Tôi đi dọc bờ sông, mùa này nước cạn, cát dưới chân nhoi nhói. Dòng nước lững lờ trôi theo bóng con thuyền thẩn thơ thả lưới; nhà thuyền chài chuẩn bị cơm chiều, không có khói sao vẫn nghe trong gió vị mang mang sông nước và nỗi niềm của những kẻ lênh đênh. Lại nhớ câu chuyện về một mùa hoa cải. Câu chuyện ám ảnh để mỗi mùa ký ức lại được xới tung và nhưng nhức, dẫu chỉ là chuyện của người dưng. Có một mùa hoa cải - không, có rất nhiều mùa hoa cải... Những mùa hoa cuối cùng của năm, ở nơi bến bờ xa xôi xao xác, như cố rút hết nhựa sống trong lòng đất, dâng hiến cho đời tận tụy, yêu thương. Trong luênh loang, hun hút gió chiều, những thảm hoa nối nhau mỏi tầm mắt, nhìn mầu vàng tươi tắn như những đốm nắng, lòng bất chợt nôn nao.
Cải có biết bao nhiêu là loại: cải ngọt, cải ngồng, cải bẹ, cải xanh, cải thảo, cải xoăn, cải cầu vồng, cải xoong, cải mầm, cải trời... Mỗi loài cải một cuộc đời, một số phận, một chốn nương thân, cũng lắm hương sắc, vị riêng. Nhưng tôi cứ nhớ và thương về cải tiếu - loài cải ở bên kia sông mà chẳng hiểu tự bao giờ đã sang đò về bờ bên này cùng người quan họ.
Cải gieo từ tháng tám, trải suốt mùa thu cùng nắng mưa vô định, xanh hơn mỗi ngày, cứng hơn mỗi độ. Uống nước sông Cầu, thấm vị dân ca, đắm mình trong ánh mắt của những cô gái làng xuống bãi hái dâu chiều chiều, sớm sớm. Thành những cây cải canh khi vào kỳ bánh tẻ. Ôi cái vị cải tiếu, the the nơi đầu lưỡi nhưng lại ngọt thanh dịu mát nơi cuống họng, đã ăn rồi lại muốn ăn nữa, ăn rồi là nhung nhớ không quên. Nhớ mầu lá xanh phong phanh trên thân cây mảnh dẻ khoe cùng gió. Nhớ dáng đơn côi của những cây còn sót lại khi người ta đã nhổ dần trên luống đem bán. Chỉ còn những cây để giống, cành lá rậm rạp đan xen. Gặp cơn gió vô tình có khi ngả ra như quấn bện, như chở che, nương tựa lẫn nhau. Và cuối năm trổ hoa, tích hạt. Cả một triền sông đổi sắc. Không còn nhìn thấy cỏ may, cỏ chỉ, cỏ gà; không còn để ý những luống dâu ánh mỡ đến kỳ bứt lá, cũng chẳng mỏi mắt trông theo những bụi chuối rờm rợp đang xôn xao cùng bầy chim bay lạc. Chỉ còn lại sắc vàng mê mải, không thể vô tình, không thể bước đi.
Rất nhiều hoa có mầu vàng: dã quỳ, cúc, hướng dương, mimoza... nhưng sao hoa cải cứ gọi những cảm tình sâu xa thế! Nhìn những vạt hoa bên sông, không hiểu sao thấy lòng yên bình, thơ dại; cũng dậy lên những tha thiết mong chờ cháy bỏng. Có phải vì loài hoa ấy lặng thầm bên dòng nước, dưới những triền đê lạc lõng? Hay bởi đó là loài hoa quê mùa dịu hương, đơn sắc nhưng cứ cháy hết mình, ngóng vọng xôn xao? Giống như lòng người, thèm một bãi bờ yên bình, một bến đỗ nhưng cũng không nguôi ao ước về phía chân trời xa lắc.
Nhiều khi, bận rộn cuốn đi, lo toan quay cuồng. Rồi quen mắt với những loài hoa đóng hộp, bọc giấy sang trọng, cứng nhắc. Một ngày bỗng gặp lại mầu hoa cũ. Lòng bất chợt mênh mang. Cả một trời ký ức sống dậy. Là những lần mẹ sai xuống bãi lúc non trưa nhổ rau nấu cơm mà thẩn thơ quên cả giờ về. Những buổi chiều cắt cỏ, chăn trâu cùng lũ bạn. Những bông hoa cải thành thứ đồ chơi đặc biệt sẵn có để biến những cô bé con mặt lấm lem bùn đất và tóc vương mùi nắng thành cô dâu hay nàng công chúa. Hoàng tử và chú rể có những ngày không xuất hiện nên cuối chiều, những dải hoa lại được thả trôi theo dòng nước cùng tiếng cười nắc nẻ mãi không tan. Ngày đó đâu e dè “Sợ làm con bướm trắng/ Giật mình bay sang sông”; hoa cải cứ thao thiết đôi bờ, dòng nước ăm ắp phù sa chờ đợi. Mùa nối mùa.
Chiều nay trở về, hoa cải vẫn còn đây. Sao không nhặt được tiếng cười nào trong nước. Nhìn xuống mặt sông, chỉ thấy màu trời xam xám và ánh mắt xa xôi. Nhưng không cảm thấy chút gì xa vắng, bởi biết một điều cây cải vẫn âm thầm trổ hoa vàng bên bãi vắng. Nhìn hoa cải là nhìn thấy nắng, nắng vàng rực rỡ triền sông trong một chiều nhiều gió. Và lòng mình cũng nắng!