Ngôi nhà của hai vợ chồng kia là nhà sàn, nước lũ về là dưới gầm sàn như cái ao luôn. Nhưng lũ ở rừng không kéo dài, chỉ một lúc, một vài giờ là biến mất. Để lại những tảng đá trơ trọi, trắng toát. Miếng đất bằng phẳng mà họ có chỉ đủ dựng nhà, một khoảnh sân nhỏ để thả gà lợn, còn thì bước một bước là dẫm thẳng xuống suối. Chính là con suối chảy ra từ khe núi kia. Ông chồng tên là Biền, cậu con trai lớn tên là Bình. Vì thế cả làng gọi theo tên con là vợ chồng nhà Bình Biền. Bà vợ thì đến tận bây giờ tôi vẫn không biết tên. Vốn dĩ là cả ngôi làng Tày ấy, khi các cô gái về làm dâu nhà chồng, rồi làm mẹ, thì cái tên cha mẹ đặt cho đã biến mất gần như vĩnh viễn. Nó chỉ xuất hiện trở lại trên giấy tờ khi bọn trẻ con đi học hoặc đi làm.
Bà vợ Bình Biền tầm dưới bốn mươi tuổi. Da trắng, tóc dài và mềm, eo nhỏ, hông nở. Gái Tày đều thế, đẹp mướt mát như những bông bạch yến. Chợt nhớ, mới hôm qua, một bạn đọc nhắn hỏi tôi: Chị có phải là một bông bạch yến không? Sao chị có thể viết về bông bạch yến lấp lánh thế? Tôi không phải là một bông bạch yến. Ví với bông bạch yến, chỉ có thể là con gái Tày. Bà Bình Biền chẳng hạn. Trước cửa nhà bà ấy có một bụi bạch yến mọc hoang. Cây bạch yến gần giống với gừng, giềng. Mọc thành bụi, cuống lá xếp lớp thành thân, lá to và dài. Nó mọc ở đấy từ trước lúc hai ông bà dựng nhà. Và cứ đến mùa thì nó lại trổ bông. Tôi thường trèo qua hàng rào nhà mình mỗi khi nhìn thấy bạch yến nở. Bà Bình Biền bảo, cháu thích thì cứ lấy về. Nhưng tôi thương bụi cây. Tôi luôn tin cây nào hoa nào cũng có linh hồn. Và chúng sẽ thật buồn bã nếu như những bông hoa bị tách khỏi cây, như là một đứa bé con như tôi phải tách khỏi mẹ.
Có lẽ vì sống ở vùng thấp, ruộng nước, khí hậu ôn hòa, ít phải leo núi, nên con gái Tày óng ả hơn hẳn. Bà Bình Biền hay ngồi ôm con trên sàn phơi lúa những buổi trưa hè. Nắng rọi từ trên cao, xuyên qua tán lá dẻ rậm rì xanh biếc, lớt phớt trên gương mặt hai mẹ con. Bà ấy hát, những câu dân ca Tày. Trong ký ức của tôi, tiếng hát ấy trong vắt, thanh thoát, tinh tế, ẩn chứa những buồn phiền rất khó diễn tả. Giống như một giọt sương trong buổi ban mai rơi xuống phiến đá, vỡ ra. Tiếng vỡ của nó nhỏ tới nỗi người ta chỉ có thể cảm mà không thể nghe. Nhưng chỉ cảm thôi mà cũng thấy nhoi nhói một nỗi gì buồn phiền quá.
Sau này, đi xa rồi, có một lần quay về tôi đến nhà thăm hai ông bà Bình Biền. Lúc ấy tôi đã làm báo, và cứ say sưa đi nhặt nhạnh mọi thứ có trong đời sống của người Tày, người H’Mông, ghi ghi chép chép mà cũng không biết để làm gì. Nhưng cái việc nhặt nhạnh ấy khiến tôi vui thích vô cùng. Bà Bình Biền đã có tóc bạc, tầm ngoài năm mươi. Với phụ nữ Tày thì năm mươi đã là già, đã lên bà nội bà ngoại cả rồi. Tôi hỏi ngày xưa cô hát những câu gì mà cháu nghe buồn quá, dù chẳng hiểu gì cả. Bà mỉm cười, hỏi thế thì làm sao cô nhớ được. Lại hỏi, thế hồi trẻ cô hay hát gì? Hát những gì bọn con trai thích nghe. Ôi, thực lòng là tôi thấy câu trả lời thú vị quá. Bà Bình Biền lấy đàn tính ra, gảy một khúc, hát một khúc. Rồi bà đọc thơ. Bố bà vốn là người biết chữ Nho bên Cao Bằng, nên con cái cũng được dạy dỗ ít nhiều. Tôi có biết bài thơ mà bà Bình Biền đang đọc: Ôi người là cha mẹ/Công lao cúc dục lớn như biển cả/Đinh ninh nhớ cây tang cây tứ/Ta thất lễ vì thiếu tên trên bảng mai...
Đây là bản dịch bài Cố hương từ của Lê Thế Khanh, một tác giả người Tày Cao Bằng. Ông sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ 4, đầu thế kỷ thứ 5. Bài thơ ấy có tư liệu cho là bài thơ chữ Hán ra đời sớm nhất ở Việt Nam.
Về bài thơ thì tôi không ngạc nhiên vì trong quá trình lọ mọ tìm hiểu đã biết từ trước, nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là người đọc nó lại là bà Bình Biền. Một người phụ nữ mà từ lúc trở thành hàng xóm nhà tôi cho đến bấy giờ chỉ thấy lên nương, ra ruộng, đẻ con chăm con, đêm đêm vừa xay lúa vừa trông chảo cám lợn.
Tôi ngồi yên lặng trên sàn phơi lúa, dựa lưng vào cái cột cao ở góc sàn và buông thõng chân xuống dưới. Bên dưới là dòng nước đang rí rách chảy, trong leo lẻo, và mấy con ngan với mảng lưng đen thui đang quẫy đạp. Bà Bình Biền cứ nhẩn nha đọc thơ, rồi lẩm nhẩm hát. Tôi không hình dung được nếu như người Tày nói chung, phụ nữ, con gái Tày nói riêng mà không có dân ca Tày, không có đàn tính, không có hát then thì như thế nào. Giai điệu của then không khó, ai hát cũng được. Tôi cũng hát được. Nó không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật hay phải có âm vực rộng. Nó cứ nhẩn nha rí rách loanh quanh trong đời sống, nhưng nó khiến cho tâm hồn người ta được bay bổng, vượt qua những vách núi hay những nếp nhà hàng trăm năm tuổi. Có lẽ vậy!
Khi tôi từ xa quay về làng, tôi nhận ra mỗi năm, từng năm một, những nếp nhà với mái lá cọ dày hàng gang tay đang lần lượt biến mất. Ngôi làng tuyệt đẹp của tôi, với những thửa ruộng thoai thoải biếc xanh; với những nếp nhà nằm nép sát chân núi, quanh nhà là hàng rào mắt cáo, bên trong trồng đầy các loại rau; với những cái cọn nước cứ cọt kẹt cọt kẹt, cả những cái cối nước nữa, thì thụp suốt ngày đêm... đang biến mất. Tôi đã từng ngồi hàng giờ nhìn cái cối nước. Một đầu là máng đựng nước, một đầu là chày dộng thẳng xuống cối mỗi khi đầu kia nước đầy, trĩu xuống, nước trút ra, và đầu này rơi bụp xuống. Nhịp nhàng, miệt mài, không bao giờ mệt mỏi. Cứ ào, xòa, rồi bụp. Lại ào, xòa, bụp. Đúng cái nhịp điệu ấy.
Núi rừng, cánh đồng và ngôi làng như trái tim ấm áp luôn đập dịu dàng trong ký ức đẹp đẽ của tôi.