Những lựa chọn ở Nậm Đăm

Lý Văn Quang nói đang hoàn thiện thêm một dãy nhà bungalow, ngoài bốn căn bungalow (kiểu nhà một tầng phổ biến ở các khu nghỉ dưỡng) đang hoạt động. Mô hình bungalow của cậu có vẻ hút khách. Cuộc khởi nghiệp của anh chàng người Dao làng văn hoá Nậm Đăm (huyện Quản Bạ, Hà Giang) có vẻ rất khả quan, ngay cả vào cái “năm Covid” đang khiến cả ngành du lịch điêu đứng.

Một người phụ nữ trong xưởng HTX cộng đồng.
Một người phụ nữ trong xưởng HTX cộng đồng.

1. Bungalow của Quang nằm ngay đầu làng. Trước đây bố cậu cũng kinh doanh theo mô hình homestay với nhà sàn như nhiều căn nhà khác ở đây. Dãy phòng mới nằm trên một ngọn đồi, giữa một rừng tre trúc, nhìn ra cả khu rừng thông và có ruộng bậc thang rất đẹp phía dưới. Quang tỉ mỉ đặt một bộ bàn ghế trên bãi cỏ xanh, khách đến cậu đều có cà-phê miễn phí để họ nhâm nhi ngắm hoàng hôn từ sau nhà. Trước nhà, cậu làm cả một khu đốt lửa trại.
  
Lý Văn Quang tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm Thái Nguyên, từng đi Israel du học theo mô hình vừa học, vừa làm. Cũng có một vài cơ hội làm việc nơi khác, nhưng về nhà là lựa chọn đầu tiên. Trở về, bố cậu bảo hết tiền rồi, không đủ sức để xin cho cậu vào một cơ quan nào hoành tráng đâu. Vậy là cậu đem số tiền tiết kiệm mấy năm, nhận thêm sự hỗ trợ của bố mẹ, mở rộng dịch vụ đón khách. Người ta đổ nhau làm homestay nhà sàn, cậu làm bungalow, có cả bể bơi, với giá phòng cao hơn. Bố cậu bảo nhà cũng có từng đấy thôi, cứ làm đi, thất bại thì vẫn còn dãy nhà sàn đấy. Nhà Quang trước đó cũng làm homestay, theo trào lưu homestay từ khi Nậm Đăm mới mở. Bố mẹ Quang có cách đón khách rất đặc biệt. Dù chỉ là khách tình cờ ngang qua, cả hai vẫn rất nhiệt tình đón tiếp, mời ăn hoa quả. Mẹ Quang bảo để lần sau người ta sẽ nhớ mình mà quay lại với mình. 

Cả thời sinh viên mê “phượt”, Quang mang hết những kiến thức học được từ những nơi cậu đến để trang trí cho khu nhà của mình. Hôm ở nhà cậu, hỏi bố cậu, rằng liệu cậu đã có thể trả nợ bố mẹ chưa, bố cậu bảo chắc còn lâu. Nhưng ông tự hào về cậu con trai, mọi điều đều để cậu quyết định, ngay cả khi ông thấy việc đó là liều lĩnh. 

2. Nậm Đăm là một làng du lịch cộng đồng người Dao mới được chú ý độ hai năm trở lại đây. Trước kia, khu vực Quản Bạ là nơi dễ bị bỏ qua khi du khách tới với cao nguyên đá Hà Giang. Người ta chỉ ghé qua Quản Bạ vội vàng check-in với Núi Đôi rồi thẳng tới Đồng Văn, Lũng Cú. Quản Bạ chỉ bắt đầu thành điểm dừng chân khi có Nậm Đăm.  

Hai năm trước, Nậm Đăm vẫn ở những bước đầu tiên của quá trình làm du lịch. Thời điểm đó những homestay thi nhau được xây dựng, người dân trong làng được hướng dẫn đón khách, và rất hào hứng với hướng đi mới. Ở cuối làng, Hợp tác xã Cộng đồng thôn Nậm Đăm đang vận hành. Đó là kết quả từ một dự án liên kết giữa Hà Giang với một số công ty. HTX thành lập từ năm 2014, đến năm 2019, đã bắt đầu có thành quả. Những người làm HTX thời điểm ấy nói họ đã có tín hiệu có lãi sau 5 năm đầu tư. Ở nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, có thể thấy những cao artiso, trà gừng, lá thuốc người Dao, dầu xoa bóp… 

Với mô hình một làng văn hóa du lịch, một nơi giới thiệu sản phẩm bản địa là một nút thắt đẹp trong vòng tròn chuỗi tiêu dùng. “Lúc mới đầu rủ mãi chẳng ai cùng mình góp vốn, chỉ có mấy anh em, giờ mình thấy mình cũng liều đấy, nhưng mà mình vẫn cố làm thôi”, đây là lời của một trong những cổ đông HTX nói với tôi. Mỗi nhân công được trả công từ bốn đến năm triệu đồng một tháng. Nậm Đăm là một mô hình làng văn hóa hiếm hoi có nghề truyền thống, bên cạnh dịch vụ du lịch mới khơi mở, trong bối cảnh mà ngày một nhiều thanh niên thôn bản không thể tìm được cơ hội việc làm từ chính nơi chôn rau cắt rốn của mình. 

Dịch vụ du lịch ở Nậm Đăm, chỉ một năm trước vẫn chưa nhiều, các mô hình homestay cũng nhìn nhau mà xây nên phần lớn giống nhau, tập trung vào nhóm khách bình dân. Đó là thời điểm mà Nậm Đăm vẫn ở điểm khởi đầu, chưa nhìn thấy lãi. Khách đến rải rác. Chở tôi từ làng ra bến xe Quản Bạ, anh con trai chủ một homestay to nhất nhì làng bảo “mấy ngày nữa em cũng đi làm thuê rồi, em sang Trung Quốc”. Tôi bảo “Sao không ở nhà phụ giúp bố quản lý homestay?”. Gia đình cậu đầu tư hơn một tỷ đồng để làm dãy nhà đón khách, khách đều đặn nhưng phần lớn thời gian không đủ người, tiền thu chỉ từ tiền lưu trú 4-5 USD/đêm/khách. Cậu bảo chả biết bao giờ mới kiếm đủ tiền, homestay không cho cậu thấy tương lai gì. Hỏi cậu sao không thử lên HTX cộng đồng làm, cậu bảo mỗi tháng vài triệu sao đủ. Trong khi đi làm thuê, mỗi tháng cậu cũng để được 20 triệu đồng. Một bài toán lựa chọn quá dễ dàng thời điểm ấy, khi đặt bốn triệu và 20 triệu lên bàn cân.

Có thể coi những quyết định như Quang, hay như những người ở HTX lá thuốc là một điều liều lĩnh. Bởi khi giải bài toán bốn triệu và hai mươi triệu, họ đã nghiêng về phần ít hơn, để đầu tư cho một tương lai xa hơn. Không phải không có những khúc mắc. HTX cộng đồng cũng đã cầm chừng cả năm nay. Cơ sở giới thiệu sản phẩm cũng mới chỉ mở lại chừng một tháng sau nhiều biến động. Cả làng văn hóa du lịch Nậm Đăm có tới nửa năm không đón khách vì ảnh hưởng dịch Covid-19. Có điều, khi vừa trở lại, Nậm Đăm bây giờ đã thành một điểm nhấn du lịch Quản Bạ, và hứa hẹn sẽ còn đi xa, dù vẫn còn nhiều điều cần phải nói khi xây dựng một mô hình mà xuất phát điểm chỉ nhằm vào lớp khách bình dân. 

3. Mười năm trước Hà Giang là một vùng đá xanh hoang sơ. Người ta có thể ngây ngất với thảm tam giác mạch ở Sủng Là, nhưng sẽ không thể tìm nổi một quán ăn hay một chỗ nghỉ ngơi ở nơi này. Cả trung tâm Đồng Văn chỉ có ba nơi lưu trú khả dĩ đón khách, còn Mèo Vạc thì chỉ duy nhất một khách sạn Hoa Cương nổi tiếng với bức tường loang lổ và không có nước nóng dù giữa mùa đông. 10 năm sau, Đồng Văn thậm chí còn bão hòa với những homestay, khách sạn. Huyện Mèo Vạc đã xây dựng cả một Làng văn hóa Pả Vi hạ, kỳ vọng thành nơi tập trung đón khách gần xa. 

Nhưng tôi thích Nậm Đăm, thích cái cách mà con người ở đây tìm cách xây dựng một ngôi làng với giá trị của riêng họ. Quang bảo, ở đây toàn người làng làm ăn, không có người ngoài vào. Những người Dao của làng nhìn thấy cơ hội. Ở Nậm Đăm, người ta có thể dễ gặp những nụ cười thân thiện, như cách mẹ Quang chào khách đi ngang qua. Người ta có thể nhẹ nhàng mời một người lạ vào nhà, để họ tìm hiểu văn hóa mình, và đứng chào khách khi họ rời đi, theo cách tự nhiên nhất. Những điều rất nhỏ ấy, làm nên một Nậm Đăm thú vị.

Quang đang bận rộn với việc mở rộng thêm khu bungalow của mình. Khai trương dịch vụ vào ngay đợt hai dịch bệnh bùng phát trở lại, Quang thậm chí phải rút nước bể bơi và giảm sâu giá phòng để tiết kiệm chi phí và hút khách. Nhưng mọi thứ đang dần ổn định, nhất là khi Hà Giang vào mùa tam giác mạch. Cậu kỳ công tới Hợp tác xã lanh Cán Tỷ cách đó vài cây số để mua thêm đồ trang trí cho mỗi ngôi nhà. Cậu hay hỏi mỗi người khách tới để góp ý thêm về các chi tiết nội thất. Quang biết nhu cầu đám đông, cậu nói em muốn xây dựng một dịch vụ cao cấp hơn. Hà Giang hầu như không có cơ sở lưu trú tầm trung cấp trở lên do người bản địa làm. Hầu hết đều là những cơ sở của các chủ đầu tư dưới xuôi đổ tiền về vì nhìn thấy tiềm năng làm giàu nơi núi đá này. Quang hiểu sự cạnh tranh mình đang đối mặt. Cậu vừa làm, vừa tích lũy vốn liếng. Cậu nói sẽ làm thêm những không gian để nghỉ ngơi nữa.

Tôi không biết rồi Hà Giang có đi theo vết xe đổ của Sa Pa, biến mình thành một nơi tạp nham và lộn xộn không, mà cũng có thể đã chớm đi theo vết xe ấy rồi?! Nhưng ở Nậm Đăm, người ta vẫn có nhiều con đường để đi. Người con trai ông chủ homestay tôi ở ngày trước, cậu vẫn chọn đi làm thuê, năm nay có dịch nên cậu đi gần hơn mà thôi, dù bố cậu vẫn nói ông muốn mở rộng dịch vụ, nhưng nhà không có người làm. Không phải sự lựa chọn nào cũng giống nhau. Không ai chắc chắn Nậm Đăm sẽ phát triển như thế nào.

Nhưng khi được tự tay chọn, ngay trên mảnh đất của mình, người ta sẽ chịu trách nhiệm với sự lựa chọn đó, và biết làm sao để đi đến cùng với lựa chọn đó.

9_1-1608885783286.jpg
 Nậm Đăm - ngôi làng du lịch được xây dựng với những giá trị riêng.