Công nghệ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Giải pháp tối ưu?

Tiếp cận internet và các thiết bị công nghệ từ rất sớm đang là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh bởi các tác hại có thể ảnh hưởng đến trẻ em, đặc biệt vào dịp nghỉ hè. Nhiều giải pháp về công nghệ đã được đặt ra, song bên cạnh đó, thực tế này lại đặt ra những vấn đề mới…
0:00 / 0:00
0:00
Các giải pháp bảo vệ trẻ trên không gian mạng đều cần tính đến yếu tố tôn trọng quyền riêng tư của trẻ. Nguồn: UNICEF
Các giải pháp bảo vệ trẻ trên không gian mạng đều cần tính đến yếu tố tôn trọng quyền riêng tư của trẻ. Nguồn: UNICEF

Đa dạng lựa chọn

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số, gần 36,5% số trẻ em đã trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên internet. Hơn 13% số trẻ em bị tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm trên mạng. Các thông tin độc hại, lừa đảo trở thành nguy cơ tiềm ẩn, cạm bẫy khó nhận biết luôn rình rập các em trong khi phần lớn trẻ chưa có đủ kỹ năng để tự bảo vệ mình khi tham gia hoạt động trên không gian mạng. Điều này đặt ra nhiều thách thức cho các gia đình, nhà trường và cơ quan quản lý nhà nước trong phòng chống thông tin độc hại, lừa đảo và bảo vệ an toàn trên môi trường mạng.

Theo bà Đinh Thị Như Hoa, Trưởng phòng Kiểm định, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, các rủi ro mà trẻ em thường gặp nhiều nhất trên không gian mạng, gồm có: tiếp cận thông tin không phù hợp; bị tiết lộ thông tin cá nhân; bị lừa đảo; nghiện internet, game, mạng xã hội; bị dụ dỗ tham gia các hoạt động phi pháp.

Nắm bắt được tâm lý đó, thị trường Việt Nam đã và đang xuất hiện nhiều giải pháp công nghệ đến từ các doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế, cung cấp cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ bộ công cụ bảo vệ trẻ trên không gian ảo.

Ngay khi nhập từ khóa “phần mềm quản lý trẻ trên không gian mạng” trang tìm kiếm Google quen thuộc, hàng triệu kết quả nhanh chóng hiện ra. Tuy có nhiều giao diện hay nền tảng công nghệ kỹ thuật khác nhau, nhìn chung các sản phẩm, giải pháp này thường tập trung phát triển công cụ chặn, lọc nội dung độc hại, giới hạn truy cập các trang web không phù hợp với lứa tuổi của trẻ.

Hay trên chính các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, X cũng tự cập nhật các hàng rào bảo vệ người dùng, hoặc cách thức liên kết tài khoản cha mẹ và con cái để phụ huynh có thể nắm bắt trẻ đang kết nối với những ai.

Giữa “ma trận” các sản phẩm, bộ công cụ được đưa ra, nhiều người dùng trở nên bối rối, gặp khó trong việc lựa chọn giải pháp phù hợp.

Căn cứ tham chiếu để đánh giá chất lượng

Trong bối cảnh đó, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) đã công bố bộ tiêu chuẩn cơ sở TCCS: 03/2024-VNISA về Yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm, dịch vụ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Được biết, sau khi nhận được nhiều phản hồi cũng như băn khoăn đến từ người dùng, VNISA đã giao nhiệm vụ cho tổ chức thuộc hiệp hội - Câu lạc bộ Bảo vệ trẻ em Việt Nam trên không gian mạng (VCSC) chủ trì và biên soạn bộ tiêu chuẩn. Cụ thể, TCCS 03 bao gồm năm nhóm nội dung chính: yêu cầu về tài liệu; yêu cầu về tính năng; yêu cầu về tính tuân thủ và đặc thù Việt Nam; yêu cầu về yếu tố an toàn thông tin của sản phẩm và yêu cầu về hiệu năng xử lý. Đối tượng sử dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, đánh giá lựa chọn sản phẩm bảo vệ trẻ em khi đưa vào sử dụng.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch VNISA, Chủ nhiệm Câu lạc bộ VCSC chủ trì biên soạn khẳng định: “Đây là bộ Tiêu chuẩn chất lượng đầu tiên áp dụng cho các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. TCCS 03 không chỉ là căn cứ đánh giá chất lượng sản phẩm, mà còn là thang chỉ số để các tổ chức, doanh nghiệp bổ sung các yêu cầu ở mức độ cao hơn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình!”.

Bên cạnh việc ủng hộ các công cụ hỗ trợ phụ huynh bảo vệ trẻ trên không gian mạng, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) cũng bày tỏ quan ngại: “Người lớn cũng cần tuân thủ một số nguyên tắc để có thể vừa bảo vệ trẻ trên không gian mạng nhưng cũng không gây ra những tác động ngược đến thái độ, cách ứng xử và sự phát triển của trẻ. Theo đó, dù nắm quyền giám hộ nhưng cha mẹ cũng cần tìm hiểu và tôn trọng Quyền Trẻ em, đặc biệt là quyền riêng tư!”.

Với tốc độ phát triển của công nghệ và các mạng xã hội hiện nay, cùng với các giải pháp kỹ thuật, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ cũng cần phải được thường xuyên cập nhật, trang bị thêm các kỹ năng để có thể đồng hành, bảo vệ con của mình khỏi các mối nguy trong thời đại số