Báo chí, nhìn từ những chuyển động rõ ràng

Ngày công bố giải thưởng Pulitzer năm 2024 có thể sẽ còn được nhắc đến nhiều về sau, khi nhìn lại quá trình phát triển ngành kinh doanh tin tức nước Mỹ. Là bởi, đây là ngày mà những giải thưởng danh giá nhất phản ánh rõ nét những chuyển động quan trọng của nền báo chí thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Các nhân viên chúc mừng The New York Times giành ba giải Pulitzer năm 2024. Ảnh: The New York Times
Các nhân viên chúc mừng The New York Times giành ba giải Pulitzer năm 2024. Ảnh: The New York Times

Lời buồn cho báo giấy

Trong mùa giải thứ 108 này, có một điều vẫn không hề thay đổi. Những cái tên được xướng lên, cùng những đề cử lọt vào vòng chung kết, tiếp tục là những tác phẩm báo chí điều tra nổi bật, có tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến xã hội, hay những bình luận sắc bén, cùng những bức hình ấn tượng không cần thêm chú thích. Nhưng đằng sau đó, những xu hướng mới cũng đã và đang định hình rõ nét.

Trong số 21 tác phẩm báo in lọt vào vòng chung kết Pulitzer năm 2024, có đến tám “đứa con tinh thần” của The New York Times và sáu của The Washington Post. Trong khi các tờ báo lớn tiếp tục thể hiện sự thống trị, thì việc có số lượng ít các “tờ báo nhỏ” tranh cử giải Pulitzer năm nay cho thấy sự suy giảm của báo chí địa phương, trong khi báo mạng chiếm các vị trí hàng đầu. Xu hướng thứ ba là sự đa dạng hóa định dạng báo chí. “Bỏ lại” truyền thống coi báo giấy là loại hình chính tranh giải Pulitzer, giờ đây, các loại hình truyền thông khác, như báo mạng, truyền hình và phát thanh đã “dõng dạc lên tiếng” (nhất là báo mạng của các địa phương).

Không có gì quá bất ngờ, vì thực tế, những vận động này cũng đã diễn ra trong ít nhất vài chục năm. Nhưng, với các độc giả trung thành của báo in, cũng có chút gì đó ngậm ngùi. Giải thưởng Pulitzer vẫn được xem là nhằm tôn vinh những tác phẩm xuất sắc nhất do các tờ báo và hãng thông tấn Mỹ sản xuất. Ngắn gọn, đó là giải thưởng chủ yếu dành cho báo in. Còn phát thanh hay truyền hình đều có những giải thưởng danh giá của riêng mình. Nhưng, sự xuất hiện của internet đã làm mờ đi sự phân biệt đó, đẩy ban tổ chức Pulitzer mở rộng ranh giới giải thưởng. Với danh sách chủ nhân giải thưởng Pulitzer năm 2024 “lạ lẫm” như hôm 6/5, khi báo in có ít đại diện hơn báo mạng lọt vào chung kết (8 so với 12), một thời đại dường như đã sẵn sàng khép lại.

Con người vẫn là không thể thay thế

Khởi đầu từ năm 1917, các giải Pulitzer được Đại học Columbia (New York, Mỹ) trao hằng năm nhằm tôn vinh các tác phẩm xuất sắc trong lĩnh vực báo chí, văn học, nghệ thuật và âm nhạc.

Ở lĩnh vực báo chí, những chuyển động dường như gấp gáp hơn hẳn. Bên cạnh sự thay đổi vị thế các loại hình truyền thông, vấn đề tác nghiệp cũng đang ghi nhận những phương thức mới. Tại mùa giải Pulitzer năm 2024, lần đầu các chủ nhân đoạt giải tiết lộ: Kỹ năng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ tác phẩm giúp họ được vinh danh. Cụ thể, các tác giả của tác phẩm “Mất tích ở Chicago” - loạt bài vạch trần những thất bại của Sở Cảnh sát Chicago trong việc xử lý các cuộc điều tra phụ nữ da đen mất tích hoặc bị sát hại - đã sử dụng công nghệ máy học có tên Judy để phân tích hàng chồng hồ sơ cảnh sát. Judy đã phát hiện ra hàng chục cáo buộc về hành vi sai trái của cảnh sát, cũng như nỗi đau của những gia đình có người thân mất tích.

Ngoài trường hợp của “Mất tích ở Chicago”, AI cũng tham gia tác phẩm đoạt giải Pulitzer của The New York Times về cuộc chiến ở Dải Gaza. Nhờ huấn luyện một công cụ có thể xác định miệng hố do bom nặng hơn 900 kg (vốn là một trong những loại bom lớn nhất trong kho vũ khí Israel) để lại, nhóm tác giả đã có thông tin về hàng trăm quả bom được quân đội Israel thả xuống miền nam Gaza, trong đó có cả những khu vực được đánh dấu an toàn cho dân thường. Các tác giả khẳng định: Đó là cách sử dụng AI một cách hiệu quả, phục vụ đưa tin.

Với việc phát triển mạnh mẽ và trở nên ngày càng tinh vi, tác động của AI đối với báo chí là không thể phủ nhận. Khi AI thực hiện được những công việc vẫn do con người đảm nhiệm, con người cần đón nhận, và thay đổi. Để AI xử lý các tác vụ lặp đi lặp lại, phân tích dữ liệu, thậm chí viết cơ bản, người phóng viên sẽ có thêm thời gian tập trung vào các khía cạnh báo chí đòi hỏi cảm xúc của con người, như đưa tin chuyên sâu, phỏng vấn với những câu hỏi nhiều tầng, hay tạo ra những câu chuyện hấp dẫn với cách kể đa diện.

Suy cho cùng, dù công nghệ đang phát triển như vũ bão, thì trong những thời điểm nghiệt ngã như chiến tranh hay dịch bệnh, những sự khắc họa vô giá về trải nghiệm của con người, vốn luôn được các giám khảo Pulitzer đề cao, vẫn phải do chính con người thực hiện.