Khi nhà báo trở thành chuyên gia tội phạm học

Nhà báo, Thượng tá Ðào Trung Hiếu- công tác ở báo Công an nhân dân, được biết đến với nhiều "vai": từ trinh sát, điều tra viên trọng án, nhà biên kịch, nhà văn, luật gia, võ sư và thường xuyên xuất hiện trên truyền thông với tư cách chuyên gia, tiến sĩ về tội phạm học. Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, Thượng tá Ðào Trung Hiếu chia sẻ về câu chuyện dấn thân vào con đường nghiên cứu và trở thành chuyên gia tội phạm học nhưng vẫn luôn gắn với tư cách nhà báo.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà báo Đào Trung Hiếu trong một chuyến tác nghiệp ở Thái Bình.
Nhà báo Đào Trung Hiếu trong một chuyến tác nghiệp ở Thái Bình.

Phóng viên: Xin ông chia sẻ về hành trình từ một chiến sĩ cảnh sát hình sự, trở thành một nhà báo và chuyên gia tội phạm học?

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Từ nhiều năm nay, báo giới thường "phong" cho tôi là: "Chuyên gia tội phạm học" trong các bài phỏng vấn tôi về chủ đề tội phạm. Thành tích khoa học của tôi còn khá khiêm tốn, chỉ có học vị tiến sĩ tội phạm học và viết được một số đầu sách chuyên khảo, tham gia giảng dạy bộ môn này ở một số trường đại học. Ngoài ra thường chia sẻ với cộng đồng các quan điểm phân tích tội phạm và tư vấn phòng ngừa. Như vậy còn là quá nhỏ bé so với các bậc thầy của tôi, những "cụ tiên chỉ" trong khoa học tội phạm học. Nên, tôi thấy mình chỉ là người nghiên cứu tội phạm học.

Việc tôi bước vào lĩnh vực nghiên cứu tội phạm học xuất phát từ yêu cầu công tác. Tôi nguyên là một sĩ quan cảnh sát hình sự, trực tiếp chiến đấu phòng chống tội phạm. Quá trình điều tra các vụ trọng án, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao, hiểu khá tường tận về phương thức thủ đoạn hoạt động của nhiều loại tội phạm khác nhau, chứng kiến nỗi đau của các nạn nhân, tôi đã nung nấu từ rất sớm một suy nghĩ: phải làm gì để ngăn chặn không để tội phạm xảy ra, để không người dân nào bị sập bẫy trở thành nạn nhân của tội phạm… Ngay từ khi còn đang công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự - Công an thành phố Hà Nội, tôi đã được giao chấp bút xây dựng các Thông báo phòng ngừa tội phạm từ kết quả điều tra các vụ án vừa được khám phá.

Chuyển sang nghề báo, nghề văn một cách khá đột ngột, tôi càng có cơ hội để đi, để gặp gỡ lực lượng làm án khắp cả nước, được nghe nhiều chuyện phá án, trong đó có nhiều thủ đoạn phạm tội mới được khám phá bởi mưu lược của công an các đơn vị, địa phương… Nhờ vậy, vốn sống, tri thức, sự hiểu biết của tôi về tội phạm thêm phong phú, đa chiều. Thời gian này, tôi cũng tham gia giảng dạy cho ba trường đại học ngành luật, nhu cầu hoàn thiện về kiến thức lý luận đã thúc đẩy tôi hoàn thành chương trình đào tạo tiến sĩ luật học, chuyên ngành tội phạm học. Nhờ vốn sống, trải nghiệm thực tiễn trong gần 20 năm điều tra tội phạm, kết hợp với tri thức khoa học ở bậc tiến sĩ, nên tôi thường "bị" báo chí "săn" khi cần xin ý kiến phân tích các vụ án đã xảy ra ở Việt Nam và cách phòng ngừa, ứng phó khi đối diện với tội phạm. Đồng cảm với anh chị em phóng viên vì cùng nghề nghiệp, tôi sẵn lòng hỗ trợ họ, bởi cũng biết thông qua các tác phẩm báo chí, những kiến thức cần thiết sẽ đến được với cộng đồng, giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác để không trở thành nạn nhân của tội phạm, đồng thời biết cách xử lý tình huống khôn ngoan khi đối diện với hiểm nguy. Trên tờ Lao Động có chuyên mục "Mẹo thoát hiểm" của tôi với nhiều kỹ năng từ phòng chống hiếp dâm, chống trộm đột nhập, chống cướp giật, lừa đảo…

Phóng viên: Theo ông, cần những yếu tố gì để nhà báo trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực tội phạm học và nghề báo giúp gì cho tư cách chuyên gia tội phạm học?

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Những gì tôi đã làm, chỉ với một cái tâm trong sáng là cống hiến những hiểu biết dù còn hạn hẹp cho người dân, với mong muốn góp sức xây dựng một xã hội an ninh, an toàn, chứ tuyệt nhiên không tìm kiếm một cái danh xưng thật "kêu".

Theo tôi nghĩ, nhà báo là người được đào tạo sâu về nghiệp vụ báo chí, họ có thể rất giỏi về các thể tài, cách dụng ngôn, ý tưởng triển khai tác phẩm rất phong phú. Nhưng lĩnh vực tội phạm học khá khu biệt, nếu không được đào tạo bài bản, có lý luận và có vốn trải nghiệm thực tiễn, thì một người làm báo bình thường rất khó trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này. Bởi lĩnh vực tội phạm học nghiên cứu tội phạm trong trạng thái "động", phân tích tìm ra nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tội phạm, đề xuất các giải pháp phòng ngừa xã hội và phòng ngừa nghiệp vụ… đòi hỏi người nghiên cứu phải có phông kiến thức pháp luật,… đủ sâu, rộng. Mặt khác, Tội phạm học nghiên cứu hiện tượng tội phạm theo phương pháp đa ngành, liên ngành, xuyên ngành, nên các kiến thức khoa học khác như xã hội học, tâm lý học, dân tộc học, giáo dục học, khoa học thống kê là rất cần thiết để nghiên cứu. Nếu không "lao tâm khổ tứ" học hỏi sẽ rất khó "lội" vào lĩnh vực này.

Tôi thấy khi một nhà báo đồng thời là người nghiên cứu sâu lĩnh vực nào đó, anh ta có lợi thế trong việc truyền tải ra xã hội các kết quả nghiên cứu của mình, vì lợi thế của nhà báo là năng lực dụng ngôn, cùng vốn từ, ý tưởng xây dựng đề tài rất phong phú. Điều này có thể là sự khác biệt so với người làm khoa học thông thường.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ một số kỷ niệm khi tác nghiệp với tư cách nhà báo – chuyên gia tội phạm học?

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Tôi là một nhà báo nhưng có quá khứ gần 20 năm cầm súng chiến đấu với tội phạm, đang giảng dạy về khoa học điều tra tội phạm, luật hình sự, nên trước các đề tài báo chí, tôi luôn nhìn với lăng kính tìm sự thật và đánh giá ý nghĩa xã hội của đề tài này nếu được phản ảnh trên báo chí. Do đó, tôi thường chọn đề tài điều tra, hoặc phân tích về các thủ đoạn phạm tội mới xuất hiện để khuyến cáo, tư vấn biện pháp phòng ngừa. Khi viết về lực lượng Công an nhân dân, tôi thường chọn viết về hành trình giải mã tội ác, phản ánh mưu lược của Công an thông qua các trận đánh. Hiện tôi giữ chuyên mục "Hành trình phá án" trên ấn phẩm An ninh thế giới tuần của báo Công an nhân dân.

Kỷ niệm làm báo chí điều tra với tôi khá nhiều, trong đó đáng nhớ nhất là khi tôi làm tuyến bài điều tra tội phạm buôn lậu ở đường biên giới và trên biển, hay lần phản ánh về băng nhóm xã hội đen, cho vay lãi nặng… Tôi từng đối diện với mũi tên, hòn đạn khi còn làm cảnh sát hình sự nên cũng "ít sợ". Khi bước sang làm báo chí điều tra, tôi cũng đã vài lần bị uy hiếp, đe dọa bởi đối tượng phản ánh, nhưng sau khi biết đã "dọa nhầm người" nên họ thôi. Bài vẫn được in báo mà tôi bình yên vô sự.

Khi đi giảng bài hay chia sẻ kiến thức phòng ngừa tội phạm cho cộng đồng, tôi thấy mình được giải phóng năng lượng nên "cháy" hết mình. Có thể đứng nói từ sáng đến chiều. Tôi yêu thích nhất là nghề truyền thụ, vì đó là "bố thí Pháp", gieo nhân "phúc đức".

Phóng viên: Tiểu thuyết "Bão ngầm" của nhà báo Đào Trung Hiếu đã đoạt giải A tại cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện ký về đề tài "Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống" do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức năm 2015. Sau đó chính anh đã chuyển thể tác phẩm thành kịch bản phim cùng tên, phim được chiếu năm 2022 trên VTV, thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo khán giả. Nghề báo và lĩnh vực nghiên cứu tội phạm học có giúp ông điều gì trong quá trình sáng tạo các tác phẩm nói trên?

Nhà báo Đào Trung Hiếu: Nghề báo cho tôi góc nhìn thực tiễn về các góc khuất trong đời sống xã hội. Trong phim, tôi đã cố gắng lý giải nguồn cơn tội ác, phản ánh quá trình suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong một bộ phận cán bộ, công chức hiện nay. Thông điệp của phim là sự cấp thiết phải đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh bài trừ tiêu cực, tham nhũng để làm trong sạch bộ máy nhà nước, giữ vững niềm tin nơi dân. Và đó là góc nhìn tội phạm học.

Câu chuyện trong "Bão ngầm" cũng là câu chuyện của chính tôi, khi tôi phải thuê nhà 20m2, con cái nheo nhóc, đêm ngủ phải lấy ghế kê làm giường, nửa đêm ghế gãy chân bị sập. Nhiều đêm tôi thức trắng để viết báo để có thêm thu nhập trả tiền nhà. Đúng lúc đó, tôi đang điều tra một vụ giết người, đối tượng nói nếu con họ thoát tử hình sẽ mua tặng tôi một cái nhà lớn ở phố Bạch Mai.

Tôi đứng trước sự lựa chọn, cám dỗ đấy. Họ nhờ người ở trên tôi, có địa vị hơn tôi ra nói chuyện. Tôi nói luôn, nhà thì em rất cần nhưng ai sẽ trả lời cho ba vong hồn này? Tôi từ chối luôn.

Phóng viên: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!