Bệnh bạch hầu, làm sao phòng tránh?

Những ngày qua, thông tin về nhiều người nhiễm bệnh bạch hầu tại Bắc Giang và Nghệ An, khiến không ít người hoang mang. Bệnh bạch hầu được đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tuy nhiên nếu nhận thức đúng về mức độ nguy hại, tiêm vaccine đầy đủ từ nhỏ, hoàn toàn có thể khống chế được căn bệnh này.
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ An triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu sau khi phát hiện ca bệnh. Ảnh: BÁO NGHỆ AN.
Nghệ An triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu sau khi phát hiện ca bệnh. Ảnh: BÁO NGHỆ AN.

Theo các chuyên gia, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh thuộc danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm B theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây truyền nhanh, gây tử vong cao, buộc phải cách ly, nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo.

Bệnh bạch hầu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi họng của người bệnh, hoặc người mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện triệu chứng. Bệnh cũng lây gián tiếp khi tiếp xúc với vật dụng, đồ chơi dính dịch tiết chứa vi khuẩn sau đó đưa tay lên mũi, miệng. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.

Bệnh gây ra các biểu hiện chủ yếu ở đường hô hấp, như bạch hầu mũi, họng, thanh quản, khí phế quản… Trong đó, có khoảng 70% người mắc bạch hầu họng. Các thể ít gặp hơn là bạch hầu da, bạch hầu mắt. Với thể bạch hầu họng, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, mệt, chán ăn. Vi khuẩn bạch hầu cũng có thể xâm nhập vào máu gây ra các biến chứng nghiêm trọng khác, như viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh, đột ngột trụy tim mạch dẫn đến tử vong... Vì vậy, nhóm người có biến chứng thận và tim mạch, người có sức khỏe yếu, bị suy giảm miễn dịch… khi bị bệnh bạch hầu có nguy cơ tử vong cao hơn.

Để phòng bệnh bạch hầu lây lan trong cộng đồng, cần tiêm chủng đầy đủ vaccine và tiêm nhắc lại theo thời gian khuyến cáo là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, tỷ lệ bảo vệ đến 97%. Cơ thể chỉ cần hai đến ba tuần sau khi tiêm đủ liều để sản sinh miễn dịch với bệnh. Cụ thể, sau khi hoàn tất lịch tiêm chủng vaccine 5 trong 1, hoặc 6 trong 1 trong hai năm đầu đời (vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng), trẻ cần tiêm nhắc một mũi vaccine có thành phần bạch hầu vào lúc 4-6 tuổi và 9-15 tuổi. Người lớn cần tiêm nhắc vaccine có thành phần bạch hầu 10 năm/lần.

Đặc biệt, người từ 50 tuổi trở lên, người lớn có bệnh mạn tính ở phổi, tim mạch, thận… là các đối tượng có nguy cơ tử vong cao hơn khi mắc bạch hầu, cần tiêm để bổ sung kịp thời. Việc suy nghĩ chỉ tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em thôi là không đúng. Người lớn nếu không tiêm nhắc vaccine 10 năm/lần sẽ dễ mắc bệnh hơn vì lượng kháng thể trong người giảm dần đến ngưỡng không đủ để bảo vệ.