Điểm nóng dân sinh:

Đừng chủ quan với hoàn lưu bão

Cơn bão số 2 đi vào Vịnh Bắc Bộ nước ta mới đây, gây mưa lớn tại nhiều tỉnh, thành phố. Năm 2024 là năm La Nina hoạt động mạnh, cao điểm từ tháng 10 đến tháng 12. Vì vậy, việc chuẩn bị sẵn sàng cho mùa mưa bão là cần thiết, nhằm giảm thiệt hại tối đa nếu bão xảy ra.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La và các lực lượng cứu hộ cứu nạn huy động gần 400 cán bộ chiến sỹ hỗ trợ nhân dân di dời người, sơ tán tài sản, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại thành phố Sơn La chiều 24/7/2024. Nguồn ảnh: Báo TN&MT.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Sơn La và các lực lượng cứu hộ cứu nạn huy động gần 400 cán bộ chiến sỹ hỗ trợ nhân dân di dời người, sơ tán tài sản, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra tại thành phố Sơn La chiều 24/7/2024. Nguồn ảnh: Báo TN&MT.

Năm nay, dự báo sẽ có hơn 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ vào khu vực Biển Đông và đất liền của Việt Nam. Qua các kịch bản dự báo xu hướng, tôi thấy lượng mưa cao hơn so trung bình nhiều năm và không loại trừ khả năng sẽ có lũ lụt, mưa lớn sau hoàn lưu bão.

Mưa bão cùng những hình thái thiên tai cực đoan có thể lấy đi các thành quả về phát triển kinh tế ở cả quy mô hộ gia đình, địa phương và ảnh hưởng đến GDP quốc gia. Vì vậy, chúng ta cần đánh giá nghiêm túc về kịch bản biến đổi khí hậu, kịch bản thiên tai cực đoan và có lộ trình đầu tư đúng mức cả về hạ tầng kỹ thuật, kiến thức để ứng phó mưa bão, thiên tai trong hoàn cảnh mới.

Ở góc nhìn của tôi, điều cấp bách nhất là mỗi cá nhân, mỗi gia đình cần nâng cao năng lực chống chịu thiên tai và khí hậu cực đoan. Khi có cảnh báo bão, người dân lưu ý không ở lại trong các nhà cấp bốn, nhà có tường yếu; nên di chuyển sang nhà lân cận kiên cố hơn, hoặc tuân thủ lệnh sơ tán tránh bão của chính quyền địa phương. Sạc đầy điện cho các thiết bị có pin và pin dự phòng để giữ liên lạc trong trường hợp bị mất điện tạm thời do mưa bão.

Có một điều tôi luôn lưu ý là đừng chủ quan, đặc biệt với hoàn lưu bão. Thống kê thiệt hại về thiên tai ở Việt Nam cho thấy hoàn lưu bão gây mưa lớn, ngập lụt và lũ quét đã làm thiệt hại lớn hơn rất nhiều so với chính cơn bão trước đó. Người dân vẫn thường chủ quan khi nghe dự báo "bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới", tự coi như mình đã ở vùng an toàn. Thực tế, áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu sau bão trong đất liền rất nguy hiểm.

Hãy nâng cao cảnh giác với lũ quét, sạt lở và ngập lụt sau mưa bão!