tôi lạnh vì đêm rừng, vì ngôi nhà sàn phên nứa gió rít. Buốt lạnh tâm can bởi những gì chứng kiến. Thế mà, những người già nhìn tôi nói thương, thương cái "thằng" cán bộ người Kinh không quen chịu khổ. Đêm ấy, một trong ít đêm tôi không được ăn cơm, bởi buôn làng này ngày đó chỉ sống bằng bắp và củ quả trên rừng, chưa hề biết hạt cơm là gì. Em đã nhìn tôi với cái nhìn gì?! Heo hút giữa rừng sâu, làng buôn người Chil của em từng là một căn cứ kháng chiến "bị lãng quên". Hồi đó, nhiều năm sau ngày thống nhất mà rất đông đồng bào trong buôn chưa được "làm chế độ", trong đó có nhiều bà mẹ liệt sĩ, nhiều thương binh, nhiều người có công. Tôi đã trào nước mắt khi viết bài phóng sự "Tiếng hú phía thượng nguồn" kể về nỗi niềm ấy. Báo đăng, các cấp, các ngành vào cuộc và đền đáp lại phần nào những gì đồng bào từng hy sinh, cống hiến. Nhưng bao nhiêu năm đã qua trên chặng đường làm báo, đến với buôn làng nào, tôi cũng mang theo ánh mắt của em-ánh mắt tôi mắc nợ trong một đêm giữa đường công tác…

Tôi mang theo ánh mắt của em để tiếp tục tìm những vùng đất, những con người trở thành đề tài, trở thành nhân vật cho các bài viết. Tôi đã gặp K’Wét, người du kích dân tộc Mạ từng bắn rơi chiếc máy bay lên thẳng chở tướng Mỹ Kisi, đang ngồi uống rượu với quả xoài xanh trong túp lều canh nương. Lần sau trở lại, người Dũng sĩ diệt Mỹ ấy đã tạ thế vì bệnh xơ gan. Tôi đã gặp bà Ka Lý cựu pháo thủ Đại đội pháo 8-3, đơn vị nữ pháo binh duy nhất ở Tây Nguyên, mù lòa, ngồi đan từng chiếc giỏ tre mưu sinh bằng sự mẫn cảm của đôi bàn tay từng giật cò súng. Trèo lên núi Bờxa Luxiêng ở thượng nguồn Đồng Nai, tôi đã gặp tổng già làng Điểu Đoi có tuổi 112 mùa rẫy, cụ đã quên nhiều chuyện mà chỉ nhớ mình là người đàn ông của dân tộc Mạ và đã từng chỉ huy đội du kích bền bỉ hàng chục năm ròng đánh Pháp, đuổi Mỹ. Tôi đã gặp cựu du kích X’tiêng Điểu Lên giữa rẫy điều Bình Phước và viết bài "Đường về sóc Bom Bo" để cùng ông đòi trả lại tên cho sóc, trả lại địa danh nổi tiếng mà nhạc sĩ Xuân Hồng từng dựng nên huyền thoại tiếng chày. Tôi và các đồng nghiệp của mình cũng từng gặp và viết về những dũng sĩ, những cựu binh, du kích, dân công hỏa tuyến… hết giặc về với rừng, mang theo những thiệt thòi.

Mắc nợ Tây Nguyên ảnh 1
...và cùng những đồng bào dân tộc Chu Ru giữa ruộng lúa vừa gặt.

Chúng tôi cũng viết phản ánh thực trạng và kêu gọi bảo vệ tài nguyên. Nơi nào đó, rừng kiệt, nước cạn và không gian sinh tồn bị tàn phá. Nơi nào đó, họ tái định cư cho bà con bằng những ngôi nhà bị rút ruột không giằng, không móng. Tôi đã run tay khi chụp bức ảnh những đứa trẻ ngồi học bài dưới những mảng tường sắp sập. Nơi nào đó, người dân bị cô lập trong nước lũ, không còn tiền mua gạo và cũng không có gạo để mua. Tôi đã gặp người sản phụ Mạ vừa mới sinh con đang nằm trên sàn nứa mà thức ăn của chị là một nắm rau rừng chấm muối và nắm cơm nguội lạnh. Những bài viết, có khi mang lại kết quả, lúc ấy lòng người viết thật vui. Có lúc rơi vào lãng quên, thờ ơ. Buồn cho mình thì ít mà buồn cho người mình viết thì nhiều…

* * *

Mắc nợ ánh mắt em gái người Chil, tôi cùng biết bao đồng nghiệp đi tìm và viết về di sản làng buôn, về các nghệ nhân dân gian, "báu vật sống" của đại ngàn. Những giá trị văn hóa, những tri thức bản địa cần được bảo tồn. Những hủ tục cần phải xóa bỏ. Dưới chân đỉnh Lang Biang huyền thoại, tôi đã gặp lão bà Cil Ca rồi về bờ sông Đạ Nhim gặp nghệ nhân Ma Bio-những người phụ nữ đau đáu giữ gìn những điệu múa, lời ca tổ tiên truyền lại. Về cao nguyên Djirinh, gặp các già làng K’Tiếu, K’Điệp - những người đã dành tất cả sinh lực còn lại để trao truyền những giá trị tốt đẹp của tộc người. Những người trẻ hơn như Y Phôn K’So, anh bạn viết nhạc người Ê Đê với những ca khúc nổi tiếng, người đã thốt lên lời hát bằng chính gan ruột, bằng chính sự tự tin mãnh liệt và cả sự mặc cảm tê tái. Già làng Krajăn Plin thì tỉ mẩn nhặt nhạnh từng lời dân ca, từng câu luật tục và viết lên những câu hát lay động tâm can. Nhạc sĩ Krajăn Dick dù làm gì, ở đâu cũng miệt mài với văn hóa tộc người. Âm nhạc của Dick là thông điệp chuyển đến cộng đồng hãy trở về với núi, với rừng…

Vâng, chỉ có vậy thôi, nhưng với tôi và các đồng nghiệp của tôi, đó chính là hơi thở của đại ngàn. Không chỉ là núi đỏ rừng xanh với muôn vàn hương sắc. Không chỉ là những thượng nguồn hùng vĩ, những thác nước ầm ào tuôn chảy ngày đêm. Không chỉ là những đêm lửa rừng với vũ điệu đắm say sơn nữ. Không chỉ là những cang rượu cần đắm đuối trong làn điệu dân ca. Tây Nguyên không chỉ là một vùng huyền thoại. Ở nơi đó, chúng tôi được dạo gót trên những buôn làng cùng những bàn chân trần thô ráp phủ mầu đất ba-zan. Được ăn lá bép, cà đắng, những con kiến non, những con mối cánh. Được nghe già làng kể chuyện ngày xưa. Được ngủ trong tiếng củi nổ lép bép ở một góc nhà sàn. Mùi rừng, mùi đất, mùi phân thú dưới sàn, mùi khét người sao mà gần gũi thế. Những người làm báo được nghe bà con nói về cái đói, cái bệnh, nói về làng buôn của họ còn gian nan từ cái chữ đến con đường. Được nghe nhiều người kể chuyện vượt khó, làm giàu. Họ nói về Đảng, về Bác Hồ với lòng tri ân sâu sắc và cả những trăn trở, những điều buồn trong muôn vàn thế sự hôm nay…