Cổng làng hướng ra đê sông Hồng, mùa nào cũng mượt mà cỏ xanh. Hoa sen thì nhiều làng quê có, nhưng ở miền bắc, trồng nhiều nhất là quê tôi và hai xã bên cạnh. Lúc này hoa sen đang rộ. Ði ra khỏi nhà, khỏi làng là gặp những bờ đầm trồng hoa chiều tím, mười giờ, dừa cạn và bên dưới là sen. Tất cả tôn bồi cho nhau, tạo nên cảnh sắc thanh bình, hiền hòa và nên thơ khó tả. Hương sen lẫn vào gió, tràn vào các xóm làng, con ngõ, ngôi nhà. Cả vùng như được tắm trong làn hương man mát.
Tôi đã đi biết bao miền, chiêm ngưỡng bao đầm sen trong dặm dài đất nước, kể cả những đầm sen bên làng cổ, miền quê thanh bình ở rất xa làng mình, để rồi cảm nghiệm thêm rằng, ở đâu người dân cũng yêu hoa sen. Yêu hoa nên tìm cách để trồng nhiều hoa, cho hoa nở đúng độ nắng hè như chan lửa xuống không gian. Yêu hoa nên để hoa nở vào trong cuộc sống an lành, cho thơm ngát mùa gặt, mùa cấy. Các cụ làng tôi nói rằng, nhờ hơi nước của ao đầm bốc lên, quyện hương sen nên làm dịu bớt cái oi nóng, tạo cảm giác dễ chịu. Hương sen và cả tâm sen là vị thuốc giúp ngủ sâu giấc. Nhưng "vị thuốc" từ bầu khí giúp cuộc sống bớt oi bức, lúc nào cũng thanh mát mới thật sự ý nghĩa. Có lẽ bởi thế mà người quê tôi sống lâu. Làng Nha Xá, với bên kia nữa, làng Lảnh Trì, Yên Mỹ, Từ Ðài… là những làng có nhiều người trường thọ.
Các cụ làng tôi kể, nghề sen ở vùng trũng ven sông Hồng đã có cả trăm năm. Sông Hồng cũng tiếp nước vào kênh Mộc Nam. Kênh Mộc Nam nối với hệ thống kênh nhỏ hơn, đưa nước vào đầm và nối với sông Bút, sông Bái hiền hòa. Nhờ nguồn nước, chất đất mà sen quê tôi phát triển tốt. Những bông hoa to như vốc tay người lớn, khi để lấy hạt, đài sen to như những chiếc bát nhỡ, cho hạt chắc, mẩy. Những ngôi làng trong vùng có hai cách khai thác sen. Lấy hoa hoặc hạt. Nếu không bị dịch bệnh bùng phát, hoa sen làng tôi sẽ đi về thị xã, thành phố và nhiều nơi khác nữa. Mùa sen năm nay, quê tôi chủ yếu để hoa nở mãn, kết hạt và thu hoạch dần. Một phần hoa được lấy để ướp chè.
Nha Xá ở thời hoàng kim của nghề dệt lụa, nơi nào cũng nghe tiếng khung cửi, tiếng thoi đưa, tiếng người đến nhập hàng và bàn cách làm ăn. Nay nghề dệt không còn như xưa nữa, nhưng trong mỗi người dân vẫn đầy ắp niềm tự hào, vẫn cố gắng giữ những mối hàng truyền thống. Làng còn những tấm gương tâm huyết như ông Quảng, ông Thương, ông Ðiệp… cần mẫn giữ nghề, đưa sản phẩm làng nghề đi nhiều nước trên thế giới.
Còn nhớ, trước đây vào những ngày phơi lụa, chân đê trở thành bức tranh khổng lồ vì những dải lụa rực rỡ được căng ra. Ở nhiều con ngõ có hàng rào râm bụt, cũng thành nơi phơi lụa. Chẳng ít nhiếp ảnh gia đã về làng để chụp ảnh, trải nghiệm không gian rất đỗi thanh bình ấy, mang theo những cảm nghĩ tốt đẹp về một vùng quê yên ả, chất phác. Vào những ngày không dịch bệnh, sớm tinh mơ người làng tôi sẽ tản bộ bên những bờ đầm. Xa xa sẽ thấy những bác nông dân hái hoa về ướp chè. Chiều tối, trẻ em hồn nhiên thả diều bên sườn đê, bên những đầm sen vi vu gió. Các em gác cánh diều lên bầu trời, như muốn gửi về trời cao những ước vọng của thời cắp sách.
Sen thanh tân và mỗi năm lại một mùa, còn làng cổ sẽ thêm tuổi, thêm cổ kính. Cả hai cộng hưởng tạo nên cảnh sắc nên thơ. Tôi mong điều đó là mãi mãi, để tên làng không chỉ là thương hiệu, mà còn là nơi chốn cho mỗi người con luôn mãi hướng về.
Tản văn của ÁI NHƯ