Sức hút từ hai cuốn sách về chiến tranh

Vì sao người ta tìm đến thể loại hồi ký? Đó là vấn đề lớn cần có sự lý giải kỹ lưỡng, thỏa đáng. Nhưng theo chúng tôi, cái hay của hồi ký là ở chỗ phi hư cấu, chân thật, chân thật đến tận cùng. Độc giả tìm đến với hồi ký là để hiểu biết về một thời đã qua, về những con người sống trong thời đại ấy.
0:00 / 0:00
0:00
Bìa hai cuốn sách do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản năm 2024.
Bìa hai cuốn sách do Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản năm 2024.

Từ chuyện của một người mà biết được, hình dung được cả một thế hệ, cả một giai đoạn lịch sử, với đủ các chiều kích, tư tưởng, tình cảm, hành động. Không chỉ thế, vấn đề mà tác phẩm đề cập còn góp phần lý giải, trả lời các câu hỏi không chỉ trong quá khứ. Đúng như nhà phê bình văn học Nga Belinsky đã viết: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau, nếu nó không đặt ra những câu hỏi, hoặc trả lời những câu hỏi đó”.

1. Những năm gần đây, nhiều người viết hồi ký, tự truyện. Một số tác phẩm xuất sắc, có tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà còn được dịch, hợp tác xuất bản ở nước ngoài, như bộ hồi ký hai tập của Lý Quang Diệu - cố Thủ tướng Singapore. Tập 1 - “Câu chuyện Singapore” trình bày quan điểm của ông về lịch sử Đảo quốc Sư tử cho đến khi tách rời khỏi Malaysia năm 1965; tập 2 - “Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất”, thuật lại sự chuyển đổi của Singapore để trở mình từ đất nước nghèo khổ thành một “Con rồng châu Á”. Bộ hồi ký quý giá này được nhiều chính khách, nhà nghiên cứu tìm đọc vì nó có sức hút kỳ lạ như lời của nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan: “Câu chuyện được kể thẳng thắn bằng văn phong rất trong sáng và thú vị. Cuốn sách có sức thu hút kỳ lạ”.

Ở nước ta, trong số những hồi ký xuất sắc được xuất bản gần đây phải kể đến “Gánh gánh gồng gồng”, tác phẩm được tặng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Tác giả là bà Xuân Phượng (sinh năm 1929). Tác phẩm viết từ gan ruột này đã chạm đến trái tim người đọc với sự ấm áp, can trường của một người phụ nữ mà cuộc đời gắn bó với lịch sử dân tộc.

Trong đội ngũ trập trùng các “nhà hồi ký” với đủ các lứa tuổi, nghề nghiệp, chức vụ, có Trung tướng, nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu. Hồi ký “Những nẻo đường thời gian” xuyên suốt một không gian rộng lớn từ bắc chí nam, xuyên suốt một quãng thời gian hơn nửa thế kỷ. Những nhân vật mà tác giả nhắc đến tới cả vài trăm người, nhưng đều có đủ họ tên, chức vụ, nhiệm vụ. Lúc ở chiến trường Quảng Trị, Đường 9-Nam Lào, người lính trẻ Nguyễn Mạnh Đẩu có ghi một cuốn nhật ký. Rất tiếc nó đã bị thất lạc trong một trận chiến đấu. Cho nên mấy chục năm sau mới kể lại rất nhiều câu chuyện với những tình huống, chi tiết, tên người, tên đất, qua trí nhớ, quả là... kỳ tài. Nhưng cái gì khiến người ta nhớ? Cái gì nên nhớ và cái gì cần phải quên? Đó vừa là lẽ tự nhiên, vừa là kinh nghiệm sống. Tôi nghĩ, anh Đẩu nhớ nhiều, nhớ kỹ, nhớ chính xác như vậy là vì đó là những trang viết thấm máu đồng đội; những ký ức đầy hào sảng và bi thương hiện lên như những thước phim quay chậm tái hiện trong anh. Đau thì nhớ đời. Hạnh phúc thì nhớ lâu. Và nhờ trí nhớ ấy mà cuốn hồi ký có rất nhiều chi tiết, đọc là nhớ ngay, ám ảnh mãi, day dứt mãi.

Khi mới 16 tuổi, Nguyễn Mạnh Đẩu đã khai tăng hai tuổi để tình nguyện nhập ngũ vào năm 1964. Anh trốn nhà đi lính nên không có người đưa tiễn. Mẹ biết và đặt vào tay anh 7 đồng bạc trong số 12 đồng vừa bán cam, để con mang theo phòng khi... Người lính đặc công, sau này là chính trị viên đại đội từng nhiều lần đi trinh sát, giáp mặt địch, bao lần gặp nguy hiểm, chứng kiến bao đồng đội hy sinh, ôm xác đồng đội trên tay! Năm 20 tuổi, anh từng viết Di chúc, thưa với cha mẹ và người thân rằng, nếu mai con hy sinh... Rồi trong một trận chiến đấu ác liệt đã bị mảnh đạn pháo xuyên vào phổi. Chuyện người lính gan dạ, quên mình vì nhiệm vụ; chuyện người chiến sĩ ưu tú được kết nạp Đảng trong chiến hào sạm sầm khói lửa; chuyện anh chiến sĩ chui rào dây thép gai ngược khi đi trinh sát, sáng tạo ra bài học: “đuôi xuôi, đầu lọt”; chuyện cái giường của bà mẹ Oanh ở Tân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình từng nâng giấc bao bước chân người lính qua đây... sau này có nhiều người trở thành tướng lĩnh, trong đó có Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Trung tướng Nguyễn Mạnh Đẩu, Trung tướng Vũ Cao và rất nhiều chi tiết sống động khác. Chi tiết hay có khi làm nên tên tuổi nhà văn lớn. Và nhà văn phải sống thật như máu thì mới có chi tiết. Điều này, Nam Cao đã nói từ rất sớm: “Sống đã rồi hãy viết”.

2. Đọc cả hai tập sách “Những nẻo đường thời gian” và “Những vị tướng tôi được biết”, chúng ta luôn xúc động bởi nghĩa tình đồng đội, tình thương yêu con người. Chúng ta chiến thắng quân thù mạnh hơn nhiều lần về tiền của, vũ khí, là nhờ ở văn hóa Việt Nam, mà cái gần gũi nhất trong cuộc sống chiến đấu là tình nghĩa, nhận cái chết cho đồng đội sống! Người đọc rưng lệ, dừng lại ở nhiều trang viết về các liệt sĩ, gia đình liệt sĩ trong chiến tranh.

Tôi rất ấn tượng hình ảnh Trung úy Nguyễn Mạnh Đẩu sau chiến tranh, vừa điều trị khỏi bệnh, người còn gầy yếu, cơn sốt rét chưa lui hẳn, lại lọc cọc chiếc xe đạp đi khắp các vùng quê Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định... thăm gia đình đồng đội. Anh thấy những người mẹ, người cha thân thiết như cha mẹ của mình. Còn các bậc cha mẹ thì cảm thấy như con của họ trở về - những người con trẻ mãi 18 tuổi, “lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai”.

3. Chất thơ trong tác phẩm văn xuôi là ấn tượng của tôi khi đọc nhiều lần tác phẩm của Nguyễn Mạnh Đẩu. Anh là một cây bút đa dạng, viết ký chân dung, hồi ký, tiểu luận, phê bình văn học, làm thơ. Mảng nào anh cũng đã có sách. Dẫu rằng, anh khiêm tốn nói, tôi chỉ ghi chép sự kiện, ghi chép ý nghĩ chợt đến. Tôi sinh ra để làm lính, chiến trường chọn tôi, tôi không chọn con đường làm nhà văn. Nhưng ở đời, nhiều cái không chủ ý, lại thành. Tố Hữu từng nói đại ý: Cuộc sống này vốn đã đẹp, đã hay lắm rồi. Các anh cứ ghi nguyên lại thế, đừng có bịa đặt làm gì.

Chất thơ đến tự nhiên là bởi thế chăng? Thơ ở hình ảnh, hình tượng. Thơ ở nhịp điệu, ngôn ngữ câu văn. Thơ ở những câu văn kể rất kiệm lời, vị ngọt ở ngoài múi cam. Cảm xúc dồn nén, chữ như ứa ra đầu ngọn bút. Tôi xin trích vài câu để minh chứng: “Mùa mưa đầy nhựa sống”; “Đi trong rừng khộp, lá giòn bánh đa”; “Ngày thỏa sức hái măng, đêm ngủ bờ suối cạn”; “Bến nước bờ lau bồi hồi nhung nhớ”... Những câu văn tự nhiên, dung dị của một chàng trai trẻ tránh được những lời to tát, mà dư vang, mà bền bỉ.

4. Tập sách “Những vị tướng tôi từng được biết” phác thảo chân dung 15 vị tướng lừng danh, trận mạc, tài hoa. Đọc là để học. Viết cũng là để học. Chợt nghĩ, ai muốn làm tướng thì nhất định phải làm lính, lính trận hẳn hoi. Có điều kiện thì nên đọc cuốn sách này, để làm tướng. Tôi thấy hầu hết các nhân vật trong cuốn sách đều là những nhà thông thái “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, giữa hiểu lòng người”. Làm việc to mà nhẹ nhàng như mưa rơi. Nói việc nhỏ mà muôn vàn thế sự. Ấy là chỗ thành công của tác giả.

Chúng ta học được cách tư duy của các nhà tư tưởng, nhà quân sự, nhà chiến lược lừng danh Võ Nguyên Giáp, Lê Khả Phiêu, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Anh, Chu Huy Mân. Chúng ta học được phong thái đĩnh đạc, quyền biến, tỉ mỉ, rất mực đời thường của các vị tướng Trần Sâm, Đặng Vũ Hiệp, Trần Văn Quang. Chúng ta học được cách sống, lối sống giản dị, mực thước, lời thẳng thắn giữa dạ mình, không sợ hiểu sai, mất lòng đồng đội, chỉ sợ mất lòng dân, chỉ sợ chiến dịch/trận đánh thất bại. Và còn biết bao giai thoại về các vị tướng, đam mê công việc, nghệ thuật, nhưng vào trận thì xem cái chết nhẹ như một chuyến đi dài vậy. Như Tướng Hoàng Đan, cho làm một cái hầm chữ A để ông chui vào đấy, rồi cho cối, pháo... bắn thử vào hầm. Có quả đạn pháo trúng nắp hầm. Tất cả thót tim. Nhưng kìa ông đã bò ra khỏi hầm vừa cười, vừa nói: “Thấy chưa, có sao đâu!”. Đó là phẩm chất của người anh hùng: Mang đến sức mạnh, niềm tin cho mọi người trong những tình huống nghẹt thở, giữa ranh giới cái sống và cái chết.

“Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc”. Trên hết, phẩm chất trên hết của các vị tướng trận mạc được nhà văn khái quát là hy sinh lớn! Họ hiểu “một tướng công thành vạn cốt khô”. Họ hiểu rằng, sự thiệt thòi của mình trong thời bình là không đáng gì, chớ nên so bì, tính toán thiệt hơn. Đó là lẽ sống, là đạo làm tướng.

Gấp lại những trang sách chiến tranh trong những ngày đạn khói ngút trời ở Dải Gaza, Iran, Lebanon, Israel, ở Nga, Ukraine... Máu vẫn đổ và cánh hải âu bay vẫn vấp phải những “vòm sắt”, những giới tuyến cắt chia. Càng thêm quý, thêm yêu những trang viết thấm máu người ngã xuống.