Trào lưu làm việc của những người ưa xê dịch

Đến năm 2025, một số nghiên cứu ước tính rằng có tới 35,7 triệu người Mỹ, tương đương 22% lực lượng lao động sẽ làm việc từ xa. Do ảnh hưởng của đại dịch, ngày càng có nhiều người lựa chọn lối sống không ở cố định tại một chỗ. Được hỗ trợ bởi công nghệ, họ có thể vừa đi du lịch khắp nơi vừa làm việc từ xa. Họ được gọi là những người “du cư số” và xu hướng này đang trở nên phổ biến.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh | HEYMONDO
Ảnh | HEYMONDO

Công việc không phải là chỗ bạn đến mà điều bạn làm

Từ đầu đại dịch đến tháng 11/2021, anh Jo-Jo Feng đã đổi chỗ ở hàng chục lần, lúc ở tại một cabin ở dãy núi Ozark, lúc ở phòng khách của bạn bè tại New York, lúc thì đến một trang trại ở hạt Humboldt, California. Làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật phần mềm, vào thời điểm đó anh đã tận dụng lợi thế làm việc từ xa để dừng hợp đồng thuê nhà của mình và chuyển sang thuê nhà trên Airbnb luân phiên.

Anh chỉ là một trong số rất nhiều người, phần lớn là những lao động trẻ tuổi, có trình độ đại học, làm công ăn lương, đã trở thành những người “du cư số”. Lối sống này đã gia tăng trong nhiều năm qua và khi Covid-19 lan tràn, sự phổ biến của cách làm việc mới này bùng nổ, đến nay vẫn chưa có dấu hiệu giảm xuống. Từ năm 2019 đến năm 2021, số lượng người Mỹ tự cho mình là những người “du cư số” đã tăng từ 7,3 triệu lên 15,5 triệu, chủ yếu là do sự gia tăng các lựa chọn làm việc từ xa trong các công việc truyền thống, theo một cuộc khảo sát do MBO Partners, một nền tảng dành cho việc quản lý lực lượng lao động độc lập, tiến hành.

Theo một báo cáo gần đây của Qualtrics, 80% người tìm việc mới cho biết điều quan trọng là công việc tiếp theo cho họ cơ hội sống ở bất cứ đâu. Một trong những nguyên nhân chính là hiện nay ngày càng nhiều công ty có chính sách cho phép nhân viên làm việc từ xa. Một số công ty như Zapier, GitLab và Doist, đã áp dụng mô hình làm việc từ xa hoàn toàn. Những công ty khác như Twitter và Shopify vẫn có văn phòng với tư duy “làm việc từ xa là ưu tiên hàng đầu”. Các công ty như Lift, Airbnb và 3M cũng đang chuyển sang mô hình làm việc linh hoạt lâu dài. Một thí dụ khác là Spotify quảng cáo thực tế “công việc không phải là chỗ bạn đến mà việc bạn làm”. Mô hình làm việc ở bất cứ nơi nào cho phép người làm chọn địa điểm và cách thức họ làm việc, tất nhiên có thể giới hạn trong một số điều kiện địa lý nhất định.

Với cơ hội lựa chọn công việc linh hoạt ngày càng nhiều và việc học tập tại nhà đã giúp tạo ra một hướng mới cho những người muốn ngắm nhìn thế giới, đồng thời vẫn gắn bó với gia đình của họ. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Lonely Planet, những người “làm việc ở bất cứ đâu” như vậy hầu hết làm việc trong các ngành công nghệ cao, với 61% làm việc toàn thời gian. Khoảng 70% những người này từ 24 đến 44 tuổi. Gần một nửa trong số đó đã kết hôn và không giống như những thanh niên thích lang thang một mình khắp nơi với chiếc laptop - hình ảnh quen thuộc của những người ưa xê dịch, 70% là các bậc cha mẹ đưa gia đình đi cùng.

Một trong những lý do chính nữa là trong những năm gần đây, đã có sự thay đổi từ việc coi trọng tài sản sang tập trung vào trải nghiệm. Thế hệ Y và thế hệ Z đang thúc đẩy xu hướng này. Thay vì tiêu tiền vào những chiếc đồng hồ đắt tiền hay xe hơi sang trọng, thế hệ trẻ thích đầu tư vào những trải nghiệm như tham gia các buổi hòa nhạc, leo núi và các lớp học nấu ăn.

Trào lưu làm việc của những người ưa xê dịch ảnh 1

Làm việc linh hoạt kết hợp du lịch đang là xu hướng của giới trẻ.

Cô đơn trên mạng

Sau vài tháng khám phá, anh Jo-Jo, 25 tuổi, tốt nghiệp Đại học Yale năm 2019 và lớn lên ở trung tâm Illinois bắt đầu mất cảm giác gắn bó với cộng đồng. Anh nói: “Tôi muốn biết những người hàng xóm, tôi muốn đi xuống phố và nhận ra mọi người, biết tên họ và có thể bắt chuyện với những người mình gặp”.

Lối sống nay đây mai đó đối mặt với khá nhiều trở ngại như vấn đề tiền bạc, giờ giấc làm việc, sức khỏe... Nhưng thách thức lớn nhất vẫn là nó làm đứt gãy sự kết nối giữa con người, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ. Bà Beverly Yuen Thompson, Giáo sư xã hội học tại Đại học Siena ở New York, người đã nghiên cứu về các cộng đồng này nhận thấy rằng những người sống “du cư” thường có các mối quan hệ nhất thời, điều này có thể khiến họ cảm thấy bị cô lập và mất kết nối. “Họ trẻ, độc thân và cô đơn. Họ tìm kiếm cộng đồng không dựa trên địa điểm mà chủ yếu là cộng đồng trực tuyến và đến với nhau tạm thời”. Không thiếu những bằng chứng cho thấy sự cô đơn kéo dài sẽ là thảm họa đối với sức khỏe tinh thần của con người hoặc việc thiếu mạng lưới nghề nghiệp sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sự thăng tiến trong sự nghiệp và khả năng kiếm tiền. Một số nghiên cứu còn cho thấy sự cô đơn thậm chí có thể làm giảm tuổi thọ.

Đối với Jay, một thanh niên 25 tuổi làm việc trong lĩnh vực công nghệ và đã sống lang bạt kể từ tháng 9/2020, anh đã đi du lịch đến các thành phố như New York và San Francisco. Anh nuối tiếc: “Bạn không chỉ được vây quanh bởi bạn bè của mình mà còn có bạn bè của bạn bè. Đó là những điều đơn giản, chẳng hạn như những bữa tiệc tối, nơi bạn ngồi cùng nhau và nói chuyện với những người xa lạ, điều đó thật xa xỉ trong đại dịch. Tôi nhận ra rằng tôi đã bỏ lỡ điều đó nhiều như thế nào”. Mặc dù vậy, Jay sẽ không sớm từ bỏ lối sống của mình. Theo kinh nghiệm của Jay, một trong những cách tốt nhất để duy trì ý thức cộng đồng khi di chuyển vài tuần một lần là trở lại một vài thành phố nơi anh có thành viên gia đình hoặc bạn bè từ trường đại học. Điều này giúp anh xây dựng cộng đồng bằng cách kết nối những nhóm khác nhau và gặp gỡ bạn bè của bạn bè ở mỗi thành phố này. Một số tổ chức đang cố gắng khuyến khích nhân viên quay trở lại văn phòng để duy trì văn hóa và sự gắn kết trong thời đại làm việc từ xa bằng cách trợ cấp cho việc đi lại và tổ chức các sự kiện bên ngoài thường xuyên.

Bà Constance Hadley, nhà tâm lý học và giảng viên tại Trường Kinh doanh Questrom của Đại học Boston, khuyến nghị những người “du cư số” tìm kiếm các cộng đồng di động, nơi họ có thể kết nối mọi lúc mọi nơi. Chìa khóa của các cộng đồng di động là cảm giác thân thuộc có thể đến từ các giá trị tương đồng và phong tục được chia sẻ.

Đáp ứng nhu cầu của lớp người này, ngày càng có nhiều sản phẩm và dịch vụ ra đời để giúp những người “du cư số” vượt qua những trở ngại trong lối sống của họ. Chẳng hạn như không gian chung sống và làm việc chung. Những không gian này giảm bớt gánh nặng, giúp họ cân bằng giữa công việc và du lịch. Bạn có thể ổn định, hoàn thành công việc của mình và tìm cảm hứng thông qua việc kết nối với những người khác. Không gian làm việc chung thường cung cấp nơi làm việc, nhà ở tạm thời và khả năng tiếp cận cộng đồng địa phương gồm những người có cùng nhu cầu. Các công ty du lịch cũng sẵn sàng cung cấp các dịch vụ du lịch phù hợp. Chẳng hạn như công ty Nomad Cruise và Remote Year tập hợp các nhóm chuyên gia sống và làm việc từ xa trong vài tuần đến một năm. Các công ty này xử lý tất cả các công việc hậu cần, cho phép bạn tập trung vào công việc và khám phá các địa điểm mới. Sự phát triển của thị trường thông tin việc làm trực tuyến và các trang web việc làm từ xa cũng giúp họ tìm việc dễ dàng hơn. Ngoài ra còn có các trang web cung cấp nhiều dữ liệu hữu ích, chẳng hạn như thông tin về chi phí sinh hoạt, tốc độ internet, thuế, thị thực và nhiều thông tin khác về các thành phố trên toàn thế giới.

Sự quan tâm đến lối sống độc lập ở những địa điểm được thay đổi liên tục đã làm dấy lên mối quan tâm đến thị thực dành cho những người theo đuổi lối sống này. Các quốc gia đang đưa ra các lựa chọn thị thực để thu hút người nước ngoài ở lại lâu hơn. Brazil quy định việc cấp thị thực tạm thời và giấy phép cư trú cho những người nhập cư làm việc. Do đó, họ có thể ở lại một năm và gia hạn thị thực thêm năm thứ hai. Gần đây nhất, Indonesia đã thông báo rằng nước này đang xây dựng một loại thị thực mới sẽ có hiệu lực tới 5 năm. Cho đến nay đã có khoảng 50 quốc gia đã tham gia cung cấp thị thực kiểu này, như Australia, Cộng hòa Séc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Estonia, Đức, Thái Lan, Indonesia, Italia, Tây Ban Nha và Brazil, cùng nhiều quốc gia khác. Những thị thực này thường yêu cầu chứng minh thu nhập và có việc làm từ xa, có bảo hiểm du lịch và ý định khởi hành.