Nơi cần cả yêu thương & sức lực

Tôi tình cờ gặp Lê Thị Trúc Loan trên một chuyến xe buýt. Loan là người gốc Việt đầu tiên nhận bằng Zorgkundigen của trường Solidariteit Voor Het Gezin tại Brussel khóa 234 (trường kết hợp đào tạo nghề cùng VDAB - Trung tâm giáo dục lao động và dạy nghề của chính quyền vùng Flanders, Bỉ). Khóa học ban đầu thu hút hơn trăm học viên, tốt nghiệp chỉ còn hơn chục. Một nghề không đơn giản chỉ cần chăm chỉ, mạnh tay khỏe chân.

Chị Lê Thị Trúc Loan cùng đồng nghiệp trong dưỡng đường cổ vũ đội bóng đá Bỉ.
Chị Lê Thị Trúc Loan cùng đồng nghiệp trong dưỡng đường cổ vũ đội bóng đá Bỉ.

Một nghề cho chín còn hơn 9 nghề

Mười năm trở lại đây, Bỉ bắt đầu chú trọng đào tạo sâu hơn nghề Zorgkundigen (điều dưỡng viên) nhằm đáp ứng nhu cầu điều dưỡng viên đủ khả năng làm việc trong cả bệnh viện, nhà dưỡng lão, dưỡng đường.

Kiến thức và ý thức làm nghề mới là những cửa ải khó khăn nhất phải vượt qua trong quá trình đào tạo nghề điều dưỡng viên tại nước ngoài. Xã hội Bỉ rất khuyến khích lao động, đặc biệt tích cực trong đào tạo việc làm cho cả những người tuổi đời không còn trẻ nữa. Chị Loan phải theo đủ 120 giờ học Verzorgende (điều dưỡng viên chăm sóc tại nhà), sau đó, Loan tiếp tục học thêm 120 giờ chuyên ngành nữa tại Brussels, và chính thức trở thành công chức ngành chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Tấm bằng mới ghi rõ 18 chức năng từ nay chị chính thức được phép tham gia: Quan sát thể trạng, thần thái, thân thể và hoạt động hằng ngày của bệnh nhân. Thông báo, cho lời khuyên, trao đổi tình hình cùng gia đình bệnh nhân. Ở bên bệnh nhân trong giai đoạn khó khăn nhất, thí dụ khi bệnh nhân không có người thân đưa đến bệnh viện theo lịch khám định kỳ thì trưởng khoa sẽ cử điều dưỡng đi cùng. Chăm sóc răng, miệng cho bệnh nhân. Quan sát, báo cáo tình trạng đổ mồ hôi, đi tiểu… của bệnh nhân. Giúp uống thuốc. Cho ăn uống. Xoay trở tư thế nằm, ngồi của bệnh nhân. Tắm rửa. Di chuyển bệnh nhân ra ngoài phòng khi có lệnh. Quan sát vết đau, vết thương, báo cáo nếu có nhiễm trùng. Đo huyết áp, nhiệt độ. Phòng chống lở loét cho bệnh nhân. Phụ y tá trong việc chăm sóc vết thương...

Nhớ lại khoảng giữa tháng 5-2014, chị Loan hồi hộp bắt tàu lên Brussels nhận bằng tốt nghiệp. Đứng trước “những người còn sống sót”, giáo viên trang trọng nói “Từ nay cuộc đời các bạn sẽ thay đổi”, nhưng cũng không quên nhắc nhở: “Trong vòng bảy năm kể từ khi tốt nghiệp, nếu không hành nghề, bằng cấp sẽ hết giá trị”. Ở khóa học của chị, số người nhận được việc làm đếm chưa vượt quá năm đầu ngón tay. Bởi vậy, sớm được ký hợp đồng chính thức làm việc trong một dưỡng đường danh tiếng tại thành phố Aarchot như chị Loan càng chứng tỏ nỗ lực lớn của bản thân.

Một sáng ở dưỡng đường

Cả chị Loan và tôi đều còn cha mẹ nơi quê nhà. Từng ngấm những lúc cha đau mẹ ốm, càng thấm thía sự cần thiết của nghề điều dưỡng viên chuyên nghiệp. Mỗi lúc hiếm hoi gặp nhau, chuyện thường xoay quanh dưỡng đường hôm nay ai mất ai còn, chăm sóc tinh thần thế nào cho người cao tuổi không cảm thấy cô đơn lúc chiều tà xế bóng. Chiều tối, chị Loan xin cho tôi được vào thăm dưỡng đường khoảng nửa tiếng. Không gian nhà ăn ấm sực, lanh canh tiếng dao dĩa. Góc bàn này, mấy người già đang chậm rãi nhấp ngụm nước cam, cà-phê hoặc trà nóng. Bên kia, một ông cụ ngủ gật trước cái đĩa đựng vài miếng thịt hun khói và mấy lát bánh mì mềm. Chị Loan đến bên, nắm bàn tay lại, cộc cộc gõ nhẹ xuống bàn “Chúc buổi sáng tốt lành, cụ ơi”. Ông cụ tỉnh lại, mắt hấp háy cười. Một bà cụ níu tay chị Loan “Đi đâu mấy bữa nay không thấy?”, “Con đang nghỉ phép cụ à”. Chắc bà cụ nhớ những buổi sáng được chị Loan giúp rửa mặt, chải tóc, thỉnh thoảng chị còn trang điểm thật đẹp cho cụ bước vào một ngày mới với tinh thần phấn khởi hơn. Làm đẹp cho bệnh nhân cũng là một cách chăm sóc tinh thần rất quan trọng trong dưỡng đường.

Mới 9 giờ sáng mà các đồng nghiệp bản xứ, trẻ và to lớn hơn chị Loan đã như đang ở giờ cuối của một ngày lao động cật lực. Theo quy định, bệnh nhân phải ra khỏi giường mỗi ngày ba lần để đến phòng ăn. Ngoại trừ người yếu không thể ngồi nữa mới cho nằm trên giường nghỉ ngơi. Di chuyển là biện pháp tránh nguy cơ bệnh nhân nằm nhiều bị bệnh phổi đọng nước, hoặc ở trong phòng một mình quá lâu dễ trầm cảm... Cực nhọc nhất của nghề này chính là việc phải di chuyển bệnh nhân liên tục như vậy. Thêm hiểu vì sao trường đào tạo còn dạy học viên ngồi thiền phòng tránh burnout - kiệt sức. Chị Loan chia sẻ: “Được thăm hỏi, chuyện trò là liệu pháp tâm lý hiệu quả, cũng là món quà vô giá với người sống ở dưỡng đường. Nhưng một ngày chỉ có hai mươi bốn giờ. Mỗi điều dưỡng viên phải tỉnh táo để bảo đảm không bị níu kéo quá nhiều thời gian vào câu chuyện, vào sự nài nỉ không ngớt của một người mà ảnh hưởng công việc chung, mất đi thời gian dành cho người khác. Khi học nghề, tôi đã được đào tạo cả cách làm sao ngắt chuyện mà không làm phật lòng người muốn nói tiếp. Cũng không nên cho bệnh nhân số điện thoại riêng, tránh bị làm phiền vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Bản thân mình phải khỏe mạnh, tỉnh táo, làm việc và nghỉ ngơi hợp lý mới chăm sóc người bệnh tốt”.

Khi vào thực tế công việc, dĩ nhiên cũng không tránh khỏi những lúc mệt mỏi đến kiệt sức. Nhưng niềm vui, kỷ niệm sâu sắc chị Loan và đồng nghiệp thường xuyên nhận được lại rất phong phú, đong đầy cảm xúc. Có khi là vài phút trò chuyện chân tình với người cao tuổi. Tìm kim chỉ khâu lại cái túi xách bị tuột dây kéo cho một bà cụ đã run tay. Hoặc lấy dấm pha nước rửa chén lau cửa kính trong căn nhà của một người già cô đơn mà không đòi hỏi phải có nước cọ rửa chuyên dụng mới làm. Người cao tuổi để ý cả, biết hết. Họ cũng lẳng lặng viết và trao những tấm thiệp cảm ơn đầy trìu mến. Có những lúc, chị Loan nhận ra mình là người kề cận, nắm tay bệnh nhân ở thời khắc cuối cùng cuộc đời họ. Thấm thía một nghề cần quá nhiều yêu thương cũng như sức lực. Chị Loan lại càng mong “có dịp được trở về Việt Nam, hợp tác với các bệnh viện, trung tâm y tế hoặc trường dạy nghề để chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc bệnh nhân, người cao tuổi”. Chắc chắn đất nước mình cũng đang cần lắm những người được đào tạo nghề này chuyên nghiệp.

Tờ Knack của Bỉ, ngày 23-1-2019, đưa tin: Trung tâm nghiên cứu của Trường Thomas More (Kempen en Vonk3) vừa thực hiện một điều tra xã hội học về các bệnh nhân sống tại nhà đang cần sự chăm sóc đặc biệt (gồm người cao tuổi, người bất ngờ mất chồng hoặc góa vợ, người bị sốc vì ly hôn, mất việc...): Hơn nửa số này cảm thấy vô cùng cô đơn, 35% cảm giác bị cô lập với xã hội và đời sống thường nhật. Chỉ 17% vẫn có cảm giác hòa nhập xã hội. Cảm giác cô đơn có thể ập đến mọi khoảnh khắc, nhưng chủ yếu xảy ra vào buổi tối, cuối tuần, kỳ nghỉ lễ, Tết, và khi điều dưỡng viên nghỉ việc hoặc nghỉ phép. Trong xã hội hiện đại, vai trò của điều dưỡng viên càng quan trọng. Bỉ là quốc gia đang có nhu cầu rất cao đối với lực lượng lao động này.

Nơi cần cả yêu thương & sức lực ảnh 1

Người già trong nhà dưỡng lão ở Bỉ đón tiếp con cháu tới thăm.

Lương khởi đầu của ngành y nói chung tại Bỉ phụ thuộc nhiều vào bằng cấp:

Người chuyển sang học nghề (điều dưỡng) ngay từ bậc trung học phổ thông- tương đương có chứng chỉ của trường dạy nghề, sẽ nhận lương khởi điểm 2.100 Euro/tháng (chưa trừ thuế, và phải đóng thuế bao nhiêu còn phụ thuộc gia cảnh). Mỗi năm lương sẽ tăng thêm 50 Euro hằng tháng.

Người có bằng cử nhân về y tá, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu... lương khởi điểm khoảng 2.270 Euro/tháng. Nếu có thêm bằng nâng cao, sẽ lĩnh 2.380 Euro/tháng.

Tuy nhiên mức lương cũng thay đổi tùy nơi làm việc. Ở trên là mức tính lương cho nghề chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện. Với y tá chăm sóc tại nhà, mức lương khởi điểm có thể nhận 2.400 Euro/tháng, chưa trừ thuế.

Lương điều dưỡng viên chăm sóc tại nhà thường ít hơn lương điều dưỡng viên làm việc trong nhà dưỡng lão. Điều dưỡng viên chăm sóc tại nhà không phải làm ca đêm, không phải làm việc cuối tuần do đó cũng không được nhận các chế độ đặc biệt. Nếu làm việc tại nhà dưỡng lão thì một điều dưỡng viên 45 tuổi trở lên sẽ nhận chế độ mỗi tháng được nghỉ một ngày (vẫn lĩnh đủ lương), 50 tuổi trở lên được nghỉ hai ngày/tháng, 55 tuổi sẽ được nghỉ ba ngày/tháng. Ngoài ra, điều dưỡng viên muốn vào làm việc ở nhà dưỡng lão phải có bằng Zorgkundige, đòi hỏi cao hơn điều dưỡng viên chăm sóc tại nhà.

(Nguồn: Vacature.com)