Xa mà gần
Người ta bắt đầu gọi dịch Covid-19 là đại chiến thế giới mới. Không súng đạn vẫn chết chóc. Và tổn thương tâm lý cũng như kinh tế là hậu quả phải khắc phục lâu dài. Nhưng trước mắt, châu Âu đang học thích nghi cách sống mới: xa về khoảng cách mà vẫn gần về tình người. Một số nơi tại Bỉ người dân bắt đầu vẽ cả hình trái tim lên bao rác để cảm ơn các nhân viên thu gom rác vẫn làm việc vì cộng đồng. Không chỉ ưu tiên giờ vào mua hàng riêng cho người từ 65 tuổi, một số siêu thị lớn còn nhận đặt hàng, mang thực phẩm đến tận bệnh viện cho các nhân viên y tế khi họ cần.
Sau một tuần Bỉ đóng cửa các trường học, nhóm cha mẹ học sinh khối lớp 4 của trường con trai tôi đã thiết kế một app - ứng dụng mới trên mạng cho lũ trẻ được trò chuyện, trao đổi bài vở với nhau. Kế hoạch ban đầu là đóng cửa ba tuần, qua kỳ nghỉ Phục sinh đi học trở lại. Nhưng bà Bộ trưởng Y tế Maggie De Block vừa dự đoán có thể “lock down” ít nhất tám tuần. Nghĩa là mỗi người dân phải chuẩn bị tâm lý chiến đấu lâu dài với dịch bệnh và làm quen thật sự hình thức sinh hoạt mới: hạn chế tối đa ra ngoài, khi ra phải tuân thủ quy định không tụ tập nhóm từ ba người trở lên, giữ khoảng cách 1,5 - 2 m. Sai lệnh, mức phạt lần đầu vài trăm EUR, và có thể lên tới cả nghìn EUR nếu tái phạm hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe người khác. Tới nay, cảnh sát đã phạt hơn trăm trường hợp vi phạm lệnh giới nghiêm.
Là người gốc Việt sống ở các vùng tâm dịch châu Âu, chúng tôi thường bảo nhau thời kỳ này càng cần đoàn kết, không tranh cãi những chuyện vô bổ và tránh lan truyền thông tin vô căn cứ. Nguyễn Thu Trang, một người bạn của tôi sống tại Milan (I-ta-li-a), chỉ cách Bergamo đang tang tóc mấy tuần qua một giờ chạy xe. Trang kể: “Bergamo là vùng kinh tế mạnh của I-ta-li-a. Nhiều người cao tuổi đang sống hoặc về nghỉ dưỡng ở đó bởi khí hậu vùng núi trong lành, mát mẻ. Luồng di chuyển giữa Milan và Bergamo rất lớn, kéo theo nguồn lây nhiễm Covid-19 âm thầm và giờ bùng phát. Mấy hôm nay chính phủ đã bổ sung quân đội xuống Milan để hạn chế các trường hợp không tuân thủ lệnh phong tỏa. Từ khi có dịch, gia đình mình cũng như những gia đình gốc Việt mình biết ở đây chưa hề có ý định về Việt Nam. Nói chung vẫn giữ tinh thần lạc quan để cùng nhau vượt qua đại dịch. Chiều tối mình vẫn mở cửa sổ nghe nhạc I-ta-li-a”.
Con gái chị Hiền (ở Đức) giúp mẹ cắt và may khẩu trang.
Khử trùng thông tin độc hại
Nhiều thành viên trong nhóm cựu học sinh cấp III Hà Nội khóa 1991- 1994 xa xứ thường xuyên cập nhật tình hình tại Anh, Pháp, Ðức, Thụy Sĩ, Ba Lan, Séc... lên facebook để người nhà ở Việt Nam yên tâm. Ðây cũng là cách “rửa tay” và “khử trùng” các luồng thông tin độc hại đang tràn lan trên mạng, gây tâm lý hoang mang.
Trần Thị Chi Lan tại Thụy Sĩ chia sẻ nhiều ảnh siêu thị vẫn cung cấp đầy đủ thực phẩm thiết yếu và cập nhật: “Những thông tin kiểu y tế Thụy Sĩ suy sụp, không đủ máy thở và thiếu bác sĩ, nếu dân bị nhiễm bệnh chính phủ các nước châu Âu sẽ để dân tự chữa ở nhà và tự chết... là vô căn cứ. Kiều bào ở châu Âu chẳng vì sợ lây nhiễm mà chạy về Việt Nam lúc nước sôi lửa bỏng này đâu. Ai cũng hiểu di chuyển đường xa như vậy lúc này là quá nguy hiểm. So sánh và chỉ trích không mang lại điều gì có ích lúc này”.
Võ Thu Thủy ở London (Anh) vốn sức khỏe không tốt, sẵn bệnh lý nền. Thời gian qua, rất nhiều bạn bè và người thân nhắn tin khuyên Thủy cùng con trai nên về Việt Nam, vì ở nhà đang kiểm soát dịch tốt. Chính Thủy lại lên tiếng trấn an người ở nhà: “Chúng tôi đã mua vé trước nửa năm nay để tháng 4 này về Việt Nam chơi. Con trai Joe cũng háo hức gặp ông bà ngoại. Ðại dịch xảy ra, kế hoạch về quê phải hủy. Tôi không về vì nhiều lý do. Môi trường sân bay và ngồi trong máy bay lâu cũng là nguy cơ lây nhiễm cao. Chồng tôi người Anh, không thể bỏ mặc anh ấy một mình xoay xở ở đây. Lúc hoạn nạn vợ chồng phải có nhau. Từ lâu tôi đã coi Anh là quê hương thứ hai. Những lúc tôi và con trai ốm đau thập tử nhất sinh, chính nước Anh giang tay cứu sống mẹ con tôi. Dù chính sách còn cứng nhắc, hệ thống y tế cũng có dấu hiệu quá tải, tôi vẫn tin Chính phủ Anh sẽ có biện pháp tốt nhất để bảo vệ người dân và vượt qua đại dịch”.
Khéo tay may khẩu trang
Người Việt vốn nổi tiếng khéo tay. Sự cần mẫn, chịu thương, chịu khó may khẩu trang tặng miễn phí lúc này càng hữu ích hơn cho cộng đồng người bản xứ ở châu Âu vốn chưa có thói quen dùng khẩu trang ra đường.
Phạm Thị Thu Hiền mở tiệm may Nähestube Leipert ở vùng Zittau (thuộc bang Sachsen, Ðức) giáp biên giới Ðức - Séc đã ba năm nay. Gần đây, một khách hàng của Hiền phải nằm viện vì mổ não. Hiền nghĩ trong môi trường bệnh viện chắc người này rất cần khẩu trang để tránh nhiễm Covid-19. Cô kể: “Tôi sang xin những người già hàng xóm vẫn còn thói quen giữ vải. Phải phân loại vải trắng để may khẩu trang riêng cho bệnh nhân vì loại này giặt 60 độ và khử trùng được. Còn người không nằm viện có thể sử dụng khẩu trang bằng vải mầu cũng được. Chị khách nằm viện nhận khẩu trang tôi tặng, cảm động lắm. Chính chị ấy gợi ý tôi nên làm thêm khẩu trang tặng cộng đồng. Không ngờ khá nhiều người nhắn tin đăng ký. Ðến nay tôi may được 50 chiếc rồi”. Chồng của Hiền cũng mang năm chiếc khẩu trang vợ may tặng một người bạn là nhân viên nhà thuốc. Người bạn này hằng ngày vẫn phải làm việc và tiếp xúc với nhiều người, nên rất cần khẩu trang.
Chồng chị Hiền được vợ may cho chiếc khẩu trang đặc biệt.
Một số người gốc Việt ở Bỉ tôi quen cũng đã đăng ký với bệnh viện gần nhà để nhận vải về may khẩu trang cho bệnh nhân. Nhận cùng lượng vải, nhưng người gốc Việt thường khéo léo cắt, may được nhiều khẩu trang hơn.
Từ đầu tuần này, cửa sổ nhà chị Thanh (Bỉ) bắt đầu treo băng-rôn cảm ơn những người đang ngày đêm nỗ lực cứu chữa bệnh nhân, phục vụ cộng đồng. Vẫn thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh tại quê nhà, Thanh bày tỏ: “Cảm phục không chỉ các y, bác sĩ mà cả lực lượng bộ đội. Khi nào khó khăn bộ đội cũng lên ngay tuyến đầu. Hãy nghĩ đến họ nữa để nói lời cảm ơn. Tôi cho rằng đây là thời điểm nhiều phụ huynh có con du học nên khuyến khích con trưởng thành, biết cách tự chăm sóc bản thân cũng là có trách nhiệm với xã hội rồi. Hành trình dài trên máy bay và trung chuyển chính là hiểm họa lây nhiễm lớn nhất. Và muốn tiếp tế miếng cơm manh áo cho con mà đẩy nhiều tính mạng khác vào nguy hiểm là không chấp nhận được. Cho người cách ly ăn ở miễn phí cũng không phải phương án lâu dài. Trong thời điểm khó khăn này ai cũng cần có trách nhiệm với xã hội để cùng đẩy lùi dịch bệnh”.