Bảo vệ tính chân thực của từng khoảnh khắc

Những bức ảnh đoạt giải Pulitzer như “Em bé Napalm” của Nick Út, hay “Kền kền chờ đợi” của Kevin Carter, rồi gần đây là các khuôn hình khắc họa rõ nét mất mát, đau thương do dịch bệnh và xung đột, hẳn sẽ còn hằn sâu trong tâm trí hàng triệu người. Chính sự chân thực của khoảnh khắc đã tạo nên giá trị đặc biệt vượt thời gian của mỗi bức ảnh đó.
0:00 / 0:00
0:00
Bức ảnh đoạt giải Pulitzer năm 2022 của Reuters. Ảnh: Pulitzer.org
Bức ảnh đoạt giải Pulitzer năm 2022 của Reuters. Ảnh: Pulitzer.org

Được tổ chức từ năm 1917, song phải đến năm 1942, Pulitzer mới có hạng mục cho những bức ảnh báo chí xuất sắc. Năm 1968, giải ảnh chuyên đề lần đầu được trao, và năm 1975 mới có bức ảnh mầu đầu tiên nhận Pulitzer. Xuyên suốt lịch sử lâu đời của Pulitzer, những bức ảnh đoạt giải đem lại cái nhìn về những nhân vật, sự kiện thu hút được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Dù đem lại niềm vui, hy vọng hay phơi bày những sự thật nghiệt ngã, những bức ảnh đó luôn mau chóng chạm đến trái tim độc giả, truyền tải nội dung và thông điệp một cách trực quan, sinh động.

Cuộc sống đã trở lại bình thường như trước khi Covid-19 bùng phát, song không ai quên sinh mạng của hàng triệu người trên khắp thế giới đã bị đại dịch cướp đi. Bất chấp hiểm nguy, các phóng viên sẵn sàng xuất hiện giữa tâm dịch, tay nắm chắc ống kính. Trong hai năm 2021 và 2022, các tác phẩm đoạt giải ảnh chuyên đề của Pulitzer đều khắc họa hình ảnh người dân vật lộn với đại dịch. Dù những bức ảnh này được chụp ở Tây Ban Nha và Ấn Độ, song có lẽ bất cứ ai từng trải qua giai đoạn khủng hoảng này từ mọi nơi đều thấy mình trong đó.

Đại dịch tạm lắng, thì xung đột lại liên tục tiếp diễn, với nhiều điểm nóng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Như thường lệ, những phóng viên chiến trường mau chóng có mặt tại nơi cần đến. Những tấm hình chụp dưới mưa bom, bão đạn là một trong những điểm nhấn của hạng mục ảnh Pulitzer năm 2024.

Là một bức trong loạt ảnh của Reuters giành giải Pulitzer năm 2024, hình ảnh người đàn ông Palestine bế thi thể một người phụ nữ ra khỏi căn nhà đổ nát ngay sau cuộc tấn công vào thành phố Khan Younis, miền nam Dải Gaza, khắc họa đậm nét hậu quả nặng nề mà xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas gây ra với dân thường. Bức ảnh càng trở nên vô giá, khi thống kê của Liên đoàn Báo chí quốc tế (IFJ) cho biết: Hơn 100 nhà báo và người làm việc trong các cơ quan truyền thông đã thiệt mạng khi tác nghiệp ở Dải Gaza, kể từ khi xung đột bùng phát vào tháng 10/2023. Rõ ràng, để “bắt” được những khoảnh khắc chân thật nhất, nhiều phóng viên ảnh đã phải đặt cược mạng sống của chính mình. Ngoài những tác phẩm “sinh ra trong bom đạn”, hạng mục ảnh giải năm nay còn tôn vinh những tay máy theo sát chặng đường đầy gian khổ của dòng người di cư.

Sự phát triển như vũ bão của truyền thông đa phương tiện, mạng xã hội và những công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI), cùng những khó khăn về kinh tế của các tòa soạn tạo ra thách thức không hề nhỏ đối với phóng viên ảnh.

Nhiều tòa soạn phải tinh giản đội ngũ để tồn tại. Một số cơ quan báo chí, truyền thông sẵn sàng hạ thấp tiêu chuẩn ảnh, hoặc sử dụng những sản phẩm kỹ xảo. Ngày càng nhiều công cụ AI cho phép người dùng chỉ cần nhập ý tưởng vào máy tính là có thể tạo ra những nội dung, bức ảnh mong muốn. Ở một khía cạnh nào đó, việc sử dụng hình ảnh sinh ra từ AI có thể tạo ra sự phong phú về nội dung và hình thức, song đặt ra không ít lo ngại về tính chân thực của các sản phẩm báo chí, cũng như đạo đức của người làm báo.

Với những người chọn dấn thân thực hiện sứ mệnh thông tin với chiếc máy ảnh, thật khó để chấp nhận những bức ảnh bị chỉnh sửa, hoặc dàn dựng ở mức độ trở nên giả dối như vậy. Mong muốn tôn vinh những tác phẩm “gốc”, nguyên bản, được tạo nên bởi chính cảm xúc và sự dụng công theo đuổi từng khoảnh khắc của các nhà báo-con người, Giải thưởng Pulitzer nhấn mạnh: “Hãy bảo vệ tính chân thực của từng khoảnh khắc!”. Chừng nào sự thật còn được tôn trọng, thì những phóng viên ảnh xuất sắc vẫn sẽ còn được tôn vinh.