Tan trong sóng cảm nhận về những điều đã và đang làm nên cuộc sống êm lành, rộn ràng nơi đây là vị ngọt và mùi thơm của trái thanh long hồng rực, được gọi bằng cái tên trái chiến. Bắt đầu từ cảm xúc rất riêng của mình, Quân giúp tôi nhìn thấy một Bình Thuận âm vang, tràn trề, ấm áp với mùi biển mặn mòi phả vào cuộc sống thường nhật vốn quen phóng khoáng, với âm thanh của sóng biển bất tận, của những chiếc tàu đánh cá, của con thuyền độc mộc, buổi chợ đầy ắp tiếng người, tiếng của hàng dừa xanh và đồi cát vàng ươm thủ thỉ, tiếng chào nhau gần gũi thân tình... Nhịp mùa đi khoan nhặt trong nắng gió chan hòa, trong sương khói lãng đãng, trong ánh đèn chài mịt mùng lay động, trong vòng quay khô ấm của xe thổ mộ... Những vẻ đẹp ấy vẫn thường vang lên trong những khoảnh khắc của bình minh, ban trưa, hoàng hôn, và đêm tối, xui tôi muốn cất thành giọng hát, rằng, đã yêu dòng sông Dinh/ trong đêm bừng trống hội/ người theo những cánh chim/ hát xong về núi ngủ...
Trong mùi hương trốn tìm của hoa trái những vườn nhà chúng tôi vừa đi qua, Quân nói giọng bồi hồi, rằng có cuộc đổi thay lớn đã và đang diễn ra trên mảnh đất Nam Trung Bộ này. Và, thỉnh thoảng anh lại cảm thấy ngạc nhiên về chính cuộc sống thân thương chung quanh. Khung cảnh quanh đây, ngay trên nền xưa tháp cũ này, ung dung đặt vào tâm trí tôi cái hiện thực cuộc sống đã được xây đắp bằng những chất liệu mới. Lòng tôi rộn ràng khi nhìn vào sắc mầu trên những tường nhà thật sáng và những ngôi vườn đang khoe sắc của lá, của hoa, của trái và hiểu ra trong tâm thức của những người yêu quê như Quân. Chúng là hình ảnh chân thực về biết bao điều huyền nhiệm của cuộc sống. Vẻ tươi sáng của cuộc sống ấy trải theo những con đường tôi đang từng bước đi qua trong những ngày này, làm chan chứa trong tôi niềm xúc động lặng lẽ trước những con người và phong cảnh mình đang gặp.
Cảm xúc đó đã đến với tôi khi đến bên đá Bàn Hạ, Bàn Thượng khoáng đạt, có suối trong róc rách, hoa thơm cỏ nồng... Đứng trong sương núi trắng xóa ở cua Cùi Chỏ nhìn trời, đất, đá, cây, con người hòa nhập vào nhau, ta có được thoáng chốc không một chút nghĩ ngợi gì về không gian và thời gian. Giữa ban mai rụt rè, tôi chạm vào Phan Thiết đang chìm trong giấc ngủ thanh bình, yên ả. Dáng vẻ cũ càng và khỏe khoắn của tháp nước sừng sững giữa không gian ẩm ướt làm một người lạ như tôi nghe được tiếng của thời gian đã đi qua thành phố này, với những thăng trầm và khát vọng. Khi những ánh nắng tươi giòn, đậm đà chiếu tràn lên phố biển dịu dàng và mềm mại, tôi lắng hồn theo nhịp tim của thành phố trẻ bên bờ sóng mang hương vị nồng nàn của biển, nhịp gõ bình yên của vó ngựa, nét mặc trầm cổ kính của mái trường Dục Thanh, vẻ kiêu hãnh thâm nghiêm của tháp Poshanư, có thấp thoáng bóng dáng Hàn thi sĩ trên Lầu Ông Hoàng với giọng thơ tha thiết, có làn gió mang mùi thơm mộc mạc ngọt ngào của bánh căn cứ lan tỏa nhè nhẹ, có dòng Cà Ty hiền hòa,...
Nơi ấy là hồ sông Quao. Mặt hồ xanh, như viên ngọc khổng lồ, như mầu mắt của người bạn gái mến yêu trong mỗi lần gặp gỡ. Tôi bước đi trên những bờ kênh, mặt đập, trong dư vang của dòng nước từ thăm thẳm thác nguồn đổ về, dư vang của ngày sông được chặn dòng để hóa thân thành bầu sữa ngọt lành, mát rượi làm lớn nhanh từng gié lúa, thân cành nở rất nhiều hoa và kết rất nhiều trái quanh hạ lưu rộng lớn của nó. Nhìn làn nước bao đời soi bóng núi Bà hùng vĩ rồi đưa tầm mắt hướng tới Hàm Nhơn, Ma Lâm, Đông Giang, La Dạ,... lòng tôi thấm thía niềm cảm động, như một người được sinh thành ở đất này. Sông Quao đã hiến mình làm nên những chiến công ngân vang trong lịch sử đánh đuổi ngoại xâm, và trong công cuộc xây dựng quê hương trăm mến ngàn yêu. Giờ đây, chảy êm giữa mầu cỏ cây xanh biếc, niềm kiêu hãnh của con sông rừng ào ạt băng ngàn vượt thác lấp lánh trên mặt hồ. Chiếc hồ đẹp này là một thứ địa chấn, đã phá vỡ cái hiện thực khô nóng của mảnh đất mà nó mải miết trao tặng từng giọt tinh chất trong suốt được lọc ra từ những vực đá, những hang thẳm, những thác ghềnh bí ẩn và mãnh liệt, đủ sức xua đói nghèo ra khỏi những gia đình, những thôn, những xã…
Băng qua rất nhiều diện tích khai hoang trên đất thổ, đất động đỏ, đất nhĩ, tôi gặp hồ Cà Giây rực rỡ dưới nắng trời. Quanh dòng nước, những đồng lúa xuân thì, bãi mía, vườn đào, rẫy đậu phộng,... đang ra chồi lộc. Cái hồn nhiên trắng nõn của hoa thanh long, sắc màu huyền bí và gợi cảm của thổ cẩm, làn da nâu sậm và đôi mắt đen lấp lánh của cô gái Chăm bên những gốm gọ và khung dệt bóng nước thời gian ở Phan Hiệp, Phan Hòa khiến tôi nghĩ đến ngọn lửa của sự thăng hoa trong cảm xúc, mơ tưởng về những lễ hội Katê, Ramưwan, Sút Dâng, Prichàrông trong rộn ràng tiếng trống Baranưng, réo rắt tiếng kèn Saranai, Kanhi quyện dáng điệu mềm mại của những vũ nữ Apsara bên rêu phong tháp cổ. Và thật bất ngờ, điệu múa quạt nhịp nhàng, quấn quýt đã níu tôi ở lại Chợ Lầu đợi trăng lên bên các đình làng Xuân An, Xuân Quang, Hiệp Phước,...
Theo sức cuốn của những câu chuyện đang được vẽ ra trên đầu ngón tay của một cựu chiến binh rắn rỏi-những con đường, mái nhà, hồ nuôi tôm, việc học hành..., tôi về chiến khu Lê với ý thức tiếp nhận hào khí oanh liệt của đất đai, núi rừng trầm hùng và con người bất khuất nơi đây.
Những năm tháng ẩn mình trong cát hay dưới những tán rừng ô rô mà vẻ vang hoàn thành cuộc đấu tranh vì nền độc lập đã để lại trong lòng người dân ở Hồng Phong, Hòa Thắng niềm tự hào về tinh thần quyết chiến quyết thắng. Trên mênh mông lũng cát thanh bình hôm nay, vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt và nghèo khó, họ lại làm nương rẫy, đào hồ nuôi tôm, trồng thêm cây rừng, trồng người,... Đi trên con đường cát đỏ bazan, nhìn một dải tường thành bằng cát dài mấy chục ki-lô-mét ở hướng biển, ngắm làn nước thơm tho trong sạch của Bàu Sen, Bàu Trắng, Bàu Ông, Bàu Bà, Giếng Chanh, Giếng Triềng, tôi hiểu tại sao trong tâm tưởng của Quân từng có hình ảnh của hệ thống đường ống dẫn nước vĩnh viễn cho những cuộc đời quanh ngọn núi Hồng huyền thoại.
Tôi dành nhiều thời gian trò chuyện với cát. Cát bao giờ cũng kề với biển. Biển bao giờ cũng gần với khát vọng của đời người. Tôi đã gửi vào cát trên những bờ bãi xa gần của biển Bình Thuận những câu thơ xao xuyến, rằng em muốn về Bình Thuận quê anh/ nơi sóng, cát ươm nhiều hoa trái/ để em cùng bốn mùa ở lại/ với bến bờ sâu thẳm trong anh.
Ân tình này đưa tôi theo con đường rợp bóng dừa trăm năm tuổi của Hàm Tiến, để ôm được vào lòng hình ảnh kỳ vĩ và nên thơ của Mũi Né, Hòn Rơm. Cũng trong cái nắng giòn tan của đất trời Nam Trung Bộ, hiện thực của một ngư trường rộng lớn rất dồi dào thủy sản lại làm tôi mê mẩn. Với tôi, những mẻ lưới cất lên từ lòng biển khơi ở Phú Quý, Hàm Tân... là lời giải thích chân thực và quyến rũ nhất về mùi vị thơm ngon của nước mắm nhỉ Phan Thiết. Tôi mang điều thú vị ấy vào trong niềm vui cảm nhận nỗi đam mê cờ tướng, rồi đi theo trái tim cháy bỏng nhớ mong bạn đời của người xưa nơi quần thể Núi Ông-Biển Lạc, cung kính lắng nghe cơn mưa thiền rơi theo tiếng chuông chùa thánh thót quanh Cổ Thạch tự hay giữa rừng Tà Kóu xanh tươi, hít căng lồng ngực hương thơm dịu ngọt của những bông hoa sứ nở rộn rã trên ngọn hải đăng Kê Gà...
Cành mai chiếu thủy trước sân nhà Quân đang xòe cánh trắng trong. Giữa lặng im của tri kỷ, những cánh hoa ấy nhắc tôi về thời gian. Nghiêng mình trước cao quý và thanh khiết đó, bất giác tôi nhận ra Bình Thuận, như một niềm thương.