8 giờ 45 phút ngày 29-3-1975, Tiểu đoàn Bộ binh 1, tiến công và làm chủ sân bay Ðà Nẵng, sau đó phát triển sang bán đảo Sơn Trà. Tiểu đoàn Bộ binh 2, tiến công Tòa thị chính thành phố, làm chủ và cắm cờ giải phóng trên nóc tòa lúc 9 giờ 35 phút ngày 29-3-1975, sau đó phát triển sang quân cảng Ðà Nẵng. Tiểu đoàn Bộ binh 3, được phối thuộc một Ðại đội xe tăng Lữ đoàn 203 tiến công Chỉ huy sở sư đoàn 3 Ngụy, tại Hòa Cầm, diệt hai xe tăng địch ra phản kích, làm chủ lúc 8 giờ 45 phút ngày 29-3-1975. Trong quá trình chiến đấu tại Ðà Nẵng, Trung đoàn đã bắt hàng nghìn tên địch (trong đó có một đại tá, bốn trung tá, ba thiếu tá và 88 sĩ quan cấp úy), thu 400 xe quân sự, 10 tấn đạn các loại (chủ yếu là đạn pháo cối), 381 máy thông tin, 500 tấn gạo. Chiến công này góp phần giải phóng hoàn toàn Ðà Nẵng - một trong hai cứ điểm quân sự lớn nhất ở miền nam (sau Sài Gòn). Ðà Nẵng thất thủ làm sụp đổ hệ thống phòng thủ chiến lược của địch ở vùng ven biển Trung Bộ, gây nên tâm lý tuyệt vọng trong ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, tạo đà cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 tiến lên một bước mới.
Ngày 2-4-1975, Trung đoàn tổ chức hội nghị quân chính, kiểm điểm rút kinh nghiệm tiến công địch trong thành phố, biểu dương, khen thưởng đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt chiến đấu vừa qua. Ðồng thời tranh thủ triển khai huấn luyện cho bộ đội cách đánh địch trong thành phố, nhằm phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục những yếu kém, nhất là khâu chỉ huy hợp đồng binh chủng trong điều kiện thời gian gấp. Tuy chỉ 10 ngày tập luyện, nhưng qua đó đã nâng cao khả năng chỉ huy và trình độ tác chiến của cán bộ, chiến sĩ lên một bước đáng kể.
Ngày 18-4-1975, Trung đoàn được lệnh hành quân gấp theo đường biển tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Là lính bộ binh, chưa quen sông nước bao giờ nên ai nấy đều bị sóng biển hành hạ say nôn mửa ra hết cả mật xanh, mật vàng song tất cả cán bộ, chiến sĩ đều trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao.
5 giờ 15 phút ngày 19-4-1975, Trung đoàn đổ bộ lên cảng Quy Nhơn - tỉnh Bình Ðịnh. Vừa đặt chân lên bãi tập kết thì 5 giờ 45 phút, Sư đoàn điện: "Ðồng chí Nhất, bộ phận hành quân của đồng chí tự lo bảo đảm phương tiện hành quân vào vị trí tập kết tại đồn điền ông Quế - Long Thành - Ðồng Nai. Ðúng ngày "Nhận nhiệm vụ". Ðọc xong bức điện trên, tôi toát mồ hôi, vì nơi đây mới giải phóng dựa vào đâu để huy động xe bây giờ? Trong khi nhiệm vụ Trung đoàn phải nổ súng trước chiến dịch ba ngày (26-4-1975) phải làm chủ được căn cứ địch tại Nước Trong. Lãnh đạo, Chỉ huy bàn kế hoạch trưng dụng xe ô-tô các loại từ trong nam ra, từ ngoài bắc vào. Sau đó điện xin ý kiến cấp trên và được Sư đoàn đồng ý. Trung đoàn tổ chức ba tổ quân cảnh đeo băng đỏ, kết hợp với lực lượng quân quản Quy Nhơn làm nhiệm vụ trưng dụng xe ô-tô.
Ðiều kỳ diệu làm chúng tôi không thể quên là, chỉ không đầy ba giờ đồng hồ ba tổ quân cảnh cùng lực lượng quân quản địa phương đã hoàn thành nhiệm vụ trưng dụng được 85 xe ô-tô các loại (xe khách, xe tải, xe cứu thương). Chúng tôi mừng khôn tả. Ðúng như Bác Hồ dạy: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong". Chúng tôi mời chủ và lái xe đến để Chính ủy nói rõ mục đích, yêu cầu thời gian trưng dụng xe với tinh thần tự nguyện để bà con yên tâm. Tất cả 175 người chủ và lái xe đều tình nguyện đi phục vụ đơn vị chiến đấu. Trên suốt dọc đường hành quân, máy bay địch thả bom phá hủy một số cầu đường, bộ đội cùng chủ và lái xe bất chấp hiểm nguy, bom đạn, bùn lầy, tất cả đều xông vào sửa đường, đẩy xe vượt qua. Ngày 22-4-1975, đến Phan Thiết, đơn vị dừng lại một ngày bổ sung đủ cơ số đạn dược, xăng dầu... Ðêm hôm đó, đơn vị tổ chức liên hoan văn nghệ cùng địa phương, nhân dân đến xem rất đông, khoảng 5.000 người đứng chật hết sân vận động. Giữa buổi liên hoan, đại diện nhân dân Phan Thiết trao tặng Trung đoàn lá cờ giải phóng thể hiện tình cảm, niềm tin yêu và như tiếp thêm sức mạnh cho Trung đoàn 9 chúng tôi trước sự chứng kiến và vỗ tay hoan hô nhiệt tình của đông đảo khán giả.
Trải qua cuộc hành quân đường dài hàng nghìn cây số, vượt qua bao bom đạn kẻ thù- đúng 20 giờ ngày 23-4-1975 đoàn xe 85 chiếc đã đưa Trung đoàn 9 tới vị trí tập kết vượt thời gian quy định trước ba giờ đồng hồ, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Chủ và nhiều lái xe xin ở lại đơn vị tiếp tục phục vụ chiến đấu, nhưng Trung đoàn cảm ơn sự nhiệt thành quý giá đó, động viên mọi người ra về. Ðặc biệt có anh Huỳnh Hồng đến gặp lãnh đạo, chỉ huy khẩn khoản xin bằng được cho người và xe ở lại phục vụ chiến đấu. Anh nói: "Ðây là cơ hội có một và chắc chắn không thể còn lần hai. Do vậy xin đơn vị cho em được toại nguyện, em sẽ làm tất cả những việc đơn vị cần cho chiến đấu... ". Lãnh đạo đơn vị trao đổi và đồng ý tiếp nhận anh Hồng cả người và xe giao cho cơ quan Tham mưu và cơ quan Hậu cần quản lý, điều hành. Trong quá trình đơn vị bước vào chiến đấu từ 4 giờ sáng ngày 26-4-1975 đến ngày 30-4-1975, anh Hồng đã mưu trí, dũng cảm vượt qua nguy hiểm, vận chuyển thương binh từ tuyến trước về tuyến sau, tiếp tế đạn dược từ tuyến sau lên tuyến trước đáp ứng kịp thời cho chiến đấu, vận chuyển nước uống, thức ăn cho bội đội dưới hỏa lực rất ác liệt của quân địch, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh anh Hồng được Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 trao tặng bằng khen.
Ðạo diễn điện ảnh nổi tiếng người Hà Lan Joris Ivens từng nói: "Tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh, nhưng tôi chưa thấy ở nơi nào trên thế giới này, cả dân tộc kết thành một khối cùng đánh giặc như ở Việt Nam".
Bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Tối 23-4-1975, sau khi dự họp Ðảng ủy Sư đoàn xong, đến 22 giờ - tôi và anh Chính - Trung đoàn trưởng trực tiếp nhận nhiệm vụ Sư đoàn giao: "Trung đoàn 9 được tăng cường tiểu đoàn lựu pháo của Trung đoàn 68, được phối thuộc Ðại đội xe tăng của Lữ đoàn 203. Có nhiệm vụ tiến công, làm chủ Trường Tăng thiết giáp ngụy tại căn cứ Nước Trong. Sau đó phát triển ra ngã ba đường 15 Tổng kho Long Bình, cầu Xa Lộ theo hướng Sài Gòn. Bảo đảm cho lực lượng thọc sâu của quân đoàn bước vào đánh chiếm nội đô. Thời gian Trung đoàn phải nổ súng trước chiến dịch ba ngày (ngày 26-4-1975), phải làm chủ trường Tăng thiết giáp ngụy. Ðể lực lượng thọc sâu của Quân đoàn bước vào chiến đấu đúng thời gian quy định của chiến dịch".
Ðây quả là một nhiệm vụ hết sức nặng nề và vô cùng quan trọng. Trong khi địch tình và địa hình chỉ mới biết sơ qua trên bản đồ, thời gian lại quá gấp. Từ khi nhận lệnh đến khi nổ súng chỉ vẻn vẹn 48 giờ đồng hồ, biết bao công việc phải làm. "Quân lệnh như sơn", cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 9 chúng tôi đều hiểu rằng, khó khăn mấy cũng phải khắc phục, hoàn thành nhiệm vụ. Vì đây là hướng chủ yếu của chiến dịch, Trung đoàn có hoàn thành nhiệm vụ "mở cửa" thì lực lượng thọc sâu mới bước vào chiến đấu được. Hơn nữa đây là trận quyết chiến chiến lược, đánh vào sào huyệt, hang ổ cuối cùng của địch, thực hiện lời Bác Hồ "Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào".
Ðúng 4 giờ sáng 26-4-1975, toàn Trung đoàn đã chiếm lĩnh xong vị trí xuất phát xung phong, bộ đội triển khai công sự ngụy trang. Ðến 17 giờ, toàn Trung đoàn bắt đầu nổ súng tiến công địch. Sau hơn một giờ chiến đấu dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, linh hoạt Trung đoàn đã làm chủ trường Tăng thiết giáp ngụy. Diệt và làm tan rã hàng nghìn tên địch, bắt hàng trăm tên, bắn cháy hàng chục xe tăng, xe bọc thép, hạ tại chỗ hai máy bay lên thẳng. Ðúng 19 giờ 10 phút ngày 26-4-1975, lá cờ giải phóng của nhân dân Phan Thiết trao tặng Trung đoàn đã được cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 2 cắm tung bay trên nóc Sở Chỉ huy Trường Tăng thiết giáp ngụy - một trong những cứ điểm kiên cố của địch trên tuyến phòng thủ Long Thành.
Ðịch liều lĩnh vội vã tổ chức liên tiếp các đợt phản kích hòng chiếm lại căn cứ Nước Trong. Chúng gom góp số tàn quân ở Xuân Lộc chạy về cùng với Tiểu đoàn 7 - Lữ dù 2, Tiểu đoàn 1 - Lữ 147 thủy quân lục chiến, một thiết đoàn xe tăng là những đơn vị tinh nhuệ và tin cậy nhất của chúng để tung vào phản kích. Ngày 27-4-1975 với lực lượng đông, hỏa lực mạnh, kết hợp với bộ binh, xe tăng đánh phủ đầu ba tiểu đoàn của Trung đoàn 9, gây cho ta nhiều tổn thất. Trước tình hình đó, lãnh đạo, chỉ huy Trung đoàn quyết định cho toàn Trung đoàn dừng tiến công địch trong hành tiến, khẩn trương chuyển sang củng cố công sự, hình thành thế trận bao vây, chia cắt địch khi chúng tiến công. Sau đó, Ban chỉ huy Trung đoàn phân công từng đồng chí xuống các tiểu đoàn trực tiếp triển khai kế hoạch tác chiến và chỉ huy chiến đấu.
Do ta thay đổi kế hoạch tác chiến kịp thời, chính xác, đến 14 giờ 25 phút ngày 28-4-1975, địch mở đợt phản kích lần thứ ba, đúng như dự đoán của ta, chúng đã lọt vào "trận đồ bát quái" của Trung đoàn. Qua ba ngày chiến đấu liên tục, kiên cường, quyết liệt, Trung đoàn đã tiêu diệt và làm tiêu hao sinh lực cùng nhiều vũ khí, khí tài của địch, hoàn thành nhiệm vụ được giao, để Quân đoàn 2 bước vào chiến đấu thuận lợi.
Trong quá trình chiến đấu, Trung đoàn luôn chủ động sáng tạo nắm vững thời cơ, vượt mọi khó khăn, chấp hành nghiêm túc nhiệm vụ được giao, diệt và bắt sống hàng nghìn tên địch, gọi hàng hơn một trăm tên, kê khai đăng ký trình diện 8.989 tên, bắn cháy, gọi đầu hàng nhiều kíp xe tăng, tàu chiến, phá hủy nhiều trang thiết bị, phương tiện quân sự của địch. Với những chiến công trên, Trung đoàn đã được Quốc hội, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Ðơn vị Anh hùng LLVT nhân dân ngày 21-9-1975.
Là một trong những người lính đã vào sinh ra tử trong lửa đạn qua ba cuộc chiến tranh, tôi vẫn nhớ như in, không thể quên những năm tháng lịch sử vẻ vang này!