Hướng về nguồn cội

Luôn hướng về quê hương, đất nước, đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, nhiều năm trở lại đây, ông Hồ Văn Lâm sống ở tỉnh Udon Thani (Thái-lan) đã không ngừng phấn đấu, tích cực tham gia hoạt động của cộng đồng, trở thành một kiều bào gương mẫu, một doanh nhân thành đạt…

Ông Hồ Văn Lâm (thứ tư, từ trái qua) cùng bà con kiều bào đến thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tỉnh Udon Thani.
Ông Hồ Văn Lâm (thứ tư, từ trái qua) cùng bà con kiều bào đến thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tỉnh Udon Thani.

Tháng 8 dâng hương nhớ Bác

Đã thành mốc thời gian ghi nhớ và đáng tự hào, mỗi dịp tháng 8 về, bà con kiều bào ở vùng đông bắc Thái-lan nói chung và tỉnh Udon Thani luôn có tâm trạng háo hức, mừng vui. Họ vui với tinh thần chiến thắng của Cách mạng Tháng Tám, của Quốc khánh 2-9. Và năm nay, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, niềm vui đó như lại được nhân lên. Khu tưởng niệm Người tại làng Noỏng Ôn, xã Xiêng Phin, huyện Mương, tỉnh Udon Thani trở thành điểm hẹn thiêng liêng để bà con kiều bào tìm về tỏ lòng kính yêu, tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc.

Ngày 19-8 năm nay, ông Hồ Văn Lâm cùng nhiều kiều bào khác đến thắp hương dâng Bác. Ông Lâm chia sẻ, dù sinh ra và lớn lên ở Thái-lan nhưng ông cũng như nhiều thế hệ kiều bào khác vẫn mang trong mình dòng máu Việt, nguồn cội Việt nên luôn có tình cảm đặc biệt hướng về Bác, hướng về quê hương, đất nước. Và với riêng ông Lâm, mỗi khi về với làng Noỏng Ôn là mỗi lần trong lòng lại nhớ về người mẹ của mình.

Bà Lương Thị Vị, mẹ ông Lâm là người gốc ở tỉnh Quảng Bình, từ nhỏ sang Thái-lan sinh sống bằng nghề nông ở làng Noỏng Ôn. Ngày còn bé, dù ông và cả gia đình sinh sống ở Nong Khai, ông Lâm và các anh chị em trong nhà luôn được mẹ truyền lại những câu chuyện về Bác Hồ ở làng Noỏng Ôn, về tình cảm sâu đậm của người dân trong làng với Bác và của Bác dành cho người dân nơi đây. Cứ như vậy, ý thức về dân tộc, lòng yêu nước và luôn hướng về Tổ quốc được đắp bồi, nuôi dưỡng trong gia đình ông.

Như nhiều gia đình kiều bào khác ở vùng đông bắc Thái-lan, gia đình nhà ông Lâm cũng từng trải qua thời kỳ gian khó, thăng trầm khi sinh sống và lập nghiệp nơi đây. Trong thời gian chiến tranh Đông Dương, sau khi lập gia đình với bà Vị, ông Hồ Văn Tuân, quê ở Thừa Thiên - Huế (bố ông Lâm) chuyển cả gia đình đến sống tại tỉnh Nong Khai. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn khiến vợ chồng ông Tuân phải xoay xở đủ nghề để kiếm sống, nuôi tám người con, khi làm thợ vàng, lúc gánh nước thuê rồi sau cùng chuyển qua mở quán bán món ăn truyền thống của Việt Nam. Món nem nướng mang hương vị Huế, hương vị Việt ấy không chỉ giúp cuộc sống gia đình được cải thiện mà còn khiến cho tên tuổi của gia đình ông Tuân, bà Vị được biết đến ở đất Thái-lan từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Ông Hoàng Ngọc Sơn - Tổng lãnh sự Việt Nam tại Khỏn Kèn cho biết, gia đình ông Tuân, bà Vị luôn có tấm lòng đoàn kết, chia sẻ khó khăn cùng cộng đồng kiều bào và luôn hướng về quê hương, đất nước bằng những việc làm rất ý nghĩa, thiết thực. Truyền thống đó đang được những người con của ông bà, nổi bật là ông Hồ Văn Lâm noi theo và phát triển.

Bảo tồn, phát huy giá trị Việt Nam

Kế tục nghề làm nem nướng truyền thống của gia đình, ông Lâm cùng một số anh chị em trong gia đình đã từng bước gây dựng và không ngừng đưa thương hiệu nem nướng VT Namnueng phát triển. VT Namnueng mang ý nghĩa: V (tên của mẹ, bà Lương Thị Vị), T (tên của bố, ông Hồ Văn Tuân), Namnueng là nem nướng. Trong ý thức của ông Lâm, nhớ về bố mẹ, ông bà, tổ tiên cũng chính là nhớ về nguồn cội.

Với tay nghề thợ tiện lâu năm, ông Lâm bỏ ra nhiều thời gian, công sức mày mò nghiên cứu chế tạo thành công hệ thống sản xuất nem nướng theo mô hình hiện đại, tiện ích, bảo đảm vệ sinh, với công suất lên đến 30 tấn mỗi ngày. Đến nay, hệ thống VT Namnueng hiện có mặt trên 20 tỉnh, thành phố lớn của Thái-lan, đưa VT Namnueng trở thành biểu tượng ẩm thực của người Việt trên đất Thái.

Cách đây bốn năm ông Lâm đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng Trung tâm thương mại VT Namnueng hiện đại với quy mô rộng gần 7 ha. Điểm đặc biệt là Trung tâm tổ chức sự kiện VT Namnueng tại Udon Thani được thiết kế, bài trí mang đậm đặc trưng văn hóa Việt Nam. Và đến nay, nơi đây trở thành điểm trưng bày, giới thiệu và chào bán nhiều mặt hàng không riêng của Việt Nam mà còn của cả Thái-lan.

Vừa chăm lo phát triển kinh tế gia đình, trong những năm qua, ông Lâm còn tích cực tham gia vào các tổ chức, các hoạt động đoàn kết, kết nối kiều bào, mở rộng giao thương làm ăn giữa các doanh nghiệp. Từ đó, ông đã được tín nhiệm bầu giữ các vị trí như Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái - Việt Nam. Ở vai trò, vị trí nào, ông Lâm cũng đều thể hiện được tinh thần đoàn kết, thúc đẩy các hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm giữa các doanh nghiệp Việt Nam và vùng đông bắc Thái-lan cũng như với quốc gia khác. Cá nhân ông Lâm nói riêng và Hiệp hội doanh nhân Thái – Việt Nam cũng có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước, đặc biệt có nhiều sẻ chia đối với đồng bào trong nước những khi phải hứng chịu thiên tai, bão lũ.

Bên cạnh những đóng góp tích cực cho sự phát triển của cộng đồng người Thái gốc Việt tại Thái-lan, ông còn có nhiều đóng góp cho xã hội Thái-lan, theo đó đã tạo được ảnh hưởng nhất định đối với chính quyền sở tại, giúp nâng cao hình ảnh cộng đồng người Thái gốc Việt tại Udon Thani nói riêng và Thái-lan nói chung. Bằng khen của Tỉnh trưởng Udon Thani dành cho ông Hồ Văn Lâm vì đã có công trong việc xây dựng và phát triển kinh tế tỉnh Udon Thani là một ghi nhận nhiều ý nghĩa.

Với những hoạt động tích cực trong thời gian qua, ông Hồ Văn Lâm được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Ông cũng nhận được giấy khen của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Vương quốc Thái-lan vì có thành tích nổi bật, đóng góp cho công tác cộng đồng và công tác của đại sứ quán.