Khắc phục bất cập thẩm định giá

Nếu khắc phục được bất cập trong công tác thẩm định giá đã được nhận diện lâu nay, thì không chỉ nền kinh tế phát triển lành mạnh hơn mà chắc chắn công tác phòng, chống tham nhũng cũng sẽ có bước tiến quan trọng. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng được đề ra khi xây dựng dự án Luật Giá (sửa đổi). Dự luật vừa được Hội đồng thẩm định Bộ Tư pháp xem xét đề nghị hoàn thiện, trình các cấp có thẩm quyền ban hành.

Một buổi đấu giá đất trên địa bàn TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: YÊN THẾ
Một buổi đấu giá đất trên địa bàn TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang (ảnh chụp trước ngày 27/4). Ảnh: YÊN THẾ

Bát nháo thẩm định

Việc Bộ Tài chính mới đây tước hàng loạt giấy phép hành nghề của một số doanh nghiệp và cá nhân làm công tác thẩm định giá cho thấy tính chất hết sức phức tạp của lĩnh vực này. Nhìn lại hàng loạt vụ án tham nhũng lớn trong thời gian qua, gần đây nhất là vụ việc xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và xa hơn một chút là MobiFone mua lại AVG, rồi hàng loạt vụ mua bán, chuyển nhượng nhà đất ở những vị trí đắc địa tại TP Hồ Chí Minh  và Đà Nẵng có liên quan đến nhân vật “Vũ nhôm”… đều thấy có vai trò “giúp sức” quan trọng của thẩm định giá. 

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, việc ban hành chứng thư thẩm định giá với mức giá theo yêu cầu, mong muốn của khách hàng, thậm chí gian dối cấu kết với khách hàng làm sai lệch hồ sơ để “thổi giá” cao hơn nhiều giá trị thật (hoặc hạ thấp giá trị tài sản một cách bất thường), tiếp tay cho mưu đồ của khách hàng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thủ đoạn phổ biến, gây ra nhiều hệ lụy và bức xúc xã hội.

Cùng quan điểm, luật sư Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, thẩm định giá trị của hàng hóa, tài sản, dự án, doanh nghiệp… là một ngành chuyên môn phải được đào tạo rất chuyên sâu và quản lý bằng khung pháp lý chặt chẽ. Trong khi đó, ở Việt Nam, ngành này còn mới mẻ cả về đào tạo, hành nghề và quản lý, nên đã bị không ít nhà kinh doanh xấu và công chức tham nhũng lợi dụng. Ngay cả khi đã bị phát hiện, trong nhiều vụ việc rất khó chứng minh các thủ đoạn, cũng như tìm kiếm những chứng cứ tham nhũng, do đó việc xử lý không thích đáng, không đủ sức răn đe. 

Trong tờ trình gửi đến Bộ Tư pháp cuối tháng 8 vừa qua đề xuất xây dựng dự án sửa đổi Luật Giá, Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm đầu năm 2021, cả nước có 411 doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận; trong đó, có 346 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đang hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Bộ Tài chính cũng đã cấp 2.352 thẻ thẩm định viên về giá, trong đó có 1.723 thẩm định viên đã đăng ký hành nghề tại các doanh nghiệp thẩm định giá.
 
Tuy nhiên, cũng Bộ này đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với tổng cộng 65 doanh nghiệp; đồng thời, tiến hành đình chỉ kinh doanh dịch vụ thẩm định giá đối với 26 lượt doanh nghiệp. Đây là tỷ lệ đáng quan ngại.

Lập lại trật tự kỷ cương 

Theo Luật Giá hiện hành, có hai hình thức thẩm định giá thông qua Hội đồng thẩm định giá nhà nước và tổ chức thẩm định giá tư nhân. Cả hai đều có nhược điểm nhất định. Chẳng hạn, các trường hợp bắt buộc phải thực hiện thẩm định giá Nhà nước còn quy định chung chung, dẫn đến khó xác định trường hợp cụ thể trong thực tế để thực hiện; chưa rõ phạm vi, chưa cụ thể danh mục các hàng hóa, dịch vụ thực hiện thẩm định giá Nhà nước để tạo sự minh bạch, rõ ràng trong thực tiễn vận dụng hình thức thẩm định giá Nhà nước. Luật Giá (Điều 44) quy định thực hiện thẩm định giá nhà nước trong trường hợp “không thuê được doanh nghiệp thẩm định giá”, nhưng lại chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc thế nào là “không thuê được doanh nghiệp” (phải thực hiện các bước, quy trình gì, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có nhất thiết chỉ ở phạm vi địa phương không, trong khi năng lực hoặc số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thẩm định giá tại địa phương đó không đáp ứng yêu cầu?). Trường hợp “mua, bán tài sản nhà nước có giá trị lớn” cũng chưa có hướng dẫn về thuật ngữ “giá trị lớn”. 

Liên quan tính pháp lý của kết quả thẩm định, theo quy định của Luật Giá, kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên liên quan xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản. Kết quả thẩm định giá chỉ được sử dụng trong thời hạn có hiệu lực được ghi trong báo cáo kết quả thẩm định giá và chứng thư thẩm định giá.

Tuy nhiên, nhiều quy định tại pháp luật chuyên ngành gần như sử dụng ngay kết quả thẩm định giá làm căn cứ duy nhất để định giá, kéo theo đó là trách nhiệm rất nặng đặt lên vai các doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá. Chẳng hạn, đối với hoạt động thẩm định giá khởi điểm để đấu giá các khoản nợ xấu, kết quả thẩm định giá được xem như là giá tối thiểu, giá sàn để đấu giá lần đầu khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Tương tự, đối với hoạt động thẩm định giá trong thi hành án dân sự, kết quả thẩm định giá tài sản kê biên trong thi hành án dân sự được lấy làm giá khởi điểm để bán đấu giá theo quy định. Như vậy, đối với Luật Thi hành án dân sự, chấp hành viên và tổ chức thẩm định giá đóng vai trò quyết định đối với kết quả giá khởi điểm để bán đấu giá trong định giá tài sản kê biên.

Góp ý về vấn đề này, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định: “Công khai, minh bạch và cạnh tranh là phương thuốc trị bệnh. Thị trường sẽ đào thải những doanh nghiệp, cá nhân yếu kém, sai phạm. Và quan trọng vẫn là người thuê dịch vụ, không thể phó mặc, thậm chí móc ngoặc”.

Được biết, dự án sửa đổi, bổ sung Luật Giá 2012 đã được Bộ Tài chính đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội (trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp đầu năm 2023). Hy vọng cùng với việc điều chỉnh khung khổ pháp luật cao nhất về giá, công tác hậu kiểm cũng cần được tiến hành thường xuyên, đúng pháp luật, bảo đảm nghiêm minh, khách quan.

Theo kết quả tổng hợp báo cáo từ các địa phương của Bộ Tài chính, tại TP Hồ Chí Minh, từ năm 2013 đến hết năm 2020 thành lập 664 hội đồng thẩm định giá đất, tổng giá trị xử lý ước tính khoảng 53.720 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến hết ngày 20/11/2020, tại Sơn La, thành lập tổng số 829 hội đồng thẩm định giá, ban hành 1.010 kết luận thẩm định giá, tổng giá trị tài sản thẩm định giá là 944,65 tỷ đồng.