Thêm cơ hội sống cho người bệnh hiểm nghèo

Có mấy ai sẵn sàng hy sinh phần tốt đẹp nhất cho người khác, đặc biệt là cho đi một phần cơ thể của mình? Vậy mà, tại các bệnh viện (BV) lớn ở TP Hồ Chí Minh, rất nhiều những người lạ có, thân quen có… đã sẵn sàng hiến một phần cơ thể cho người bệnh (NB) đang trong cơn nguy kịch; hay hiến cả bản thân khi nằm xuống nhằm giúp người còn sống.

Các bác sĩ phẫu thuật ghép gan cho người bệnh.
Các bác sĩ phẫu thuật ghép gan cho người bệnh.

Từ người cho đã chết

BV Chợ Rẫy là nơi đầu tiên triển khai thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước (do PGS,TS Nguyễn Trường Sơn, nguyên Giám đốc BV - hiện là Thứ trưởng Y tế, làm chủ nhiệm đề tài - PV) về “Hiến ghép tạng từ người cho chết não”. Theo ông Sơn, có những người tuy không còn trên cõi đời này nhưng những cơ quan nội tạng của họ vẫn tiếp tục giúp đỡ đồng loại tiếp tục sống. Người cho phải tự nguyện, không bị các chứng bệnh truyền nhiễm và BV chỉ lấy tạng trong vòng 30 phút sau khi người cho đã chết não.

Từ đề tài trên, năm 2014, ca ghép tim, thận thành công (đầu tiên phía nam) từ người cho là một quân nhân gặp nạn và đăng ký hiến tạng. Trước đó, BV Chợ Rẫy đã đón nhận hai tạng (tim và thận) từ BV Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) và đã tiến hành ghép thành công cho hai người nhận tạng. NB nhận tim là nam (29 tuổi, ngụ Tiền Giang) bị bệnh cơ tim giãn nở. NB nhận thận là nữ (21 tuổi, ngụ Ninh Thuận) bị suy thận mạn giai đoạn cuối. Hai NB này đều có hoàn cảnh khó khăn, được bệnh viện hỗ trợ chi phí để cứu. Trực tiếp điều hành các hoạt động tại BV Chợ Rẫy lúc đó, BS CKII Dư Thị Ngọc Thu nhớ lại: “Nhờ sự tích cực và phối hợp nhịp nhàng giữa BV Trung ương Quân đội 108, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, BV Việt Đức, Cảng hàng không Sân bay Nội Bài, Cảng hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất, Công an TP Hồ Chí Minh, hai phần tạng hiến quý giá đã được đưa từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh kịp thời cứu sống hai NB này. Ngoài ra, giác mạc, phổi, một quả thận khác của người quân nhân nói trên đã trao cơ hội sống và nhìn ánh sáng cho hai NB tại Hà Nội.

Chỉ vài tháng sau, BV Chợ Rẫy lần đầu thực hiện thành công ca ghép tim từ người cho chết não. Trước đó, NB nữ, 18 tuổi, bị tai nạn giao thông được tiên lượng tử vong. Sau khi nhận được sự đồng thuận của mẹ NB, ê-kíp ghép tạng của BV Chợ Rẫy đã tiến hành song song hành trình nhận tạng và thực hiện ca ghép tim thành công. Sau ghép, tình trạng sức khỏe của người nhận tạng đã ổn định. Có thể nói, ca ghép tim thành công đã đánh dấu sự khởi đầu cho lĩnh vực ghép tim tại BV Chợ Rẫy, góp phần gia tăng cơ hội cho các NB chờ ghép tim tại miền nam cũng như cả nước.

ThS Lê Minh Hiển, Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại BV Chợ Rẫy, thống kê, cho đến tháng 4-2019, BV đã tiếp nhận đến chín nghìn đơn đăng ký hiến tạng của những người tình nguyện. Bởi qua truyền thông và báo chí, ai cũng hiểu rằng hiến tạng nhân đạo cứu người khi chết là một nghĩa cử cao cả đầy tính nhân văn trong một xã hội hiện đại với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật. Một người khi chẳng may qua đời vì những bệnh tật của mình (nếu không phải là những bệnh có chống chỉ định để hiến tạng như nhiễm trùng, ung thư,…) thì có thể hiến tặng mô và cơ quan còn tốt để cứu tối thiểu từ hai - tám người bệnh khác tùy theo tình trạng bệnh của mình. Tuy vừa thành lập ngày 17-6-2014, đến nay đơn vị đã tiếp nhận 49 thận, bảy gan, bốn tim, một khối tim phổi và 29 giác mạc; sau đó điều phối một khối tim - phổi đến BV Trung ương Huế; hai tim và hai gan đến BV Việt Đức; 14 giác mạc đến Ngân hàng Mắt của Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo TP Hồ Chí Minh.

Về phía người hiến tạng đã chết và gia đình, chị Hoàng Thị B. (quê ở Hà Tĩnh, thân nhân người hiến tạng khi chết) kể: “Sau khi hoàn thành tâm niệm của người thân, BV Chợ Rẫy đã hỗ trợ gia đình tôi hoàn tất nhanh chóng các thủ tục hành chính, giấy ra viện; miễn viện phí, đưa cơ thể người thân của chúng tôi về đến nơi dự kiến tổ chức tang lễ. Khi đó, gia đình tôi có ý nguyện thiêu nên BV cũng đưa tro cốt về quê chu đáo. Ngoài ra BV còn giúp gia đình tôi vốn tạo công ăn việc làm để mưu sinh sau khi người thân của tôi qua đời”.

Từ người cho sống

Người ta nói “dâu là con, rể là khách”. Ấy vậy mà ông Nguyễn Ngọc H. lại được chính con rể của mình tình nguyện hiến tặng nửa phần gan lành lặn. Ông H. (60 tuổi, ngụ ở Khánh Hòa, người nhận gan) là một giáo viên về hưu. Ông mắc nhiều bệnh lý về gan, bao gồm viêm gan C (đã điều trị khỏi hẳn cách đây 4 năm), xơ gan, ung thư gan. Khối u trong gan có kích thước khoảng 3 cm và nằm ở vị trí rốn gan, một vị trí rất khó điều trị. Thêm vào đó, gan xơ quá nhiều nên việc điều trị ung thư bằng các phương pháp khác không hiệu quả, thậm chí sẽ làm gan suy yếu nhanh hơn. Tình trạng sức khỏe của ông H. ngày một nghiêm trọng, thời gian sống chỉ còn khoảng một năm. May mắn thay, anh Trương Thanh T. (31 tuổi, con rể của ông) cũng là người có nhóm máu O. Lá gan có kích thước phù hợp, bảo đảm cuộc sống hoàn toàn bình thường sau khi hiến và có thể giúp bố vợ phục hồi. BV cho hay, vừa qua, ca phẫu thuật ghép gan đã diễn ra tốt đẹp. Hiện tại, người hiến và người nhận gan đã quay lại cuộc sống bình thường, lao động chăm sóc gia đình như những người khỏe mạnh. Người con rể tên T. nêu trên nói: “Đau sau phẫu thuật là điều phải có, nhưng không đáng kể, vì sự vui mừng khi biết người thân đã nhận được phần gan khỏe mạnh từ mình đã lấn át mọi cảm giác khác”.

Tương tự, ông Lê Văn Đ. (57 tuổi, ngụ ở Bình Dương) là người được nhận gan từ chính con gái của mình. Ông Đ. bị xơ gan trên nền viêm gan C và diễn tiến đến ung thư gan đã được điều trị cách đây hai năm. Trước đó, ông có tiền sử ói ra máu do bệnh xơ gan giai đoạn muộn gây giãn các tĩnh mạch thực quản. Mặc dù ung thư gan được khống chế tương đối tốt nhưng lá gan của ông quá yếu, nguy cơ ói ra máu cao. Đối với người bệnh xơ gan, tình trạng ói ra máu tái phát có thể tước đi mạng sống của người bệnh bất cứ khi nào. Vì vậy, với trường hợp của ông Đ., ghép gan là cơ hội tốt nhất để có thể sống khỏe mạnh. Và chị Lê Thị M. (34 tuổi, con gái), có cùng nhóm máu, tương thích các chỉ số yêu cầu trong việc hiến gan. Sau ghép một tuần, chị M. đã được xuất viện và sinh hoạt bình thường. Về ông Đ., đến nay đã có thể tự đi đứng, ăn uống và sinh hoạt cá nhân.

Trong hơn sáu tháng qua, BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ của BV ASAN (Hàn Quốc) đã thực hiện thành công năm ca phẫu thuật ghép gan từ người cho sống. Cả năm ca ghép đều thành công tốt đẹp. Những người nhận gan đã có thêm cơ hội sống, hồi phục sức khỏe và trở lại cuộc sống bình thường. Theo BV, đây là gốc rễ cho sự phát triển chung của toàn xã hội, sự thiêng liêng của hai tiếng “tình thân” đã chạm đến từng ngóc ngách của lòng quả cảm, đập tan đi những nỗi đau về thể xác. TS, BS Trần Công Duy Long nhớ lại: “Cả ê-kíp ghép gan luôn trong tinh thần chuẩn bị, việc ăn ngủ đầy đủ như hoàn toàn được đặt qua một bên để tập trung toàn bộ trí lực cho đề án ghép gan từ người cho sống. Những bối rối, căng thẳng nay đã được thay bằng bản lĩnh, sự điềm tĩnh và kiểm soát được mọi tình huống. Hành trình đó có thể là nhanh nhưng không hề bất ngờ vì trước đó họ đã dấn thân quyết liệt đến từng chi tiết một, sự lĩnh hội tay nghề, kiến thức từ ê-kíp nước bạn đã tạo ra những bước tiến dài và vững chắc, hứa hẹn những thành công đáng có trong tương lai. Hiện nay có nhiều người bệnh và gia đình đăng ký ghép gan tại BV. Kỹ thuật này sẽ được thực hiện thường quy với sự hỗ trợ của các chuyên gia ghép gan hàng đầu thế giới từ Hàn Quốc, Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc),… Ghép gan trong nước giúp NB và gia đình tiết kiệm nhiều chi phí, thuận tiện cho việc đi lại, ăn ở, giao tiếp trong quá trình chuẩn bị, chăm sóc và tái khám sau ghép”.

Thêm cơ hội sống cho người bệnh hiểm nghèo ảnh 1

Trong hơn sáu tháng qua, BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ của BV ASAN (Hàn Quốc) đã thực hiện thành công năm ca phẫu thuật ghép gan từ người cho sống. Cả năm ca ghép đều thành công tốt đẹp.