Dưới gốc cây phèo heo
Trước đó, đi theo đội hình chiến đấu của Sư đoàn 324, sau giải phóng Huế, Ðà Nẵng, ngày 13-4-1975, trên những chiếc xe đò của hãng Phi Long, tôi có mặt trong đoàn quân "Thần tốc" tiến về Sài Gòn. Sáng 28-4-1975, khi đang trong tâm trạng chộn rộn, nóng lòng chờ đợi của "Mũi nhọn nghi binh - thê đội dự bị" tại thị trấn Thành (Khánh Hòa) thì phóng viên Tân Thái lái xe Jeep xô tới, thúc giục tôi. Thế là hai anh em thay nhau vần vô-lăng, phi xe theo tiếng súng phía trước.
Lúc ấy (chiều 30-4-1975), anh Tân Thái cầm chiếc máy ảnh chụp bằng phim nhựa Ocvo, bấm lia lịa. Tôi không có máy ảnh nên cứ chạy lăng xăng như trẻ con đón mẹ về. Tôi gặp gỡ, cười nói, chào hỏi, ghi chép, ngó nghiêng khắp khu tiền sảnh, hậu sảnh. Ði ra khu vực phía sau Dinh, tôi thấy một cây cổ thụ lừng lững, rễ cộm lên gồ ghề, cuộn sóng như những dãy núi mi-ni lan rộng mặt đất. Ngước lên, mắt tôi chạm tấm biển có dòng chữ "Cây phèo heo". Ðúng là một cây lạ, rễ giống hệt bộ phèo con heo. Sẽ là chẳng có chuyện gì đáng nói nếu tôi không tò mò tiến sát gốc cổ thụ để ngắm nghía. Tôi bỗng khựng lại khi nhận ra một người chiến sĩ ta nằm ép sát giữa các khe rễ phèo heo, tư thế hướng về phía trước Dinh. Tôi bước tới, lay lay lưng áo, hỏi: "Ðồng chí làm sao thế? Ðồng chí ơi! Ðồng chí làm sao thế?". Không thấy phản ứng gì, nhưng thấy lưng người chiến sĩ vẫn nóng rừng rực, nên tôi cố lật nghiêng anh lên. Trời…! Anh nằm đè lên khẩu AK, một tay ôm chặt cây cờ Giải phóng cuộn tròn theo hình mũi tên. Mặt, ngực anh máu tràn thấm đẫm quân phục, thấm đẫm một phần cây cờ anh đang ôm. Có lẽ anh bị thương từ buổi sáng. Anh khẽ ngước mắt nhìn tôi, đôi môi khô mấp máy. Tôi hiểu anh đang cần nước uống. Người lính nào cũng vậy, sau khi bị thương thường khát nước. Tôi vội mở nắp bi-đông mang theo, đưa vào phía miệng anh. Lúng túng, xúc động xen lẫn nên nước từ bi-đông cứ òng ọc tuôn tràn cả lên má người chiến sĩ. Anh tóp tép nuốt, nuốt cả nước lẫn máu từ má anh tràn xuống. Tôi mừng vì biết anh còn sống mà tự nhiên khóc nấc.
Tôi hỏi: "Ðồng chí ở đơn vị nào, tên đồng chí là gì?". Người chiến sĩ phều phào: "Guâng đoàn bốn". "Ðồng chí tên gì?". "Tên Tu..ư, quê Giồng Trôm…". Tôi cố vạch ngực áo anh để xem cho cặn kẽ ký hiệu đơn vị thường được thêu trên áo. Nhưng tôi không thể luận ra vì dòng ký hiệu một phần bị đạn xuyên toạc, phần còn lại đã nhòe máu từ vết thương của anh. Phải cấp cứu, phải cấp cứu ngay, tôi thoáng nghĩ và hướng ra phía trước Dinh, gào to: Có đồng chí ở Quân đoàn 4 bị thương, mọi người tới giúp một tay nào…! Các đồng chí ơi…! Tôi vừa gào lên vừa tháo túi băng cá nhân của mình băng quanh vùng ngực người chiến sĩ. Thú thực, lúc đó tôi cứ quấn bừa chứ không nhìn rõ vết thương phía dưới vạt áo lính của anh. Quấn băng xong, tôi vuột chạy ra phía trước Dinh, vừa chạy vừa gào để tìm người hỗ trợ. Sân trước Dinh vẫn đông đúc, ồn ã vui mừng chiến thắng. Một số người thấy tôi hô hào cũng ào theo, trong đó có nhiều người nước ngoài. Tôi đề nghị ai đó có xe cho mượn để chở thương binh đến bệnh viện. Rất nhanh chóng có đến mấy chiếc xe chạy tới. Chúng tôi khiêng người chiến sĩ lên một chiếc xe Jeep không mui, do một người nước ngoài lái. Việc khiêng thương binh lên xe tưởng đơn giản mà quá khó khăn. Anh thương binh Quân đoàn 4 này kiên quyết chống cự. Hai tay anh quặp lại ôm chặt cây cờ, khẩu súng, vừa ghì chặt vào rễ cây phèo heo, không sao nhấc anh lên được. Tôi quát: "Ðồng chí Tư. Chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng đất nước, Dinh Ðộc Lập cờ Giải phóng đã tung bay. Ðề nghị đồng chí giao lại súng, cờ để đi làm nhiệm vụ mới! Rõ chưa!". Anh chiến sĩ cố ngước lên nhìn tôi, thấy bộ mặt tôi nghiêm nghị, anh mới từ từ buông tay tuân lệnh.
Chiếc xe Jeep rú còi chạy vun vút trên đường phố Sài Gòn đầy cờ hoa, nắng gió, đến dừng tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ðón xe chúng tôi là tốp thanh niên áo xanh, đeo băng đỏ. Họ là lực lượng thanh niên, sinh viên được tập hợp để làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn trật tự, trị an những ngày đầu giải phóng. Nghe tôi trình bày, họ nhanh chóng huy động bác sĩ đưa thương binh lên bàn cấp cứu. Lát sau, họ quay ra, thông báo: "Anh ấy đã hy sinh"…!
"Cái đuôi Việt Cộng"
Ðêm ấy, chúng tôi ngủ tại căn nhà bảo vệ nằm phía trái cổng, trong khuôn viên Dinh Ðộc Lập. Vừa vui, vừa mừng, vừa mệt nên chẳng thấy đói, chúng tôi cũng chẳng thiết ăn gì. Nhưng khát thì không thể nhịn được. Chúng tôi mượn được cái xoong nhỏ để đun nước. Nhưng không có bếp, không có củi mà cũng chẳng có gạch để kê làm "đầu rau". Loay hoay một lúc, nồi nước cũng được đun bởi "sáng kiến" kê một phần xoong vào bậc lên xuống trong nhà, phía quai xoong còn lại dùng đoạn dây thép buộc treo lên. Tôi giữ phần dây treo cho thăng bằng. Khi xoong nước sôi hạ xuống, anh Tân Thái lôi từ ba-lô ra một túi đường có nhẽ tới cả kg, đổ hết vào xoong. Ðêm Sài Gòn tháng tư quá nóng, xoong nước vừa sôi như nóng bỏng hơn nhiệt độ vốn có. Chúng tôi thì khát cháy cổ mà không sao uống được. Chúng tôi liền nghĩ ra việc đi mua đá lạnh.
Bước ra cổng Dinh, tôi hỏi đường đến chợ Bến Thành. Có đến vài chục người đang đứng chuyện trò, bàn luận sôi nổi trước cổng Dinh ào đến, vây quanh tôi như vây quanh một thần tượng. Họ ríu ran, hỏi han xởi lởi. Ngồi sau chiếc xe "Honda 67" của một thanh niên, vèo vèo vài phút tôi đã có mặt trước cổng chợ Bến Thành. Ðêm Sài Gòn sáng trưng. Thành phố ồn ã, đông vui như hội. Tôi ghé tới quầy mua chanh. Chị bán chanh tấp đầy chanh vào mũ cối của tôi và dứt khoát từ chối khi tôi móc túi lấy đưa chị tờ "năm chục". Tôi sang quầy bán đá cây, mua một tảng đá lạnh nặng tới năm, sáu ký. Anh bán đá cũng quyết không lấy tiền.
Ðã 46 năm trôi qua. Sài Gòn giờ đã "Ðàng hoàng hơn, to đẹp hơn". Thi thoảng, tôi vẫn nhớ về người chiến sĩ Quân đoàn 4 ôm cờ ngã xuống đúng vào giờ đầu tiên của chiến thắng, tay ghì chặt khẩu súng và lá cờ Giải phóng dưới gốc cây phèo heo phía sau Dinh Ðộc Lập.