Lan tỏa nghị lực và tinh thần người lính

Trải qua muôn vàn gian khổ trong chiến đấu, nhiều thương binh trở về cuộc sống đời thường với những vết thương còn đau nhức. Song với phẩm chất cao quý của Bộ đội Cụ Hồ, những người lính ấy đã khắc phục khó khăn, sống tiếp phần đời sáng đẹp, làm chỗ dựa cho con cháu, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn.

Mỗi khi có dịp, ông Vũ Văn Cảnh lại lên thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang).
Mỗi khi có dịp, ông Vũ Văn Cảnh lại lên thắp hương cho đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang).

Ký ức nghẹn lòng

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với thương binh 1/4 Vũ Văn Cảnh, sinh sống ở phường Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm, Hà Nội) liên tục bị ngắt quãng. Cứ nhắc đến mặt trận Vị Xuyên và các đồng đội cũ là ông không thể cầm lòng. Nhập ngũ năm 1986, ông Cảnh thuộc quân số của Sư đoàn 308 nhưng lại tăng cường cho Sư đoàn 312, được cử giữ chốt tại Khu 4 Hầm - QT87. Trong khoảng ba tháng chiến đấu ác liệt, giành giật từng tấc đất, ăn hầm ngủ bụi, ông Cảnh bị thương ba lần. Lần cuối ông bị thương nặng nhất, cả một mảng xương đầu bị mảnh đạn cắt bay, liệt nửa người. Một số đồng đội vì cứu ông, đưa về tuyến sau sơ cứu cũng bị thương. Sau gần hai năm được các bác sĩ Bệnh viện 108 tận tình cứu chữa, nhờ nỗ lực tập luyện ông mới có thể đi lại được. “Suốt hàng tháng trời chiến đấu, giữ chốt, khó khăn chẳng thể nào diễn tả hết. Mọi thứ đều thiếu thốn, đi lại vất vả, pháo của địch thì nã suốt ngày đêm. Thật sự, ký ức về những ngày tháng đó còn chưa xa. Đồng đội tôi người mất, người còn. Hằng năm, chúng tôi lại tụ về Vị Xuyên (Hà Giang) để thắp hương cho đồng đội”, thương binh Vũ Văn Cảnh nghẹn ngào hồi tưởng.

Một người con của quê hương Liêm Sơn (Thanh Liêm, Hà Nam) trở về quê hương với thương tật 91% - thương binh Phạm Minh Xuân, cũng không thể quên những ngày tháng chiến đấu gian khổ mà oanh liệt. Nhập ngũ vào năm 1977, ông được phân công nhiệm vụ tại Trung đoàn 66 - Sư đoàn 10, chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, chống nạn diệt chủng mà tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary gây ra. Ông Xuân cùng đồng đội đã vượt qua hàng trăm cây số núi rừng hiểm trở, nếm trải sự khắc nghiệt của mùa khô trong những cánh rừng khộp trên đất bạn, và trải qua nhiều trận chiến đấu ác liệt, nguy hiểm với quân địch. Trong một trận chiến, ông bị mảnh đạn xuyên từ mắt phải sang mắt trái, vĩnh viễn cướp đi ánh sáng. Sau nhiều lần điều trị, năm 1979, ông được đưa về an dưỡng tại Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam, đóng tại xã Liêm Cần (Thanh Liêm, Hà Nam). Trò chuyện với chúng tôi, thương binh Phạm Minh Xuân chia sẻ: “Hồi đó chúng tôi có một sự thôi thúc, lạ lắm. Tôi đã tình nguyện đi một lần, nhưng do chưa đủ cân nặng nên năm 1977 mới được chọn. Vào chiến trường rồi thấy rừng núi hoang vắng, chiến trường khốc liệt, quân địch man rợ, cũng có lúc ngại ngần. Nhưng nghĩ đến những đồng đội hy sinh, nghĩ đến nhiệm vụ nên lại chắc tay súng. Lứa đi cùng tôi ngày đó, cả tỉnh Hà Nam Ninh (trước đây) có 500 người thì trở về chỉ còn hơn 200 người”.

Hành trình sống lạc quan

Dù đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng, sinh hoạt khó khăn nhưng thương binh Phạm Minh Xuân vẫn sống lạc quan tại Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam. Nghị lực của ông làm rung động tâm hồn bà Hoàng Thị Xuân, là cán bộ phục vụ hậu cần tại trung tâm. Cảm phục, yêu mến, dù biết trước sẽ phải chịu nhiều khó khăn, trở ngại, thiệt thòi, bà Xuân vẫn đem lòng yêu thương và tình nguyện gắn bó cuộc đời với người thương binh nặng ấy. Họ về một mái nhà, nương tựa vào nhau, cùng trồng rau, cấy lúa, nuôi lợn, phát triển kinh tế gia đình. Vợ chồng ông sinh hạ được ba người con, đó là niềm vui cũng là động lực để ông bà cố gắng làm lụng, nuôi dạy con cái nên người.

Nhờ khả năng chơi đàn, hoạt động văn nghệ nên ông Xuân đã được một người bạn đưa đi học chữ nổi. Tiếp đó ông được cử đi học ba tháng sư phạm chuyên về chữ nổi để về dạy lại cho những người kém may mắn khác. Với nhiều thành tích trong hoạt động xã hội, năm 1997, ông Xuân được bầu là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Hà Nam và giữ cương vị đó cho đến nay.

Với thương binh Vũ Văn Cảnh, ký ức về những tháng ngày chiến đấu ác liệt, nguy hiểm lại tạo thêm nghị lực sống, giúp ông vượt lên những gian khó của cuộc sống đời thường. Ông bảo, phải sống sao cho xứng đáng với những đồng đội đã ngã xuống, không được may mắn trở về như ông. Hiện ông Cảnh sống cùng vợ và hai con, làm nhiệm vụ đưa thư ở phường Mỹ Đình 2, đồng thời là Trưởng Ban liên lạc các chiến sĩ Mặt trận Vị Xuyên tại Nam Từ Liêm. “Cuộc sống còn nhiều khó khăn. Vết thương thi thoảng vẫn kéo vẹo cột sống của tôi. Nhưng tôi được vợ và các con rất hiểu, thương và tận tình giúp đỡ. Tôi vẫn biết bản thân đã rất may mắn, nên trong các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa ở địa phương, đều cố gắng làm cho tốt”, ông Cảnh chia sẻ.

Cũng kinh qua trận mạc, thương binh Trần Quang Liệu, ở phường Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội), sau khi về lại đời thường đã không chấp nhận an phận hưởng sự chăm sóc của Nhà nước dành cho thương binh nặng, mà vẫn nỗ lực học tập, cống hiến. Năm 1971, ông Liệu xung phong nhập ngũ, đóng quân và chiến đấu ở chiến trường Bình Định. Trong một trận đánh, mảnh pháo bắn vào mặt khiến cả bên mặt trái và mắt trái của ông bị thương nặng, một phần khuôn mặt bị biến dạng. Chịu thương tật 81%, được đưa ra an dưỡng tại Trại xã hội Ân Thi (Hưng Yên), nhưng ở chẳng bao lâu ông xin về để thi đại học. Công sức bao ngày học hành đã được đền đáp. Tháng 11-1975, ông vui mừng khi nhận được giấy báo đỗ Khoa Toán - Trường đại học Tổng hợp. Ra trường, ông về dạy cấp hai tại quê gốc Hưng Yên, rồi chuyển sang dạy ở Long Biên. Ông Vũ Tiến Hưng, Chủ tịch UBND phường Sài Đồng (quận Long Biên), cho hay: “Khi nghỉ hưu năm 2009, vợ chồng ông Liệu tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, giúp đỡ cho con em đồng đội cũ, những mảnh đời bất hạnh. Ông còn sáng tác nhiều thơ, phổ nhạc các điệu dân ca để tổ dân phố biểu diễn văn nghệ quần chúng, phục vụ đời sống tinh thần của bà con”.

Dù cuộc sống còn khó khăn, vết thương vẫn đau nhức khi trái gió trở trời, nhưng họ đã chọn cho mình hành trình sống lạc quan, cống hiến, sống có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng. Những thương binh “tàn nhưng không phế” ấy đã góp phần tôn bồi, lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của người lính giữa đời thường.

Thương binh Phạm Minh Xuân luôn hăng hái tham gia nhiều hoạt động tại Trung tâm nuôi dưỡng thương bệnh binh nặng và điều dưỡng người có công tỉnh Hà Nam.

Với nỗ lực và tinh thần sống lạc quan, cống hiến, các thương binh nặng Vũ Văn Cảnh, Phạm Minh Xuân và Trần Quang Liệu vinh dự được mời trong số 500 thương binh nặng, mất sức lao động từ 81% trở lên, đại diện cho khoảng 12.000 thương binh nặng trên cả nước, về tham dự Hội nghị biểu dương Người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2019.