Tin vui mùa khó

Theo xếp hạng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00

Nếu như năm 2007, tổng giá trị xuất, nhập khẩu lần đầu tiên đạt dấu mốc 100 tỷ USD, thì chỉ bốn năm sau đó, đã tăng gấp đôi đạt 200 tỷ USD vào năm 2011. Và, xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD vào cuối năm 2015. Đến cuối tháng 11/2022, tăng trưởng đạt gấp đôi con số này. Chưa hết, đến giữa tháng 12 này, tổng giá trị xuất, nhập khẩu của Việt Nam ước đạt mốc 700 tỷ USD.

Điều đáng nói, thứ hạng xếp hạng thương mại của nước ta liên tục tạo mốc mới trong nhiều năm qua dù có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra, trong bối cảnh có không ít nước láng giềng ASEAN không tăng trong cùng giai đoạn. Thí dụ, năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 23 trên thế giới, trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp vị trí thứ 20 toàn cầu. Theo đó, kể từ năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ hai trong khối ASEAN, vượt qua cả Thái Lan và Malaysia, chỉ xếp sau Singapore.

Nhìn lại gần 30 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có những thành tựu đáng kể trên con đường thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập, chuyển giao công nghệ, phát triển đất nước. Trong bức tranh chung nhiều gam màu sáng ấy, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) luôn đóng góp ở mức cao và luôn chiếm ưu thế đầu tư ở nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Điển hình như trong hai nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện thoại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, các doanh nghiệp FDI đóng góp tỷ trọng lần lượt là 99,7% và 98,32%.

Không thể phủ nhận, khu vực FDI đã góp phần nâng cao trình độ, công nghệ và là kênh quan trọng giúp Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng hơn. Tuy nhiên, sau nhiều năm, đến nay, tác động của FDI trong việc cải tiến khoa học-công nghệ nói chung đối với Việt Nam còn hạn chế. Nhắc lại số liệu được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng công bố, có thể thấy, đến đầu năm 2020, chỉ có khoảng 6% số doanh nghiệp FDI sử dụng các công nghệ tiên tiến của châu Âu và Mỹ. Ngược lại có tới 30% đến khoảng 45% số doanh nghiệp FDI đang sử dụng công nghệ ra đời từ năm 2000 đến năm 2005, và phần lớn là công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến của khu vực…

Việt Nam đang bước vào giai đoạn đón làn sóng đầu tư mới. Thông điệp gửi đi về chính sách thu hút đầu tư chính là lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có tác động lan tỏa để kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Nâng chuẩn trong thu hút nguồn vốn đồng nghĩa cần nâng chuẩn của chính môi trường đầu tư. Muốn vậy, ngoài việc chuẩn bị nguồn quỹ đất đầy đủ, Việt Nam còn cần đầu tư xứng đáng cho nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ công nghiệp hỗ trợ cũng như xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ từ các doanh nghiệp trong nước, nhằm tạo hệ sinh thái hỗ trợ nhà đầu tư. Thêm nữa, cần tiếp tục cải cách thể chế, hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể tạo được mối liên hệ cộng sinh giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước nói riêng, và nền kinh tế nói chung.