Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024)

Những mái ấm tri ân

Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội của nước ta. Trong đó, công tác huy động nguồn lực để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa đã và đang được triển khai hiệu quả, với sự hưởng ứng nhiệt tình của các cấp chính quyền, tổ chức, nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
0:00 / 0:00
0:00
Chính quyền xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) khởi công xây dựng nhà ở cho thương binh Trần Xuân Chung. Ảnh: Tuấn Ngô
Chính quyền xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh) khởi công xây dựng nhà ở cho thương binh Trần Xuân Chung. Ảnh: Tuấn Ngô

Niềm vui trong nhiều ngôi nhà mới

Từng vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường, ông Dương Công Lung, trú tại thôn Đồng Sơn, xã Thạch Xuân, Thạch Hà (tỉnh Hà Tĩnh) may mắn còn sống, trở về quê hương. Nhưng ông mang trong mình nhiều thương tật và di chứng chất độc da cam. Vợ ông lại thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Do vậy, cuộc sống của hai vợ chồng và ba đứa con vô cùng thiếu thốn. Ngay cả khi các con trưởng thành, có gia đình riêng, hai ông bà vẫn sống chật vật trong căn nhà cấp bốn xập xệ.

Chia sẻ khó khăn và tri ân những đóng góp của ông cho đất nước, chính quyền, ngành chức năng của tỉnh đã xét duyệt để gia đình ông hưởng 70 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công. Cùng với đó, là những sự giúp đỡ về ngày công, vật chất của bà con lối xóm. Thấm thoắt, chẳng mấy thời gian nữa là gia đình có thể nhập trạch được. Ngắm nhìn công trình đang trong giai đoạn hoàn thiện, ông Lung rưng rưng: "Tôi thật sự không ngờ được ở tuổi này, vợ chồng tôi còn có thể được sống trong căn nhà mới khang trang, đẹp đẽ như vậy!".

Chung niềm vui ấy, gia đình thương binh bậc ¾ Trần Xuân Chung ở thôn Ninh Hòa, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cũng vừa được hỗ trợ khởi công xây dựng "ngôi nhà mơ ước" ngay trên chính mảnh đất của tổ tiên. "Thế hệ chúng tôi đã chiến đấu bảo vệ quê hương. Đã may mắn được trở về. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, bây giờ nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các ngành, các cấp và bà con lối xóm, tôi và gia đình tôi cảm thấy được động viên rất nhiều", thương binh Trần Xuân Chung bày tỏ.

Theo ông Trần Xuân Trực, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Xuân Phổ, trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình ông Trần Xuân Chung, xã Xuân Phổ đã kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ gia đình ông số tiền gần 200 triệu đồng để xây lại ngôi nhà mới, có diện tích khoảng 80 m2. Những mái ấm tri ân đã xuất hiện nhiều hơn nơi những làng quê còn nhiều khó khăn ở Hà Tĩnh.

Được biết, tính từ năm 2020 đến nay, thông qua nguồn lực huy động xã hội hóa, tỉnh Hà Tĩnh đã hỗ trợ xây dựng được 7.817 ngôi nhà cho các thương, bệnh binh, gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với tổng số tiền gần 400 tỷ đồng.

Nghệ An là một trong ba tỉnh của cả nước có số lượng gia đình người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ, thương binh lớn nhất cả nước (65.147 gia đình). Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp, vận động nhiều nguồn lực xây dựng hàng chục nghìn ngôi nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng. Riêng Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh Nghệ An, trong 10 năm qua, đã xây dựng được 548 ngôi nhà tình nghĩa.

Song, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn khoảng 300 gia đình thân nhân liệt sĩ còn phải ở nhà tạm. Chia sẻ với những khó khăn này, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã vận động, kêu gọi các cựu chiến binh, nguyên là cán bộ chủ chốt ở Bộ Tư lệnh Công binh, hỗ trợ, làm nhà mới cho ba gia đình liệt sĩ trong tỉnh. Đại diện cho các gia đình, bà Nguyễn Thị Toàn, vợ liệt sĩ Nguyễn Cảnh Trí (xã Đông Sơn, huyện Đô Lương), xúc động bày tỏ: "Nhờ sự quan tâm của chính quyền, các tổ chức, nhà hảo tâm, chúng tôi đã có được ngôi nhà xây cấp bốn với diện tích hơn 60 m2. Đó là ngôi nhà mà bao năm qua, tôi chỉ dám ao ước".

Chung tay đền ơn đáp nghĩa

Phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc, 77 năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Đặc biệt, nhiều tỉnh, thành phố đã lan tỏa phong trào "Toàn dân chăm sóc người có công", xây dựng nhà tình nghĩa, chăm sóc Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn… Các phong trào đã huy động cộng đồng tích cực tham gia ủng hộ, xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công. Bà Tạ Thị Hoán, nguyên Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh tỉnh Hà Nam cho biết: Những năm qua, Hội đã vận động nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ kinh phí để xây nhà tình nghĩa cho nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.

Theo ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội, phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Những năm qua, cả nước đã vận động được hơn 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới hơn 84.000 ngôi nhà và sửa chữa 69.000 ngôi nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền hơn 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, hiện nay, cả nước vẫn còn nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với đất nước có hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ về nhà ở (bao gồm nhà cần xây mới và nhà cần sửa chữa). Nhằm góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng về công tác chăm sóc thương binh, liệt sĩ, người có công với đất nước và mục tiêu phấn đấu của Nhà nước về giải quyết chính sách nhà ở cho người có công, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục phát động sâu rộng phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" và kêu gọi huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, đồng thời chăm lo tốt hơn đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng một cách thiết thực, hiệu quả.