Tăng lương và bài toán kiểm soát thị trường

Mức lương cơ sở đã chính thức tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, từ ngày 1/7/2024, theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Quốc hội. Tuy nhiên, để chính sách này thật sự mang lại tác động tích cực cho người lao động, rất cần các giải pháp kiểm soát tăng giá bất thường, chống lạm phát.
0:00 / 0:00
0:00
Giá cả các mặt hàng thực phẩm đều đã tăng từ trước thời điểm tăng lương cơ sở. Ảnh: DIÊN KHÁNH
Giá cả các mặt hàng thực phẩm đều đã tăng từ trước thời điểm tăng lương cơ sở. Ảnh: DIÊN KHÁNH

Vừa mừng, vừa lo

Ở nhiều khu chợ dân sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh, không ít mặt hàng đã rục rịch tăng giá từ trước khi Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương.

Chị Trần Thị Huế, công nhân Khu chế xuất Tân Thuận (Thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ: “Tăng lương tối thiểu vùng lần này, vợ chồng em cũng được thêm vài trăm nghìn đồng mỗi người. Nhưng chúng em cũng lo giá cả. Bây giờ đi chợ, nhiều chị em chia sẻ là cứ như bị mất trộm tiền. Cầm tờ 500 nghìn đồng mà vèo một cái đã hết”. Chung tâm trạng, chị Hoàng Thị Lan, công nhân may của một doanh nghiệp tại Thủ Đức, cho biết thêm: “Công ty em trả lương theo sản phẩm, nên lương tối thiểu vùng chỉ dùng làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm, để hưởng các chính sách bảo hiểm và tính tiền tăng ca. Khi lương tối thiểu vùng tăng, người lao động sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội mức cao hơn, lợi về lâu dài nhưng thu nhập thực tế tăng không đáng kể”.

Một vấn đề khác, như nhiều chuyên gia cảnh báo, hiện tượng “lạm phát tin đồn”, “té nước theo mưa”, đã diễn ra. Trong vòng một tháng qua, ở hầu hết các khu chợ, giá thực phẩm… đều đã sớm rục rịch tăng.

Tăng lương, bảo đảm cải thiện chất lượng sống

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, cần phải kiểm soát tốt giá cả thị trường, kiểm soát bằng được các mặt hàng như điện, nước, xăng dầu, lương thực thực phẩm, chống độc quyền, chống nâng giá không hợp lý thì mới cải thiện chất lượng sống cho mọi người dân, bởi nếu không làm được như vậy, những người làm tự do, người nghèo, thất nghiệp phải “chịu trận” vì giá tăng trước cả lương. Ngoài thị trường, các dịch vụ ăn uống, rửa xe, trông xe, cắt tóc…đều đã tăng giá vô tội vạ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ: Trong 20 năm qua chúng ta đã có 14 lần điều chỉnh mức lương cơ sở. Năm 2008, khi tăng lương cơ sở 20%, lạm phát tăng từ 6,3 lên 23%; và năm 2011, khi tăng lương cơ sở lên 13,7%, lạm phát tăng từ 9,2 lên 18,6%. Từ thực tế này, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cơ quan chức năng cần quan tâm chính sách tiền tệ, cũng như giãn khoảng cách tăng giá các dịch vụ khác. Nếu tiền lương tăng theo cách để chống lạm phát hoặc chỉ đặt mục tiêu để bảo đảm đời sống thì không khuyến khích được cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 tăng 0,17% so tháng trước. So tháng 12/2023, CPI tháng 6 tăng 1,40% và so cùng kỳ năm trước tăng 4,34%. CPI bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Tổng cục Thống kê cho biết, có nhiều yếu tố làm tăng CPI sáu tháng đầu năm 2024. Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống bình quân sáu tháng đầu năm 2024 tăng 4% so cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51% so cùng kỳ năm trước; chỉ số giá điện sinh hoạt tăng 9,45% do nhu cầu sử dụng điện tăng cùng với việc điều chỉnh mức bán lẻ giá điện; chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do trong năm học 2023-2024 một số địa phương đã tăng mức học phí; chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7,07%...

Trên góc độ sản xuất, Tổng cục Thống kê nêu giải pháp: Các ngành, lĩnh vực cần bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh để chủ động ứng phó với rủi ro phát sinh, tập trung vào các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực cho khu vực doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Nhiều chuyên gia kiến nghị thêm, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; đặc biệt sát sao kiểm tra, giám sát việc thực hiện hiệu quả các công trình sử dụng vốn đầu tư công để bảo đảm hoàn thành mục tiêu và lan tỏa tới các ngành kinh tế khác. “Ngoài ra, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, mau chóng đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng, góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có thương hiệu uy tín, quy mô lớn, chiếm thị phần cao”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.