Trời phú cho Thanh Hóa một vùng thiên nhiên kỳ thú, quanh năm khí hậu ôn hòa - một Sa Pa thu nhỏ - Pù Luông, có độ cao 1.700 m so với mực nước biển, rất gần với vườn quốc gia Cúc Phương; đặc biệt là ở ba bản Son-Bá-Mười, xã Lũng Cao, quanh năm thời tiết chỉ trên dưới 20 độ C.
Nhắc đến hai từ Pù Luông, là gợi nhắc một khung cảnh với tầng tầng lớp lớp mây lững lờ trôi giữa hai dãy núi đá chạy song song, nhìn xuống những bản làng xinh xắn bao quanh bởi những đồng lúa, những nương ngô, dãy sắn và các cánh rừng mướt một mầu xanh mát mắt. Rồi những cánh ruộng bậc thang tạo nên những cung bậc mềm mại, đẹp như tranh, những con thác, những dòng suối trong xanh nhìn rõ từng con cá bơi lội, những viên sỏi xinh xắn, những thác nước ấy, dòng khe, suối ấy tha hồ cho trai gái đua nhau bơi lội...
Pù Luông được ví như một Sa Pa thu nhỏ.
Nói trở lại Pù Luông không phải chuyện cách đây năm bảy tháng hay đôi ba năm, mà đã ngót sáu mươi năm kể từ ngày tôi đến và ở lại đây một thời gian. Hồi ấy tôi còn trẻ lắm, chưa đến tuổi hai nhăm, là trợ lý của Ban Chính trị Tỉnh đội Thanh Hóa. Tôi được cử đi các huyện nắm tình hình. Để tiện đi lại, cơ quan cấp cho tôi cái xe đạp, đúng ra là mượn của Ban Hậu cần, khi trở về phải trả lại. Anh Hanh, Trưởng Ban Hậu cần còn đe tôi: “Cậu đi không cẩn thận mà bị hỏng thì lần sau đừng mượn”. Biết thế nào là cẩn thận? Hồi ấy các hiệu sửa xe đạp rất hiếm, chỉ ở các thị xã, thị trấn mới có, nhất là đi miền núi mà bị hỏng xe dọc đường thì vô cùng cực khổ. Tôi quen một anh thợ sửa xe đạp là bạn đá bóng phủi đường phố ở thị xã nên lân la đến hỏi, anh ấy bảo: Cái xe đạp chứ có phải con người đâu mà biết lúc nào ốm đau để đề phòng, đang đi nó thủng săm, sang vành, tuột xích... ai mà lường trước cho được. Tao cho chú mượn mấy thứ để nhỡ có hư hỏng dọc đường thì sửa. Vậy là anh cho tôi một ít nhựa tự chế từ mủ cao-su, một miếng săm cũ, một cái nạo săm, và cho mượn một cái kìm, một cái cờ-lê. Thật là sự giúp đỡ hữu hiệu.
Lần ấy tôi được cử lên Quan Hóa, Bá Thước nắm tình hình một số xã trọng điểm. Đường sá hồi bấy giờ lởm chởm, lồi lõm đầy những ổ gà và cả ổ trâu đằm, đi xe đạp không cẩn trọng thì không chỉ hỏng xe mà còn hỏng cả... người. Các anh ở Huyện đội Bá Thước đưa tôi về vùng Pù Luông, nơi đây hẻo lánh, đường sá đi lại khó khăn, đời sống của bà con đồng bào các dân tộc cũng còn nhiều vất vả, bọn người xấu dễ trà trộn, kích động. Tôi phải gửi xe đạp rồi cùng với cán bộ Huyện đội cuốc bộ lên xã Cổ Lũng, nơi đây, thời kháng chiến có bệnh viện chữa trị cho thương binh từ các mặt trận Tây Bắc, Hòa Bình và bên Lào chuyển về. Tôi có một kỷ niệm vui vui. Khi ở nhà ông trưởng bản ở Cổ Lũng, nhà này cũng khá đông con, hai người con trai lớn lấy vợ ra ở riêng, còn lại cô con gái thứ ba và sau cô là ba người em nữa. Năm ấy cô con gái khoảng mười sáu, mười bảy tuổi thôi, nhưng có vẻ quyến luyến tôi lắm, vợ chồng ông trưởng bản biết nhưng lờ đi, coi đấy là chuyện bình thường. Một hôm cả nhà đi vắng tôi ở nhà đang ghi chép tình hình thì cô đi làm trên nương về giữa buổi. Cô ấy rót một bát nước chè đem đến cho tôi rồi ngồi ghé xuống bên cạnh, tôi hoảng lắm, thời ấy quan hệ nam nữ chưa nói là bất chính mà chỉ không rõ ràng đã ngang với tội tham nhũng ngày nay, tôi vội ngồi nhích xa, vì tôi đã có vợ con. Thấy tôi cặm cụi ghi chép, cô ấy nắm lấy tay tôi và bảo: “Bộ đội ơi, thương em đi, cho em về xuôi với, no đói khổ sở em không sợ chỉ cần cái bụng anh thương em là vui cái bụng em rồi”. Tôi gỡ tay cô ra và bảo: “Mình có vợ và có con rồi, không thương em được đâu, Bấn đừng làm thế mình bị phê bình đấy”.
May sao lúc ấy ông trưởng bản bước lên cầu thang, cô ấy cũng không tỏ ra e ngại mà vẫn ngồi nguyên đấy, còn ông bố lại tươi cười nhìn chúng tôi như chẳng có gì phải quan tâm. Sợ có diễn biến phức tạp, thế là sáng hôm sau tôi phải chuyển đến xã Lũng Niêm, khi cô gái đã đi vào nương. Thấy tôi chuyển đi, ông trưởng bản bảo: “Sao bộ đội không ở lại chờ cả nhà về ăn bữa cơm liên hoan rồi hẵng đi?”. Tôi phải nói thác: “Công việc ở đây tạm ổn rồi, tôi phải sang Lũng Niêm rồi còn đi các xã khác, bác cho tôi gửi lời chào bác gái và các em, có dịp tôi sẽ quay trở lại”. Thế mà đã ngót sáu mươi năm qua đi, cô Bấn ngày xưa có còn bây giờ cũng đã ngót tám mươi.
Pù Luông là Khu bảo tồn Thiên nhiên sinh thái quốc gia với diện tích hơn sáu nghìn héc-ta, thuộc hai huyện Quan Hóa và Bá Thước. Nơi đây có nhiều động vật, thực vật quý hiếm, có nhiều hang động, có cảnh quan đẹp nên mấy năm gần đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Cách xa những ồn ào phố thị, vùng đất này còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống hấp dẫn, như nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái… Nằm sâu trong vùng lõi Pù Luông có bản Kho Mường vẫn giữ được vẻ nguyên sơ, mộc mạc đầy thơ mộng. Nơi đây có một hang cổ, đặt tên là hang Kho Mường, dài gần ba cây số. Theo các nhà nghiên cứu, hang được hình thành khoảng 250 triệu năm, có mối liên hệ với hệ thống sông ngầm, tạo ra sự kết nối giữa các thung lũng bằng các dòng chảy. Trong hang có nhiều nhũ đá tạo nên những hình thù kỳ thú. Vùng thiên nhiên sinh thái Pù Luông còn có nhiều thác nước khá hấp dẫn như thác Hiêu ở xã Cổ Lũng, thác Muốn ở xã Điện Quang ở độ cao 500 m so với mực nước biển, dòng nước giội xuống chảy vào thung lũng tràn qua 43 tầng thác lớn, nhỏ, cao, thấp rồi mới chảy ra sông Đại Lạn, nhập vào dòng sông Mã hùng vĩ.
Đứng ở bản Đôn trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nhìn xuống thung lũng, sau cơn mưa rào đêm, một mầu xanh trải dài tít tắp, trên những con đường cắt ngang dọc thung lũng, từng đoàn bạn trẻ trên những chiếc xe máy phân khối lớn đi “phượt” từ Hà Nội vào, từ Hòa Bình sang, từ thành phố Thanh Hóa lên... trông như cả một dải hoa với nhiều mầu sắc liên tục di chuyển trên cái nền mầu xanh của lúa, của ngô, sắn… tôi thấy trong lòng rộn ràng một niềm vui khó tả.
Đêm ở bản Đôn tôi hơi khó ngủ, ra hành lang nhà khách nhìn về các hướng thấy ánh đèn điện lấp ló trong màn đêm yên tĩnh mà thấy lòng trào dâng niềm xúc động. 60 năm trước dù tôi có sức tưởng tượng đến như thế nào cũng không dám nghĩ đến một ngày nơi đây sẽ có điện lưới quốc gia... Sáng hôm sau, chúng tôi đi ngắm thác Hiêu. Ở đây chúng tôi gặp khá nhiều du khách nước ngoài cuốc bộ. Họ góp phần làm cho cuộc sống, cảnh sắc nơi này trở nên sinh động. Trong hành trình, chúng tôi ghé qua chợ Lũng Niêm. Ngôi chợ xưa lụp xụp, nghèo nàn, giờ đã là phố chợ Lũng Niêm, có đủ các cửa hàng, kể cả cửa hàng điện tử, điện lạnh, hàng công nghệ, không thiếu thứ gì.
Tạm biệt Pù Luông đúng vào chính ngọ, nắng trong vàng óng trải dài trên các ruộng lúa bậc thang, gió ngàn xôn xao trên những cánh rừng ven đường, tôi lưu luyến vẫy chào Pù Luông như chia tay một người bạn, lòng vẫn thầm mong có ngày được trở lại, để được thấy những bản mường nơi đây ngày một thay da đổi thịt.