Balzac mất năm nào ấy nhỉ?
Chuyện gian nan tìm nơi thực tập nói sau. Nhưng trở lại lớp sau mấy tuần thực tập, tôi kể với bạn học: "Một sinh viên chạy đến, chìa chân phải đang rỉ máu ra bảo: Cháu va góc tủ. Tôi đờ người mấy giây. Ông thủ thư lúi húi giữa núi sách lập tức lấy hộp cứu thương vẫn cất ở đâu đó rồi kéo cậu sinh viên ra một góc, bôi bôi bó bó như y tá". Giảng viên môn "Ðón tiếp và hướng dẫn người sử dụng thư viện" vẫn đứng góc lớp nghe thảo luận, lên tiếng: "Còn nhiều tình huống bất ngờ nữa. Ngày nay người ta đến thư viện không chỉ để đọc và mượn tài liệu".
Một bà mẹ dẫn con trai 10 tuổi vào thư viện, hỏi: "Con tôi phải làm bài thuyết trình chủ đề kiến trúc. Cháu cần tài liệu về kiểu kiến trúc nào đó độc, lạ để bài thuyết trình thu hút hơn. Nhờ thư viện giúp".
- Cụ ông chậm rãi đến quầy thông tin, tháo kính, hỏi "Này, ông Balzac mất năm nào ấy nhỉ?" - Vẻ mặt trầm cảm, vai thõng, người đàn ông trung niên uể oải cất giọng: "Vợ tôi ốm cả năm nay rồi. Tôi đã cố chăm sóc và động viên cô ấy. Nhưng chính tôi cũng xuống tinh thần quá. Thư viện có khóa học, buổi nói chuyện hoặc loại sách nào phù hợp để vực dậy tinh thần không?" - Một phụ nữ trẻ khác buồn bã "Con tôi có vấn đề tâm lý hay sao ấy. Biểu hiện lạ lắm. Tôi chưa dám nói với ai, kể cả bố cháu. Làm ơn có thông tin gì giúp tôi..."…
Hơn 10 học viên lớp tôi phải lần đường trở về thủ đô tri thức của Ai Cập - học từ lịch sử thư viện cổ Alexandria thế kỷ thứ 3 (TCN) cho đến cách người ta làm ra giấy ở Trung Quốc, rồi ngay nước láng giềng Ðức chứ đâu xa- Johannes Gutenberg đã tạo ra máy in đầu tiên. Lý thuyết một chuyện. Phần lớn thời gian lên lớp chúng tôi phải đánh vật với hàng trăm tình huống giảng viên đặt ra.
Tình huống, tình huống và tình huống!
Giải pháp, giải pháp và giải pháp!
Người mai mối thông tin
Một lần thi vấn đáp, tôi gắp được câu hỏi: "Thư viện của tổ chức Chữ thập đỏ có gì đặc biệt?". Ðầu hình dung rõ cảnh nhân viên dịch vụ thư viện đặc biệt này giúp bệnh nhân chọn sách, phim, đĩa nhạc để thư giãn; tình nguyện viên của thư viện đến tận nhà thăm hỏi, trò chuyện với người cao tuổi đau yếu, trẻ em khuyết tật. Benny, học viên người bản xứ ngồi cạnh kể, anh đã đọc kỹ bài viết về thư viện trong nhà tù trên tạp chí chuyên ngành Meta, nên làm tốt bài thi. Benny vẫn xin giảng viên thêm ít phút để tranh luận: "Có hiệu quả không khi giám đốc một thư viện nhà tù chỉ cho mượn sách và CD chứ không cho mượn DVD vì muốn khuyến khích tù nhân tập trung đọc, nghe?".
Nhiều tình huống xảy ra ở thư viện, học viên nhìn nhau lắc đầu. Ðây là lúc giảng viên chỉ ra bản chất nghề: "Nhân viên thư viện cũng là người trung gian/mai mối thông tin. Không ai biết hết mọi thứ trên đời. Nhân viên thư viện không làm thay chức năng người khác, không đưa thông tin chưa được kiểm chứng chỉ để bảo đảm mình đã cung cấp thông tin. Nhiệm vụ của chúng ta là chỉ dẫn khách hàng cách thức tìm nguồn chính thống và giúp họ tiếp cận nơi tin cậy để hỏi".
Những giờ "Extra - muros", tức học đi đôi với hành, thăm thư viện, tôi không dám vắng mặt. Chúng tôi vào thư viện di sản văn hóa Hendrik Conscience ở thành phố Antwerpen, nơi có không gian cổ kính như phim Harry Porter. Ngước nhìn bức tường sách cao 10 m trong thư viện hiện đại Utopia tại thành phố Aalst, thầm hỏi đời mình đọc được bao mét sách rồi. Thú vị ngắm những chiếc máy nhận tài liệu tại thư viện: tài liệu được phân loại và chuyển qua băng chuyền; sách, băng đĩa rách hỏng chuyển vào thùng bọc vải chờ mang đi sửa.
Tôi rất thích không gian ấm áp, gần gũi ở thư viện công cộng HaBoBib của thị trấn Haacht. Cứ nấn ná trong không gian Bib en Babbel (thư viện và trò chuyện) nơi người cao tuổi, người cô đơn, dân nhập cư muốn thực hành tiếng và hòa nhập cuộc sống có thể đến trò chuyện trong hai giờ đồng hồ, miễn phí. Trong phòng trẻ em có chiếc ghế bành êm ái để tác giả ngồi đọc tác phẩm cho độc giả nhí nghe. Kế đó là không gian Bác sĩ công nghệ số: các chuyên gia đến giúp người cao tuổi hoặc người kém công nghệ cách sử dụng máy tính, điện thoại, cách trả tiền điện nước qua internet... Khoảng sân cỏ rộng bên ngoài thư viện Sint-Katelijne-Waver chỉ chờ mùa hè đến là chiếu phim tối cuối tuần. Cha mẹ con cái vác cả chăn gối đến ngồi, nằm xem. Tôi nhớ một gia đình lưu học sinh Việt ở Pháp từng kể điều kiện kinh tế không dư dả, cuối tuần họ hay chọn thư viện để giải trí. Nhân viên thư viện tham gia hướng dẫn chúng tôi tâm đắc: "Bộ gene DNA của thư viện là chia sẻ. Tôi rất vui được làm ở nơi tạo điều kiện cho đối tượng muốn chia sẻ và đối tượng muốn tiếp nhận gặp nhau".
Gian nan tìm nơi thực tập
Tôi có phần sốc khi cầm giấy giới thiệu của nhà trường gõ cửa các thư viện xin thực tập.
Những học viên nhiều kinh nghiệm, đọc trước tóm tắt nội dung các môn học, biết có yêu cầu thực hành nên gõ cửa thư viện quen biết để giữ chỗ trước cả năm. Còn hai tháng nữa phải thực tập, tôi đến thư viện gần nhà hỏi, nhận câu trả lời: "Rất tiếc có người xin rồi." Ðành chạy xuống thư viện thành phố cách nhà gần chục cây số, nhân viên trực liếc qua giấy giới thiệu, lạnh nhạt: "Lúc này chúng tôi không có người hướng dẫn thực tập đâu. Mong cô thông cảm". Vào thư viện một bệnh viện lớn, nghĩ bụng người ta cần giúp bệnh nhân nữa, cơ hội sẽ cao hơn. Cũng lắc đầu: "Chúng tôi nhiều tình nguyện viên rồi. Không có chỗ cho thực tập nữa". Thêm năm, bảy nơi khác cũng không ăn thua.
Hơn nửa lớp kêu ca không tìm được nơi thực tập. Giảng viên chỉ gợi ý kiếm thêm chỗ này, vùng kia xem sao, cố gắng lên. Chính họ đang làm việc ở thư viện, nhưng không nghe ai nói nếu khó quá sẽ giúp cho vào những nơi này để thực tập. Một người bạn khuyên tôi viết thư bày tỏ ý nguyện xin thực tập. Viết thống thiết vào, phải thuyết phục như thư xin việc ấy, may ra. Tôi viết rõ nguồn gốc Việt Nam, rất mong học nghề này để hiểu xã hội mới và hòa nhập cuộc sống tốt hơn. Quả nhiên tác dụng. Năm thư viện hồi âm bằng lời lẽ đầy quan tâm, chia sẻ. Nhưng câu trả lời vẫn "rất tiếc thư viện đang giai đoạn tu sửa", "đang nhận giúp đỡ người khuyết tật học nghề nên không còn thời gian và chỗ cho thực tập".
Người bản xứ khi gặp thường hỏi "Chào bạn. Mọi việc ổn chứ". Tôi, đầu óc chỉ bấn loạn chuyện không tìm được chỗ thực tập, một lần đã trả lời thế này "Vâng, chào cô. Tôi không ổn tí nào. Tôi đang có vấn đề này...".
Hãy nói ra vấn đề của mình, ở cả tình huống chào hỏi xã giao, biết đâu có người giúp được bạn. Ðó là trường hợp của tôi. Lúc chờ đón con ở cổng trường, nghe tôi nói không ổn vì không tìm được nơi thực tập, mẹ của bạn cùng lớp con tôi tỏ vẻ thông cảm: "Tình trạng chung đấy. Bây giờ người học nhiều mà chỗ thực tập ít. Nhưng để tôi về hỏi anh rể của tôi xem nhé". Cô không hứa hẹn gì, cũng không nói anh rể cô là ai. Tôi nào dám hỏi cụ thể, về nhà gửi luôn bức thư xin thực tập viết thống thiết kể trên cho cô. Chừng một giờ sau, hộp thư điện tử báo có thư mới "Chào cô, tôi là H. Van Hoeve, quản lý thư viện Z thuộc Trường cao đẳng S. Nghe nói cô đang tìm nơi thực tập. Nhưng tôi muốn chúng ta gặp trực tiếp và trao đổi trước khi quyết định. Hãy liên hệ với tôi theo số điện thoại...".
Tôi có chỗ thực tập một cách bất ngờ như thế đó. Mãi sau mới biết anh rể của cô bạn kia là Tổng Giám đốc hệ thống tám trường cao đẳng S. Kết thúc thực tập, tôi xin làm tình nguyện viên lâu dài cho thư viện, mong không phụ lòng người giới thiệu và tin tưởng này. Món quà cảm ơn duy nhất tôi nhờ cô bạn chuyển cho anh rể là cuốn lịch mua ủng hộ quỹ "Cơm có thịt" gửi từ Việt Nam sang. Học viên trở lại lớp báo cáo kết quả thực tập, giảng viên mới nói: "Quá trình các bạn phải tự tìm thông tin và thuyết phục được nơi thực tập nhận vào, chúng tôi đã cho các bạn 50% điểm thực hành rồi".
Cửa ải thực hành đã qua, ngày mai gõ cửa xin việc lại là câu chuyện gian nan khác.