Mạch nguồn bất tận

Liệu còn những kết cấu "tứ đại đồng đường" êm ấm, thuận hòa trong xã hội hiện đại đầy phức tạp ngày nay? Cũng chẳng khó để tìm câu trả lời, khi tôi tìm gặp được không ít gia đình có cách "quản trị" độc đáo, giúp các thành viên luôn duy trì được những mạch nguồn gắn kết.

Cụ Giáo luôn mong muốn truyền thống tốt đẹp của gia đình được các cháu, chắt hiểu và gìn giữ.
Cụ Giáo luôn mong muốn truyền thống tốt đẹp của gia đình được các cháu, chắt hiểu và gìn giữ.

Tạo cho con cháu tinh thần hiếu thuận

Năm căn nhà dạng biệt thự giống hệt nhau, nằm ở mặt đường chính của xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) thu hút hầu như mọi ánh mắt của những người đi ngang. Ðó không phải trụ sở một tập đoàn kinh tế, cũng chẳng phải khu chung cư, mà là "đại tổ ấm" của cụ Nguyễn Văn Giáo - gia đình "tứ đại đồng đường" nổi tiếng nhất tỉnh Hưng Yên.

Năm ngôi nhà xây trên một khoảng đất rộng hơn 2.500 m², nhìn ra mặt đường, thiết kế giống nhau, liệu có phải là sự "chơi trội"? Thắc mắc của tôi và có lẽ cũng là của nhiều người khác được cụ Giáo lý giải: "Do điều kiện cho phép chứ cũng chẳng phải thể hiện gì. Tôi có cách quán xuyến gia đình của riêng tôi, nên đã cố tình tạo không gian chung, cũng là để tạo điều kiện cho đại gia đình quây quần bên nhau".

Cụ Giáo thủng thẳng: "Có thời gian, mẹ tôi còn, tới năm thế hệ sinh sống trong không gian này cơ!". Cụ có năm người con trai, người trước, người sau có gia đình riêng. Trước đây, họ cùng sống dưới những mái nhà được xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau, rất chắp vá nên khá bất tiện. Năm 2006, cụ bàn với các con và đi đến quyết định dồn thửa, tạo mặt bằng để xây luôn một thể. Năm 2009, đại gia đình khánh thành năm căn biệt thự giống nhau từ trong nhà đến gian bếp. "Ðiều đặc biệt là không có bất cứ cái gờ tường nào được xây lên để chia không gian các căn nhà. Ðiều đó thể hiện sự đoàn kết, chan hòa và tất cả là của chung. Vợ chồng tôi nghỉ cùng gia đình riêng của con trai cả, ở giữa, cũng thể hiện cá tính quán xuyến của tôi, là có thể quan sát chung quanh. Từ đó cũng tạo cho các con cảm giác ấm cúng, tinh thần hiếu thuận", cụ Giáo tâm sự.

Ðó là chuyện những ngôi nhà. Còn các thành viên - chủ thể của những ngôi nhà thì sao? Bốn thế hệ gia đình ông giáo gồm hơn 30 người đến nay vẫn để tiền kiếm được vào quỹ chung, để tiêu dùng chung, ăn chung. Chẳng là gia đình cụ Giáo có một xưởng mộc, một siêu thị nhỏ, nhiều thành viên làm việc tại đó. Hai người con làm việc nhà nước, cũng gửi tiền vào một tài khoản chung của đại gia đình, do người con dâu cả của cụ Giáo giữ. Cách đây lâu lắm, một người con xin ăn riêng. Cụ liền cầm cả bó đũa bẻ trước mặt các con nhưng không được. Sau đó cụ bẻ riêng từng chiếc, rất dễ dàng. Các con hiểu ý, từ đó không ai xin ăn riêng nữa.

Song, liệu có thành viên nào thấy bí bức vì chuyện khó khăn trong chi tiêu? Cụ Giáo bảo: "Gia đình tôi cũng có của ăn, của để, chẳng ai phải lo túng đói, nên bao nhiêu năm qua đều muốn chung vui như vậy. Nhưng trước hết, vợ chồng tôi phải sống đức độ, làm gương cho con, cháu, chắt".

Cũng là tấm gương sáng đẹp cho con cháu, gia đình cụ Hoàng Văn Nghị và Dương Thị Son, ở tổ 11 phường Thạch Bàn, quận Long Biên (Hà Nội) tự hào với một "đại tổ ấm" tuyệt vời. Cụ Nghị năm nay 80 tuổi, cụ Son hơn chồng một tuổi. Tuổi thơ hai cụ lớn lên bên nhau rồi yêu nhau và thành gia thất. Trải qua bao năm sống hạnh phúc, con cháu ngoan ngoãn, thành đạt. Hiện trên phần đất của đại gia đình là 700 m², được xây dựng bốn căn nhà để các thành viên bốn thế hệ quây quần bên nhau. Vợ chồng cụ Nghị ở căn nhà chính giữa với vợ chồng con trai thứ hai, vợ chồng hai cháu nội và hai chắt. Cụ Son đúc kết: "Phàm ở gia đình nào cha mẹ đức độ, làm việc nghĩa, nêu gương thì ở gia đình đó, tổ ấm đó thuận hòa. Thế hệ này nêu gương cho thế hệ sau, tạo thành tổ ấm nêu gương".

Mạch nguồn bất tận -0
Gia đình cụ Hoàng Văn Nghị và Dương Thị Son cùng các cháu tụ họp trong nhà thờ dòng họ. 

Ðể bát đũa đừng xô nhau

Dẫu sao, bốn thế hệ sống chung một mái nhà không phải lúc nào cũng hoàn toàn êm thấm. Những đại gia đình ở nông thôn hay vùng ngoại thành còn có thuận lợi là đất đai rộng, không gian tiện cho việc xây nhà, sinh hoạt. Còn trong nội thành, những khu đất chật người đông thì sao? Chuyện tưởng chừng không thể xảy ra ấy, hóa ra vẫn còn tồn tại. Ngay trên những con phố phồn hoa đông đúc và chật hẹp vẫn có những đại gia đình từ 10 đến 20 thành viên, sinh sống thuận hòa dưới một nếp nhà, có sự tương hỗ nhau cực tốt như đại gia đình cụ Nguyễn Thị Tề ở 26 Hàng Cân, đại gia đình cụ Ngô Thế Chiện ở phố Phùng Hưng, đại gia đình cụ Lê Tiến Bồng ở phố Ðội Cấn (Hà Nội)…

Gặp cụ Tề vào một ngày cuối năm, gia đình đang tất bật chuẩn bị cho năm mới, bản thân cụ cũng phải về quê gốc tận Vĩnh Phúc hai ngày để làm lễ. Cụ Tề kể: Vợ chồng cụ có năm người con, hai người con gái lấy chồng ở nơi khác, còn ba người con trai dựng vợ, từ năm 1974 vẫn ở chung một ngôi nhà trên phố Hàng Cân. Mỗi người có một công việc, nhưng góp chung một số tiền cho cụ để chi tiêu cho ăn uống, sinh hoạt trong gia đình. Ðể trong ấm ngoài êm, không có chuyện to tiếng giữa các gia đình nhỏ, hằng ngày, cụ Tề cắt cử công việc cho các con dâu, mỗi người mỗi việc nên rất suôn sẻ. Bí quyết để giữ bình yên cho tổ ấm, với cụ Tề là mọi thứ đều rõ ràng, tuy không góp tất cả tiền thu nhập vào quỹ như đại gia đình cụ Giáo, mà chỉ đóng một phần theo quy định, song cũng phải thật hài hòa, sòng phẳng. Cụ bảo: "Hằng ngày, tôi để một khoản tiền trong tủ, ai đi chợ thì lấy tiền. Ai ở nhà sẽ phụ trách nấu cơm, dọn dẹp. Như vậy, không con nào so bì thiệt hơn. Các con dâu rất tự giác". Cách đây mấy năm chồng cụ Tề mất, con cháu đông lên, cụ bảo con cái ăn riêng ra cho tiện bởi chỗ ngồi ăn chật chội. "Nhưng cũng phải mất cả năm các con tôi mới ăn riêng, vì mọi người quen với nếp chung rồi. Nhưng chúng tôi vẫn sống chung dưới mái nhà này", cụ nhấn mạnh.

Chuyện đón Tết ở các đại gia đình cũng thật ấn tượng. Gia đình cụ Dương Thị Son năm nào cũng giữ nếp gói bánh chưng, chuẩn bị mua sắm cho Tết thật chu đáo. Cụ Son bảo: "Dù từ làng lên phố, nhưng nấu bánh bằng củi vào tối 28 vẫn tạo được không khí thú vị. Bao giờ tôi cũng chuẩn bị đào, quất, thủy tiên. Các loài hoa sẽ làm không khí trong nhà trở nên rực rỡ hơn". Nhiều thập niên qua, gia đình cụ Son vẫn luôn tổ chức bữa cơm tất niên vào ngày 30. "Sáng mồng Một mọi thành viên tề tựu về nhà thờ dòng họ, các con, cháu lại chúc mừng vợ chồng tôi. Vợ chồng tôi lại mừng tuổi cho các cháu, chắt và chúc cho mọi người khỏe mạnh, học giỏi".

Cữ này, không khí chuẩn bị đón xuân đang ngập tràn những miền quê, con phố và chộn rộn nơi những ngôi nhà. Các đại gia đình đều chuẩn bị rộn ràng từ ngày 23 tháng Chạp. Thanh niên thì tập trung dọn và trang trí nhà cửa, mua đào, quất, hoa… Phụ nữ phụ trách lo thực phẩm, gói bánh chưng và đến ngày tất niên làm cỗ, tặng quà trước cho các cụ lớn tuổi trong dòng tộc. "Gia đình tôi cũng tổ chức công đức vào dịp xuân. Tôi nghiệm ra, đó cũng là cách dạy con cháu. Rằng cứ rộng lòng, rồi bề trên phù hộ cho con cháu hiển đạt". Lời chia sẻ của cụ Son trong lúc chuẩn bị đón Tết, sao mà ấm áp, mà lạc quan!

Nhà văn Đỗ Phấn, người có nhiều tác phẩm về gia đình Hà Nội:
Dù là gia đình truyền thống, ba, bốn thế hệ hay gia đình hạt nhân thì đều có những mặt hạn chế và có những điểm lợi thế. Sự lựa chọn sống chung thế nào để có thể gắn kết gia đình còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện, sao cho tất cả đều vui vẻ.

Giáo sư Lê Thị Quý, chuyên gia nghiên cứu về gia đình:
Trong cuộc sống, gia đình nào cha mẹ nghiêm khắc, có cách dạy khoa học, nêu gương thì sẽ êm ấm, hạnh phúc. Từ đó cũng sẽ hình thành các gia đình đa thế hệ. Trong các gia đình đó, khi sự hiếu đễ được đề cao thì sẽ trong ấm ngoài êm, con cái có hiếu với cha mẹ và anh em thuận hòa.