Bước chuyển quan trọng cho tuyển sinh đại học

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 vừa kết thúc ngày càng thể hiện rõ vai trò của một kỳ thi đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông đồng thời giảm gánh nặng tuyển sinh đại học. Khi giá trị thật của kỳ thi là đánh giá năng lực của học sinh phổ thông được đề cao thì các cơ sở giáo dục đại học phải tăng cường tự chủ trong công tác tuyển sinh, áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh riêng nhằm bảo đảm tiêu chí đầu vào.
0:00 / 0:00
0:00
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo thông tin nhanh về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Nguồn: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức họp báo thông tin nhanh về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Nguồn: BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Giảm áp lực

Theo báo cáo đánh giá về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi được tổ chức thành công, từ công tác chuẩn bị đến việc bảo đảm an toàn và nghiêm túc trong suốt quá trình thi. Đề thi được đánh giá cao về sự phân hóa, phù hợp với mục tiêu đánh giá năng lực học sinh và cung cấp dữ liệu tuyển sinh đáng tin cậy cho các trường đại học. Công tác hỗ trợ thí sinh, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn, cũng được triển khai tốt, bảo đảm mọi thí sinh đều có cơ hội tham gia kỳ thi một cách thuận lợi. Các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ như chương trình “Tiếp sức mùa thi”, huy động lực lượng công an, thanh niên tình nguyện hỗ trợ thí sinh, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn.

Nhà giáo Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: Với số lượng thí sinh đăng ký dự thi là hơn 1 triệu, tổ chức tại 2.300 điểm thi trên cả nước, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay không chỉ hoàn thành tốt vai trò đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông mà còn giúp các trường đại học tự chủ hơn trong tuyển sinh, giúp giảm áp lực cho học sinh, tạo điều kiện để các em học tập và chuẩn bị cho tương lai một cách tốt nhất. Đồng thời, cũng giúp hệ thống giáo dục phổ thông vận hành một cách hiệu quả, bảo đảm rằng mọi học sinh đều có cơ hội hoàn thành chương trình học tập và đạt được những kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Đặc biệt, kỳ thi năm nay cho thấy sự chuyển đổi, tập trung vào mục đích chính là đánh giá năng lực học tập của học sinh phổ thông. Đây là thay đổi lớn đối với công tác tuyển sinh đại học, không chỉ giúp nâng cao chất lượng tuyển sinh mà còn giúp giảm áp lực thi cử cho học sinh. Sự tự chủ tuyển sinh cũng giúp các trường đại học linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường lao động, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo và vị thế của mình trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Xu hướng tất yếu và yêu cầu mới từ thực tế

Trở lại mốc năm 2020, việc đổi tên từ kỳ thi quốc gia THPT sang kỳ thi tốt nghiệp THPT được thực hiện do yêu cầu từ xã hội và thực tế giáo dục. Mục đích nhằm giảm gánh nặng vai trò “2 trong 1” - vừa xét tốt nghiệp cho học sinh phổ thông vừa tuyển sinh cho các trường đại học. Tuy nhiên, tính 2 trong 1 không phải là đã kết thúc ngay được mà vai trò kép - xét tốt nghiệp và làm cơ sở tuyển sinh đại học - vẫn còn đó. Chỉ đến năm 2024 này, kỳ thi mới thật sự cho thấy ý nghĩa “2 trong 1” đã được tiết giảm đáng kể, khi các trường đại học tăng cường tự chủ tuyển sinh bằng nhiều phương thức riêng.

Mùa tuyển sinh đại học năm 2024 ghi nhận sự gia tăng cao số lượng các trường áp dụng phương thức tuyển sinh riêng. Trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra, theo thống kê sơ bộ đã có hơn 180 trường đại học công bố xét tuyển học bạ, gần 30 trường đã công bố kết quả xét tuyển sớm. Việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực đã giúp các trường đại học có thể đánh giá chính xác hơn năng lực của thí sinh, từ đó tuyển chọn được những học sinh có khả năng và phù hợp với chương trình đào tạo.

Là trường đầu tiên triển khai Bài thi đánh giá năng lực phục vụ tuyển sinh, GS, TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Sự phân định rõ ràng giữa kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học đã hình thành rõ hơn và sẽ tiếp tục được củng cố trong những năm sau cũng là điểm nhấn thành công của kỳ thi năm 2024 này. Đại học Quốc gia Hà Nội đã sớm ý thức điều đó nên chúng tôi đã tổ chức thi đánh giá năng lực để các đơn vị thành viên lấy kết quả thi tuyển sinh rất hiệu quả. Đến nay, kỳ thi đánh giá năng lực đã được nhiều trường đại học lấy kết quả thi để tuyển sinh sớm.

Trong bối cảnh hiện tại, việc sử dụng kỳ thi tốt nghiệp THPT trong công tác tuyển sinh đại học đã không còn phù hợp, nhiều trường đã bổ sung phương thức tuyển sinh mới. Tự chủ tuyển sinh, giúp các trường đại học chủ động hơn trong công tác tuyển sinh sẽ là xu hướng tất yếu năm nay và cả trong những năm tiếp theo.

Sự thay đổi tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý ngành - Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước trong việc giám sát các cơ sở giáo dục đại học triển khai các phương thức tuyển sinh mới, bảo đảm tính công bằng và khách quan trong giáo dục.