Xâm phạm quyền riêng tư về hình ảnh cá nhân: Ngăn chặn, phòng ngừa và tự bảo vệ

“Quay lén” - từ khóa được tìm kiếm, nhắc đến nhiều trên mọi diễn đàn, mạng xã hội trong suốt hai tuần nay, sau khi hàng loạt vụ việc được phanh phui. Dù các thủ phạm đều sẽ bị lên án và tẩy chay, xử phạt theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, những vụ việc ấy tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động về sự cần thiết các biện pháp hữu hiệu hơn để ngăn chặn.
0:00 / 0:00
0:00
Tại Hàn Quốc, các đội tình nguyện thường xuyên kiểm tra tại các địa điểm công cộng.
Tại Hàn Quốc, các đội tình nguyện thường xuyên kiểm tra tại các địa điểm công cộng.

Nạn nhân không chỉ là phái nữ

Trên mạng xã hội Threads gần đây xuất hiện hàng loạt bài đăng có gắn hashtag “quay lén”, là chia sẻ của các bạn trẻ từng là nạn nhân. K.L, một bạn nam với tổn thương khó quên, chia sẻ: “Cách đây 5 năm, mình bị quay lén khi đang tắm trong phòng gym (phòng tập thể hình). Sợ hơn cả là phản hồi từ phòng tập, họ cho rằng mình đang làm quá lên, chứ với con trai đó là chuyện bình thường”.

Sau trải nghiệm ấy L. luôn cảm thấy lo lắng và thậm chí bực bội với chính bản thân do không biết bảo vệ mình nơi công cộng.

Phía dưới bài đăng đó là nhiều bình luận phẫn nộ cùng đồng cảm, cho thấy trên thực tế nạn nhân của nạn quay lén không hề ít, chỉ là khi bắt đầu có người lên tiếng, họ mới dám chia sẻ.

Điều đáng nói, kẻ quay lén không chỉ thỏa mãn nhu cầu “biến thái” của chúng, mà mục đích sau cùng chính là thu lợi nhuận bất chính. Trên các nền tảng ít bị kiểm duyệt, và ít phải đăng ký thông tin cá nhân hơn, như Telegram hay X, những video quay lén được chào bán công khai và tinh vi. Các đoạn clip ngắn giới thiệu thường có thời lượng từ 15 giây tới một phút, chạy tiêu đề: Tên nạn nhân - nghề nghiệp hoặc quê quán của họ để người xem tiện lựa chọn. Muốn có bản đầy đủ, người xem phải đăng ký tham gia nhóm kín bằng các đường link do bên bán cung cấp. Sẽ có hai loại dịch vụ: Nhóm miễn phí và Nhóm VIP. Với Nhóm VIP, người xem phải trả phí để tham gia (mỗi clip có giá dao động từ 50.000-200.000 đồng). Với Nhóm miễn phí, người xem phải thực hiện các nhiệm vụ trao đổi.

Kẻ quay lén có thể kiếm được khoản lợi nhuận lớn thông qua hình thức này, nhưng lại khó bị lần ra, hơn nữa thông qua hình thức “trao đổi chiến lợi phẩm” chúng có thể mở rộng nguồn clip đăng bán. Trong khi đó, sự phát triển của công nghệ khiến cho các thiết bị camera quay lén có kích thước ngày càng nhỏ, với cách ngụy trang tinh vi, được bày bán tràn lan trên khắp các trang thương mại điện tử, hay chợ điện tử.

Các nạn nhân được khuyến cáo trình báo ngay lên cơ quan công an khi phát hiện vụ việc, nhưng điều nan giải hơn lại còn tiếp tục kéo dài sau đó. Ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc công nghệ Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia (NCS) cho biết: “Về mặt kỹ thuật, việc thu hồi hay xóa các dữ liệu bị rò rỉ trên không gian mạng là tương đối khó khăn. Bởi vì những hình ảnh này đã được lưu giữ ở nhiều máy tính, máy chủ khác nhau, rất khó xóa bỏ tất cả nguồn lưu trữ này. Một khi thông tin đã bị phát tán trên mạng xã hội, ngoài việc tìm được người đăng và yêu cầu gỡ, xóa các hình ảnh vi phạm, rất khó để có cách xử lý khác. Các đối tượng thường sử dụng tài khoản ảo để phát tán, báo cáo tài khoản này lại có tài khoản khác, việc chạy theo như vậy rất tốn công và hiệu quả không cao”.

Do đó, ngăn chặn và phòng ngừa từ ban đầu mới là cách tốt nhất.

Học hỏi kinh nghiệm

Nạn quay lén mới chỉ được chú ý tại nước ta trong thời gian gần đây, nhưng tác hại do hoạt động đó gây ra cho thấy rất cần được quan tâm đúng mức trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ tội phạm quay lén cao, với nhiều vụ việc sau khi bị đưa ra ánh sáng đã khiến cả thế giới xôn xao. Những chiếc camera quay lén được phát hiện ở bất cứ địa điểm công cộng nào tại Hàn Quốc đã trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dân.

Năm 2016, Đội kiểm tra Camera quay lén đầu tiên của Hàn Quốc được thành lập một cách tự phát, họ là đội nữ tình nguyện viên mong muốn có thể bảo vệ chính mình cũng như những người phụ nữ chung quanh bằng cách cùng nhau lập các nhóm tuần tra, kiểm tra, phát hiện máy quay lén tại các địa điểm như nhà vệ sinh công cộng, ga tàu điện ngầm, phòng thay đồ,… Đến nay, đội đã mở rộng mạng lưới thành viên gồm cả nam thanh niên. Ngoài ra, chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) còn yêu cầu 500 chủ doanh nghiệp và huy động thêm công dân thành phố trở thành thành viên của đội này.

Trên quy mô cả nước, Chính phủ Hàn Quốc đã phải ban hành hàng loạt biện pháp ngăn chặn “đại dịch” quay lén. Năm 2018, chính phủ thành lập đội đặc nhiệm tiến hành kiểm tra thường xuyên các nhà vệ sinh công cộng trong thành phố để truy quét camera quay lén. Bên cạnh đó, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cũng thành lập trung tâm hỗ trợ nạn nhân quay lén, từ các dịch vụ tư vấn tâm lý cho đến hỗ trợ khởi kiện, cung cấp thông tin điều tra. Sở Cảnh sát Quốc gia thì thiết lập một nền tảng cơ sở dữ liệu lớn nhằm cảnh báo “các địa điểm nguy hiểm có nguy cơ bị quay lén” trên trang web: www.safemap.go.kr. Công dân có thể tìm kiếm thông tin bằng cách nhập tên tuyến tàu và thời gian di chuyển mong muốn. Ứng dụng hiển thị kết quả bằng mầu sắc để chỉ ra mức độ an toàn, được chia thành năm cấp độ, mầu đỏ là nguy hiểm và mầu xanh lá cây là an toàn.

Tuy nhiều biện pháp đã được áp dụng, nhưng tệ nạn này vẫn nhức nhối và khó có thể giải quyết triệt để. Bởi vậy, cùng với sự vào cuộc của các lực lượng chức năng để ngăn chặn và xử lý các vụ việc, mỗi cá nhân cần tự trang bị những kỹ năng bảo vệ bản thân, và lên tiếng ngay khi bị gây hại hoặc chứng kiến vụ việc.