Tầm vông trong tay ta tiến, nguyện cứu nước non
Hương lộ 55 đoạn nối liền Ba Chúc với Tịnh Biên, thời kháng chiến chống thực dân Pháp, là đoạn đường quan trọng phục vụ cho hoạt động quân sự từ Châu Ðốc vào núi Dài với địa danh Cầu sắt Vĩnh Thông còn lưu bao chiến tích.
Ðoàn chúng tôi dừng chân trước tấm bia tưởng niệm được dựng lên ghi dấu những chiến công của quân và dân ta ở địa danh đặc biệt này. Trên tấm bia có hình một người chiến sĩ cầm súng đứng cạnh một anh dân quân tay cầm khúc cây, cả hai hiên ngang đè xuống ba tên lính Âu- Phi đang ngồi khúm núm, sợ sệt, hai tay co vào hai bên đầu với biểu thị đầu hàng. Tôi thắc mắc về khúc cây người dân quân cầm trên tay, nó chỉ dài vừa bằng chiều dài khẩu tiểu liên, thân tròn nhỏ và có gờ theo từng nấc. Chú Nguyễn Huệ Hưng - Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật huyện Tri Tôn đi cùng đoàn cho biết, đó là khúc cây tầm vông.
Chú Hưng kể, ngày trước ở vùng đất này tầm vông chỉ mọc quanh chân núi. Người dân không trồng tầm vông quanh nhà. Theo cách nghĩ của người vùng này, chữ "tầm" đọc chệch ra thành chữ "tìm", còn chữ "vông" gần âm với chữ "vong" là chết, "tầm vong" là "tìm chết" nên người dân rất kiêng cữ. Ðến thời kháng chiến chống thực dân Pháp, bộ đội ta thiếu thốn trang thiết bị quân sự, nông dân càng tay không đánh giặc nên mới nghĩ đến tầm vông. Từ đấy, tầm vông bắt đầu được nhân giống và trồng khắp trong vùng như ngày nay. Bia tưởng niệm chiến thắng với khúc gậy tầm vông trên tay người dân quân là hình ảnh quen thuộc ẩn chứa sức mạnh của người nông dân nghĩa sĩ.
Khi xe chúng tôi bắt đầu chuyển bánh tiếp tục cuộc hành trình, anh lái xe đã bắt nhạc từ lúc nào, giọng nam ca sĩ đang vút lên câu hát: "Tầm vông trong tay ta tiến, nguyện cứu nước non" (nhạc phim Những nẻo đường phù sa).
Tầm vông đã trở thành một loài cây gắn bó gần gũi với mảnh đất An Giang anh hùng.
Dẻo dai trước giông gió
Từ tỉnh lộ 955B, chúng tôi di chuyển vào chân núi Ngọa Long (núi Dài). "Con rồng nằm" này dài khoảng 8.000 m, đi qua bốn xã của huyện Tri Tôn với nhiều con suối nhỏ, những cung đường ngoằn ngoèo mà hai bên vô số những vườn tầm vông dựng thẳng đứng. Ðặc biệt là đoạn từ chân núi lên Ô Tà Sóc. Với lợi thế địa hình nhiều hang động, hốc đá nên thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Tỉnh ủy An Giang đã chọn nơi đây làm căn cứ.
Chúng tôi lần đường lên núi, nơi đó thỉnh thoảng vài cậu nhóc Khmer đen nhẻm, cởi trần, tóc xoăn khét nắng mở tròn xoe cặp mắt ngơ ngác nhìn đoàn khách vãng lai. Tầm vông Tri Tôn ruột đặc, là loại tầm vông mọc lên từ núi đá nên rất chắc và bền. Ðể có thể tồn tại và sinh trưởng, bộ rễ của tầm vông phải mất một thời gian rất lâu ăn sâu xuống mạch đất đá trước khi chúng nhú mầm lên khỏi mặt đất.
Tôi đứng giữa vườn tầm vông trải tít tắp bốn bề, hồ như sẽ chẳng thể tìm được lối ra. Trưa nắng và vắng, tầm vông không xào xạc như tre trúc, mà đứng im lìm, chỉnh tề như những vệ binh nghiêm trang trong hàng ngũ. Anh Nguyễn Văn Ðức, cán bộ Trung tâm Văn hóa huyện Tri Tôn đã chở tôi vòng vèo qua những con đường mòn gồ lên sụt xuống đến nơi "thập diện mai phục" này. Ðây là cánh rừng tầm vông của nhà anh với tổng diện tích 80 ha. Ngoài giờ hành chính và các ngày nghỉ, anh và ba anh thường vào rừng để chăm sóc, phát cỏ, đánh dấu "tuổi" cho tầm vông. Chủ vườn sẽ quy định bằng mầu sơn ở tất cả các bụi tầm vông để phân biệt trong cuộc sống quần cư, tụ họp ấy cây nào đã uống đủ gió mưa, thấm tháp nắng bụi, rút cạn mạch nguồn của đá của đất mà chuyển mầu xanh vàng, mà gõ vào phát ra những tiếng kêu tóc tách chắc nịch, cây ấy sẽ được chọn để tiếp tục sứ mệnh tồn tại của nó trong cuộc đời.
Với 80 ha, hằng năm tầm vông cho lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng mà theo anh Ðức chia sẻ, ít có trồng giống cây nào người làm vườn lại nhàn hạ như thế. Tầm vông là loài tự sinh, tự dưỡng, tính tự lập rất cao, chủ vườn chỉ tạo ra những chất xúc tác để tính cách của giống loài tự phát. Ðó là cách con người phát cỏ để chúng dễ bề sinh sôi, nảy nở, là việc tạo đất để cả những cây xoài xiêu vẹo, những cây tràm ốm o cặp kè nương theo tầm vông mà sống. Nhìn vào đã biết chúng sẽ chẳng mang lại nguồn lợi nào, nhưng tại sao nhà vườn vẫn phải trồng xen lẫn? Theo lời anh Ðức, cách trồng như thế chỉ với mục đích tạo ra một sự cạnh tranh trong sinh tồn, và loại tán rộng che phủ như xoài hay loài cũng vươn thẳng như tràm khi sống chung sẽ tạo động lực để thuộc tính chuộng ánh sáng, vươn cao thẳng tắp của tầm vông được dịp phát huy.
Chúng tôi dừng chân ngay kinh Bến Xã, bờ kinh thuộc xã Lương Phi (Tri Tôn, An Giang). Ðây là nơi diễn ra các hoạt động buôn bán, sơ chế tầm vông trước khi xuất bến. Chú Phạm Văn Ðây, ngoài 50 tuổi, người nhiều năm mưu sinh bằng nghề tầm vông, chia sẻ: "Nhóm chúng tôi gồm một người đốn, hai người róc, ba người ôm ra khỏi vườn, một ngày đốn từ 500 - 1.000 cây, với tiền công 2.200 đồng/cây nhân lên rồi chia đều cho anh em, tính ra thu nhập hằng ngày cũng kha khá".
Tầm vông đang vào mùa thu hoạch. Giữa cái nắng đỏ da cháy thịt của xứ núi, người đàn ông người Khmer đứng cạnh một đống lửa lớn, than đỏ rực hắt lên khuôn mặt đen nhẻm của anh luồng khí nóng như thiêu đốt. Tầm vông được đưa hong, hơ qua lửa là công đoạn cuối cùng trước khi vận chuyển xuống ghe tàu đi đến những miền đất mới. Người thạo nghề, chịu đựng sức nóng của lửa, biết thế của tầm vông, hướng của gió, một ngày có thể uốn hơn 200 cây, với tiền công 1.500 đồng/cây.
Anh Nguyễn Văn Ðức cho tôi biết thêm: Thời gian gần đây, nhiều cặp vợ chồng trẻ trong xã đã trở lại quê nhà sau khi họ bồng bế nhau lên Bình Dương làm công nhân. Cuộc sống tha hương, chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên làm tới đâu vẫn hết tới đấy. Họ trở về, sống cùng tầm vông. Mùa mưa đi phát cỏ, đào lỗ, ương cây tầm vông giống, trồng cây tầm vông con… Mùa nắng vào vườn đánh dấu, đốn hạ, kéo về bãi, uốn lửa, vác xuống ghe tàu. Nhiều thanh niên của xã đã học được nghề thủ công mở trại mộc, "chế biến" tầm vông thành những sản phẩm bắt mắt như: thang, tủ chén, bàn, ghế, giường ngủ… "Xu hướng của thời đại, khi công nghiệp hóa trở nên bão hòa, người ta lại chuộng những thứ gì thuần dã nhất. Vậy nên các đồ thủ công từ chất liệu tầm vông rất được ưa chuộng" - ông Huỳnh Văn Vui, một thợ thủ công với tay nghề trên mười năm vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi dưới chân vồ Cỏ Sả (núi Dài lớn). Với khả năng chống chịu dẻo dai trước giông gió, không bị mối mọt gặm nhấm, tầm vông đang được các khu du lịch, các resort, quán cà-phê dùng làm vật liệu xây dựng.
Theo những người cao niên xứ núi, "tầm vông vùng này khi thiệt già tầm năm đến sáu tuổi, thịt cây rắn chắc, cắt mặt sẽ thấy đường chỉ". Nhờ vậy, chúng có thể chống chọi bảo vệ đất núi trước những trận sạt lở mỗi độ mưa về. Cuộc sống của cư dân cứ nương theo những cánh rừng tầm vông mà sinh sôi, mà được che chở.