Người ra đi từ gốc đa Hàng Trống

Trong bức ảnh được chụp ngày 14/7/1968 tại bộ phận tiền phương Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Quảng Đà thuộc địa bàn huyện Duy Xuyên có tám nhà báo thì sau đó bốn người là liệt sĩ, một người là thương binh nặng. Người hy sinh đầu tiên là nhà báo-nhà thơ Nguyễn Trọng Định, phóng viên Báo Nhân Dân, cùng trong tổ phóng viên vào chiến trường Quảng Đà một ngày với tôi", nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh hồi tưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà báo Nguyễn Trọng Định - người đầu tiên từ bên phải qua. Ảnh tư liệu của Nhà báo Trần Mai Hạnh
Nhà báo Nguyễn Trọng Định - người đầu tiên từ bên phải qua. Ảnh tư liệu của Nhà báo Trần Mai Hạnh

Mạch hồi tưởng về người bạn học, người đồng đội, đồng nghiệp thân yêu đã ngã xuống giữa chiến trường Khu 5 khốc liệt… được tiếp nối: "Anh Định hy sinh lúc mờ sáng ngày 26/8/1968, khi một trái pháo nổ gần, mảnh đạn sắc nhọn đâm thủng ba-lô xuyên thẳng vào tim. Máu từ tim chảy theo đường đạn ướt sũng cả ba-lô, máu thấm ướt cả những cuốn sổ nhật ký chiến trường, những cuốn sổ chép thơ…".

Nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh cũng đã kể lại: "Sáng nghe tin Định hy sinh, tôi tất tả lội sông La Thọ (còn gọi là sông Cổ Cò) qua tìm thăm mộ Định vừa được mai táng vội vàng ở xóm Bà Dưa và nhận những kỷ vật của Định do các anh bên tuyên huấn bàn giao. Mảnh giấy ghi vắn tắt: 1 ba-lô, 1 bộ quân phục, 1 áo khoác, 1 đài bán dẫn Trung Quốc, 1 sổ tay phóng viên, 1 bức ảnh. Gia tài Định để lại chỉ có thế. Tôi gói chiếc ba-lô đẫm máu cùng những kỷ vật của Định cất cẩn thận dưới đáy ba-lô của tôi suốt những năm tháng ở chiến trường…".

Thế rồi, nhiều năm sau chiến tranh, những đồng nghiệp cũ, những người bạn cùng thời của Nguyễn Trọng Định đã mang đến giao tặng Trung tâm Thông tin của Báo Nhân Dân bốn cuốn sổ tay. Các cán bộ Trung tâm run run đón nhận với thái độ xúc động và trân trọng. Những cuốn sổ tay của nhà báo-nhà thơ-liệt sĩ Nguyễn Trọng Định mà bao năm nay, những người bạn, đồng nghiệp, đồng đội của anh lưu giữ như những báu vật còn lại của người liệt sĩ đã hòa thân xác giữa chiến trường năm xưa. Bốn cuốn sổ sờn mép, giấy úa, nhưng lạ kỳ thay, nét mực vẫn rói tươi. Ba cuốn sổ nhỏ ngoài bìa ghi các năm: 1960, 1961, 1967; còn cuốn sổ tay lớn nhất hoàn toàn không ghi ngày tháng, những bài thơ chép tay trong sổ cũng không đề thời gian. Đó là những những cuốn sổ chép thơ cuối cùng của Nguyễn Trọng Định. Tôi đã vinh dự được tiếp cận với những "kỷ vật máu" ấy. Đêm chong đèn, tôi thức đọc những vần thơ của anh, có cả những bài chỉ mới ở dạng phác thảo, trong một niềm xúc động khó tả. Thơ của một thời đạn bom, khói lửa. Thơ như máu rút ra từ trái tim mang nhịp đập nóng bỏng của một người chiến sĩ cầm súng và cầm bút đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Tôi đã đọc thơ anh trong niềm tự hào về một cây bút tài hoa từng ra đi từ gốc đa Hàng Trống. Đọc trong một niềm nuối tiếc, giá như anh không ngã xuống ở tuổi 26 đầy mơ mộng, khát khao…

★★★

Ít nhiều tôi đã biết về anh, và đã đọc đôi bài thơ của Nguyễn Trọng Định trong tập Sắc cầu vồng mà những bạn bè cũ Lớp Ngữ văn khóa 6 - Trường đại học Tổng hợp của anh như Lữ Huy Nguyên, Hữu Nhuận, Anh Ngọc, Mã Giang Lân,… rút ra từ "chiếc ba-lô đẫm máu" để Nhà xuất bản Văn học ấn hành vào năm 1993, nhân kỷ niệm 25 năm ngày Nguyễn Trọng Định hy sinh. Nhưng quả thật, lúc này đây, một mình trong đêm lần giở những trang sổ tay cũ kỹ từ gần 60 năm trước và đọc những vần thơ tươi nét mực của người liệt sĩ, tôi mới cảm thấy trong tâm hồn trào lên một niềm xúc động khó tả. Đọc thơ anh, tôi cảm nhận ở Nguyễn Trọng Định một tâm hồn tươi trẻ, lạc quan, bay bổng vô cùng. Thơ anh viết trong những ngày ở giảng đường, những ngày chưa ra trận là những dòng thơ vui, dạt dào yêu thương. Chứa đựng trong đó là tất cả cảm xúc lý tưởng của một người thanh niên yêu đất nước, yêu quê hương, yêu con người, yêu chế độ đến từng mạch máu. Đó là những dòng thơ khỏe khoắn và tươi vui của một thanh niên khao khát xây dựng cuộc sống mới: "Trên quê mới đời ta nay thấy đẹp/ Với khói đốt nương quấn quýt rừng xa/ Với đàn trâu hợp tác về mỗi tối/ Trên sừng dài còn vướng mấy nhành hoa…" Hoặc: "Trên sàn lán mía vừa mới cắt/ Anh thợ xây cắm cúi học bài/ Vã mồ hôi với từng con tính/ Lật những trang đời thơm phức tương lai…" (Đêm trên thành phố Thái Nguyên). Trong tâm hồn phóng khoáng và lãng mạn ấy ẩn chứa một tình yêu thiên nhiên, hoa lá, trăng sao, mây trời đến ngất ngây: "Vui biết bao là những đêm nghỉ học/ Nằm gối đầu lên sách ngắm trời sao/ Đêm tháng tám trời xanh như mắt ngọc/ Trăng biếng lười chưa chịu bước lên cao…" (Sao). Rồi: "Rừng ơi! Ta ngây ngất say người/ Khi hớp những giọt sương nồng trên lá/ Rừng ơi! Ta đã lả tay rồi/ Vẫn muốn riết những bóng rừng rộn rã…" (Rừng).

Anh đã yêu biết bao cuộc sống thanh bình, yêu da diết đến cả một (Sắc cầu vồng): "Trước những cơn mưa ẩm ướt/ Đột nhiên một áng cầu vồng". Đất nước không bình yên. Nửa nước còn giặc, hai miền lửa cháy. Nguyễn Trọng Định cũng như bao nhà thơ thời chiến, đã phải viết cả những vần thơ căm hận. Những câu thơ này, chỉ có thể thốt lên bằng tất cả trái tim trong những ngày tháng ấy: "Trong cuộc đấu tranh sinh tử hôm nay/ Giặc mang nhắm gan ta ở miền Nam mỗi sáng/ Đêm miền Bắc, Mỹ phá giấc nồng bao làng, bao bản/ Họng súng nào còn có thể bình yên…". Thơ anh viết trong tâm thế của người chiến sĩ trước giờ xung trận. Những vần thơ về (Em nhỏ miền Nam): "Em Bội ơi, anh thấy rồi lửa cháy/ Những em gái yêu luôn miệng hát ca/ Thân đau xé vẫn bừng bừng khúc hát/ Em chết trên môi còn đọng lời thơ…". Từ trong đau đớn và ngút trời căm thù kẻ đã gây nên cuộc chiến tranh tội ác, trái tim giàu thổn thức, yêu thương đã phải đặt tên cho thơ mình là (Bài ca chiến đấu). Những dòng thơ đã nói lên tất cả, giải thích tất cả cảm xúc của người trai Việt trong những tháng ngày ra trận: "Ta đâu phải người không biết ngắm trời xanh/ Không biết vót tre đan thành nôi con trẻ/ Nhưng phải có những hầm chông tre đuổi Mỹ/ Phải có triệu nghìn mắt lửa giữ trời xanh…".

Trong dòng cảm xúc rực lửa ấy, từ gốc đa Hàng Trống, người trai Hà Nội, chàng cử nhân Văn khoa, người phóng viên ngoài tuổi đôi mươi mang ba-lô, khoác khẩu súng, cầm cây bút lên đường. Đánh giặc, viết báo và làm thơ. Cùng với những bài phóng sự, những bản tin từ chiến trường nóng bỏng, hồn thơ Nguyễn Trọng Định vẫn dào dạt tuôn trào. Thơ viết trên đường hành quân. Thơ viết sau trận chống càn. Thơ viết trong phút giải lao giữa giờ tăng gia. Thơ ca ngợi những mảnh đất kiên trung, những con người dũng cảm. Và trong cuộc trường chinh không hẹn ngày về ấy, nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân luôn khắc khoải trong tâm hồn người lính. Trên đường hành quân, anh viết bài thơ (Nước vối quê hương) với cảm xúc dịu dàng, ấm áp: "Chúng con đi giữa rừng đêm mưa xối/ Lòng vẫn ngọt ngào vị nước vối quê hương". Những phút giây tưởng chừng như bình yên, hay là tâm hồn người nghệ sĩ trong anh khao khát bình yên-trong hình ảnh quê hương, người mẹ già, gốc vối già kỷ niệm và người con gái láng giềng: Quê ta đêm nay có nặng hạt mưa giông / Ấm vối đặc chắc vẫn nồng trong gió / Tháng năm rồi vối trong vườn kết nụ / Cô láng giềng còn hái giúp mẹ không?...

GS, Nhà giáo Nhân dân Đinh Văn Đức, một người bạn học Lớp Ngữ văn khóa 6 cùng Nguyễn Trọng Định xúc động: "Mỗi lần nhớ về Định, riêng tôi vẫn hình dung anh qua bài thơ (Nước vối quê hương). Trên bàn làm việc của tôi trong nhiều năm có tấm gỗ chặn giấy vẽ hình Puskin và câu thơ "Và người đời nhớ mãi tên ta", đó là vật kỷ niệm của Định về năm học cuối cùng. Sau này ở mọi nơi, kể cả những chuyến đi xa, nhớ về bè bạn bao giờ (Nước vối quê hương) cũng là một giọt nước thấm mãi trong lòng tôi ký ức về một nhà báo-một người chiến sĩ-một người làm thơ-một người bạn trung thực, hồn hậu…".

Người ra đi từ gốc đa Hàng Trống ảnh 1
Những cuốn sổ chép thơ của liệt sĩ Nguyễn Trọng Định.

★★★

Đọc những vần thơ trong sổ tay di cảo của Nguyễn Trọng Định, tôi vô cùng xúc động và muốn được tìm thêm những tư liệu liên quan đến những ngày cuối cùng của anh ở chiến trường Quảng Đà ác liệt. Thật may, tôi được cung cấp bởi thông tin của nhà báo Trần Mai Hạnh, một đồng đội cũ, từng chứng kiến hoàn cảnh hy sinh của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Trọng Định như đã kể ở trên. Từ chiến trường ra, Trần Mai Hạnh chính là người đã mang chiếc ba-lô đẫm máu, bức ảnh anh Định chụp cùng người yêu trước ngày ra trận và những kỷ vật của Nguyễn Trọng Định giao tận tay gia đình và viết tường trình cụ thể về địa điểm và hoàn cảnh hy sinh của anh để Báo Nhân Dân làm thủ tục đề nghị Nhà nước xét công nhận danh hiệu liệt sĩ cho anh. Đến nay đã 56 năm sau ngày anh hy sinh, phần mộ và hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Trọng Định vẫn chưa tìm được.

Trong những tháng ngày công tác tại Đà Nẵng, tôi đã có đôi lần lang thang bên dòng sông Cổ Cò và tưởng tượng hình ảnh của nhà báo-nhà thơ Nguyễn Trọng Định trước ngày hy sinh, như lời nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh đã từng miêu tả: "Qua sông, mặc lại quần áo xong Định vẫy chào tôi. Hình ảnh Định mặc bộ đồ bà ba đen, đi chân đất, vai đeo xắc cốt, lưng đeo ba-lô tất tả trong hoàng hôn chạng vạng mãi ám ảnh tôi. Đó là hình ảnh cuối cùng của Định trong cõi nhân gian này…". Những ngày đầu tháng tư năm 2024, trên đường thăm lại chiến trường xưa, nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh đã có thể hạnh ngộ người đồng đội, đồng nghiệp năm nào ở nơi chốn mà họ có thể cùng hồi tưởng về một thời chiến trường khốc liệt mà những câu thơ vẫn ngọt lành "ngụm nước vối quê hương".