Đời hoa, đời người
Chớm đông, những con đường se sắt heo may, nhưng ở một góc phố ngang qua, có thể bất ngờ cảm nhận được làn hương rất thu của Hà Nội. Nghe bảo, năm nay được mùa hoa hoàng lan, bà nội hẳn sẽ vui lắm khi biết được tin này. Cứ mỗi độ vào thu, bà nội thường thủ thỉ: “Mùa này hoàng lan thơm mà tươi lắm, mấy đứa đi chợ, nhớ ghé Hàng Khoai, chọn lấy đĩa hoa tươi cho bà nhé!”. Đã thành lệ rồi, bà luôn dặn dò con cháu câu các cụ ngày xưa hay nói: “Hàng hương hàng hoa là quà cúng Phật”. Gia đình cũng vẫn giữ nếp ngày tuần mua đĩa hoa tươi thắp lên ban thờ tỏ bày lòng thành kính.
Xưa còn sức, bà thường lẩy câu “Ngày rằm đi chợ mua hoa/ Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua…” để kể về cái sự cầu kỳ trong chọn lựa vật phẩm dâng cúng. Giờ sức đã mòn, không còn đi chợ đường xa được, nhưng bà vẫn luôn ngóng hỏi con cháu về người bán hoa quen thuộc ở dốc Hàng Khoai.
Người gốc làng Ngọc Hà bán hoa đĩa xưa thì chắc cả Hà Nội chỉ còn bà Thu thôi (ảnh phải). Mà cũng thật khéo, đã hàng chục năm trời bà ngồi bên gốc cây cổ thụ ở một góc phố cổ có tiếng nhộn nhịp, bán mua đủ các loại sắc hương, hoa Đà Lạt hay hoa nhập ngoại, hoa tươi hay hoa giả đều có cả… Những giỏ hoa khiêm nhường như chủ nhân vẫn lặng lẽ tỏa hương nơi góc phố.
Bà Thu họ Phan,“xêm xêm” tuổi bà nội tôi, đã gắn bó với gánh hoa được hơn 60 năm. Hà Nội 12 mùa hoa, bà cũng trọn vẹn 12 tháng không bỏ buổi chợ nào. Mùa xuân, gói hoa của bà có hoa bưởi, hoa nhài. Tháng 4 đến tháng 7, bà chọn móng rồng, lan tây, ngọc lan, hoa nhài và mẫu đơn…
Khách của bà thường là những người thuộc cùng thế hệ, hoặc cũng là những người yêu hoa và hoài cổ. Như chị Vĩnh Quyên, làm lãnh đạo của một cơ quan báo chí lớn, rất bận rộn nhưng vẫn giữ cho mình thói quen, mùa nào cũng thường bày trên bàn làm việc mấy bông hoa thật tinh khôi. Mỗi khi áp lực công việc mệt mỏi, chị lại nhắm mắt hít thật sâu hương hoa dịu dàng, để thấy hơi thở như dịu êm trở lại.
Gánh hoa của bà Thu trước kia ở góc bên hông cạnh chợ Đồng Xuân, rồi thời buổi đất chật người đông, tấc đất ở phố cổ cũng quý, bà bị người ta đuổi không cho bán. May sao tìm được chỗ ngồi ở dốc Hàng Khoai, không quá xa để khách cũ vẫn tìm về được. Hỏi bà, làng Ngọc Hà giờ đã không còn là làng hoa, sao bà vẫn đau đáu với nghề gói hoa này? Bà chỉ cười, nghề cũng chọn người đấy. Cũng vì bện cái mùi hương hoa này mà đã thử sang nghề khác rồi không đành, lại quay về với hoa… Dù cho gánh hàng hoa ấy khó mà nuôi đủ năm người con, ba gái, hai trai của bà.
“Thuở làng hoa Ngọc Hà còn “thịnh”, nhà bà có hẳn khu vườn chỉ trồng hoa hồng quế, bông bé tẹo thôi, nhưng mà thơm lắm. Đến giờ, mất hẳn giống rồi, tiếc lắm!”, bà Thu canh cánh hoài niệm về ruộng hoa, về một phần truyền thống của làng hoa đã mất đi do “thời thế, thế thời”. Năm tháng biến thiên, lạ là bà Thu luôn bền bỉ tin rằng, gánh hoa của mình sẽ không bị “ế”. Bởi dẫu sao, cuộc đời không thể thiếu đi những con người muốn nuôi dưỡng miền ký ức từ chính những cánh hoa mỏng manh này. “Lớp trẻ như các cháu, rồi cũng sẽ trân quý cái nếp hương xưa cũ, sẽ không vô tình khi ngang gánh hàng hoa đâu”, bà Thu vừa đơm hoa cho tôi vừa mỉm cười nói.
Tạm biệt bà, nhìn bóng bà lụi cụi bên gốc cây, nhớ tiếng thở dài khi bà nói: “Gở miệng, lỡ mai tôi nằm xuống, con mà không theo, chắc gánh hàng hoa này cũng mất!”. Thầm mong, cô con gái thứ ba của bà sẽ theo nghề, giữ cho gánh hàng hoa được “sống”…
Hương thời gian
Phố Phan Đình Phùng với hai hàng cây đại thụ vươn cao luôn rợp bóng đã trở thành con đường đẹp nhất của Hà Nội, luôn được chọn làm điểm “check in” mỗi khi giao mùa. Xuôi về bốt Hàng Đậu, bên tay phải giữa tấp nập các cửa tiệm hiện đại, bất chợt gặp một ô cửa kính có biển hiệu bằng gỗ nho nhỏ ghi Nhã Anh. Nào mâm đồng, lọ đồng cắm hoa lúa, nào chậu cây xanh mát bên những đồ trang trí dễ thương…, chỉ cần liếc qua ô cửa đã đủ khiến du khách bật lên câu hỏi: Nhã Anh bán gì nhỉ?
Và chỉ cần đẩy cửa bước vào, mọi suy tư phỏng đoán sẽ được xua tan bởi ngay cả với người “nhạt khứu giác nhất” cũng nhận thấy hương đặc trưng của những loài hoa xưa cũ, có những bông hoa chính người trẻ đôi khi còn không gọi được tên.
Chị chủ cửa tiệm tên Nhã, là Trần Nhã Thanh (ảnh trái). Không sinh ra tại làng hoa, lại tốt nghiệp đại học ngành Xã hội học ở nước ngoài, ấy vậy mà từ mười năm trước, chị Nhã Thanh lại chọn khởi nghiệp với các sản phẩm dược liệu làm tại nhà sử dụng nguyên liệu bản địa không hóa chất để giúp chữa trị những bệnh thường gặp mà không phải lệ thuộc thuốc Tây. Sau đó, chị cứ mở rộng ra các món liên quan đến nhu cầu sức khỏe thể chất của mẹ và bé.
“Cuộc chơi” với hoa đĩa chỉ mới bắt đầu từ ba năm nay, nhưng cũng mất đến hai năm, chị Nhã Thanh bao tiêu cho các nhà cung cấp, để họ chăm sóc và thu hoạch cây hoa. Vì mấy loại hoa này lạ lắm, chỉ một hai năm không hái, không chăm nó sẽ tự lụi tàn, không ra hoa nữa. Cái máu của “dân học xã hội” khiến cho việc kinh doanh không chỉ là tạo nên lợi nhuận thuần túy. Mà hơn cả, động lực nằm ở việc làm sao tạo thêm sinh kế bền vững cho nhà nông cũng như làm sao để những cô con gái nhỏ lớn lên thẩm thấu được những bài học về giá trị văn hóa gia đình, nếp nhà truyền thống, thói quen tâm linh và cảm thụ thẩm mỹ …
Đầu tư tâm sức, thời gian vào một sản phẩm dường như bị quên lãng, trong mắt nhiều người, chị Thanh thật chẳng khác gì “người lập dị”. Thế mà tiệm hoa nho nhỏ trên phố Phan Đình Phùng lại “sống tốt”. Giờ thì cái tên Nhã Anh đã không còn xa lạ với người dân đô thị, chỉ cần nhìn cách thức bao gói hoa đầy sáng tạo và nâng niu là người ta biết hương hoa ấy từ đâu?
Cái tài tình trong nắm bắt tâm lý trở thành lợi thế trong kinh doanh của Nhã Thanh. Hương hoa tự nó đã lan tỏa, nhưng cô chủ rất biết cách đưa sản phẩm Nhã Anh đi xa hơn qua mạng xã hội. Người ta không cần đi chợ chọn hoa nữa, ngồi nhà lướt Facebook, gọi một cuộc điện thoại là hoa được gửi tới. Bao gói không còn đơn giản chỉ là lá dong, buộc lạt, mà phải là giỏ mây, hộp gấm, buộc trong khăn in hoa, thêu tên. Những lẵng, giỏ hoa tự khi nào trở thành món quà tinh khiết được dành tặng cho nhau. Với Nhã Thanh, hoa đĩa không chỉ là sản vật thiên nhiên cao quý trang trọng để cúng dường mà còn là sự gắn bó, gợi dẫn về tuổi thơ và ký ức êm đẹp của đời người. Vậy nên, hương hoa ấy dễ khiến người ta thấu cảm, rung động làm sao… Gắn bó với hoa đĩa, khiến Nhã Thanh thêm yêu Hà Nội, trân quý truyền thống, những giá trị tinh thần của dân tộc và như một cái duyên, Nhã Anh trở thành điểm kết nối với những con người có cùng một giá trị sống, yêu thiên nhiên và ý thức trong chăm sóc đời sống tinh thần.
Đôi khi lại bắt gặp trên Facebook cá nhân của cô chủ một hình ảnh dễ thương như kiểu một chị khách hàng đang tham gia giải chạy vẫn dừng lại trước cửa hàng, mua hoa và buộc vào cổ tay. Cứ thử tưởng tượng xem, chạy giữa mùa thu Hà Nội và hương hoa hoàng lan quấn quít bên mình thì còn gì tuyệt vời hơn nữa! Hay như, mới đây Nhã Anh còn có duyên đón được một vị khách đặc biệt. Đó là nữ đạo diễn tài danh Nguyễn Thị Xuân Phượng, vốn thuộc dòng dõi Hoàng tộc, trong một lần ra Hà Nội đã nhất định phải ghé đến tận nơi, để được tìm lại sự tinh tế của hương hoa kinh kỳ xưa. Cụ đã ở tuổi 91 nhưng vẫn còn minh mẫn vô cùng, và một trong nhiều bí quyết cụ chia sẻ cùng cô chủ trẻ, chính là lòng yêu cuộc sống, yêu cái đẹp không bao giờ vơi cạn.
Với Nhã Thanh, niềm vui từ cửa hàng nhỏ được gói gọn trong một ý niệm, Nhã Anh mang đến sự an trú cho tâm hồn. Rời một khoảng trời ướp hương hoa, tôi nhủ lòng, mong có lúc đưa được bà nội đến nơi này. Và cũng muốn nói với bà Thu, rằng nghề hoa của bà sẽ không bao giờ thất truyền. Chỉ cần có niềm yêu, hương hoa sẽ còn mãi 12 mùa!