Sẵn sàng, với đích nhắm... Olympic

Sau thành tích giành hai tấm vé chính thức tới Olympic Tokyo 2020, bắn cung Việt Nam đã cho thấy những bước chuyển mình mạnh mẽ, xứng đáng là một trong những bộ môn trọng điểm, sẵn sàng chinh phục huy chương tại các đấu trường lớn trong khu vực và trên thế giới.

Các cung thủ Việt Nam đã sẵn sàng chinh phục các đấu trường quốc tế trong năm 2022.
Các cung thủ Việt Nam đã sẵn sàng chinh phục các đấu trường quốc tế trong năm 2022.

Khép lại Thế vận hội Tokyo, Ban huấn luyện Đội tuyển bắn cung đã tổ chức nhiều cuộc họp đánh giá và phân tích những thế mạnh và điểm yếu, nhằm hoàn thiện trình độ chuyên môn cũng như các yếu tố tâm lý hướng tới các mục tiêu lớn trong thời gian sắp tới. Cụ thể, SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà và ASIAD diễn ra ngay sau đó là hai sân chơi quan trọng mà toàn đội phải tập trung cao độ.

Để hiện thực hóa mục tiêu ấy, Tổng cục Thể dục-Thể thao đã khẩn trương xây dựng kế hoạch tổ chức Giải vô địch bắn cung quốc gia năm 2021. Đây chính là sự kiện trong nước hiếm hoi, nơi các cung thủ có cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ, sau khi tham dự Olympic Tokyo 2020 và Giải vô địch bắn cung châu Á nhưng không đạt thành tích cao. Hơn thế nữa, hoạt động này không chỉ giúp các vận động viên đỉnh cao lấy lại cảm giác thi đấu, mà còn trở thành bài kiểm tra trình độ cũng như rèn luyện tâm lý thi đấu, trước thềm các giải đấu quốc tế sắp tới.

Nhất quán tinh thần trên, Giải vô địch bắn cung quốc gia năm 2021 được tổ chức từ ngày 22 đến 28/12. Ban đầu, giải dự kiến diễn ra ở trường bắn thuộc Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cũng như một số hạng mục tại đây đang trong giai đoạn nâng cấp sửa chữa để phục vụ SEA Games 31 nên Vĩnh Phúc đã được chọn làm địa phương thay thế.

Sau một tuần tranh tài sôi nổi, Giải vô địch bắn cung quốc gia năm 2021 đã kết thúc với sự lên ngôi đầy bất ngờ từ đoàn Vĩnh Long. Xếp thứ hai là đoàn Hà Nội và đoàn Quảng Ninh đứng thứ ba. Đoàn Vĩnh Long và Hà Nội thể hiện sức mạnh vượt trội, khi giành 27 trong tổng số 36 tấm Huy chương vàng.

Trong tổng số 136 vận động viên xuất sắc đến từ 15 đơn vị, tỉnh, thành phố trên cả nước, tuyển thủ Đỗ Thị Ánh Nguyệt thể hiện sự xuất sắc tuyệt đối khi giành tới sáu Huy chương vàng, hai Huy chương bạc và hai Huy chương đồng, ở cả 10 nội dung tham dự. Đặc biệt hơn cả, cô gái sinh năm 2001 đã mang về tới nửa số Huy chương vàng cho đoàn Hà Nội. Đây là kết quả không mấy bất ngờ bởi Ánh Nguyệt là nữ cung thủ số một Việt Nam, từng giành vé tham dự Olympic Tokyo 2020.

Ngoài ra, ở hai nội dung (60 m và toàn năng một dây nữ), cung thủ người Huế Nguyễn Thị Thanh Nhi đã xuất sắc đánh bại đàn chị Ánh Nguyệt để giành cú đúp Huy chương vàng. "Những thể hiện của Thanh Nhi tại giải cho thấy tài năng trẻ này đang có phong độ rất ổn định. Với thành tích trên, một suất tham dự SEA Games 31 đang ở rất gần", Trưởng bộ môn bắn cung Huế-Lại Đăng Quang nhận định.

Ngược lại, tuyển thủ Nguyễn Hoàng Phi Vũ, vận động viên tham dự Olympic Tokyo 2020 cùng Ánh Nguyệt, đã khép lại giải đấu mà không giành được bất kỳ tấm Huy chương vàng nào. Phong độ trồi sụt của anh cũng khiến giới chuyên gia hết sức lo ngại, bởi Phi Vũ cũng là niềm hy vọng lớn trong hành trình bảo vệ ngôi vị nhất toàn đoàn của Đội tuyển bắn cung Việt Nam tại SEA Games 31.

Được giới chuyên gia kỳ vọng sẽ là một trong số ít bộ môn tiềm năng giúp thể thao Việt Nam giành được huy chương tại đấu trường Olympic trong tương lai, việc tham dự các giải đấu trong nước và quốc tế thường xuyên là điều kiện tất yếu để các tuyển thủ có cơ hội tích lũy kinh nghiệm và nâng cao bản lĩnh thi đấu. Bởi vậy, theo Vụ trưởng Thể thao thành tích cao I Hoàng Quốc Vinh, "Đội tuyển bắn cung sẽ được tạo mọi cơ hội trong đó có kế hoạch tập huấn, thi đấu. Về lâu dài, Tổng cục sẽ nghiên cứu lộ trình, giải pháp phát triển môn bắn cung và xây dựng lực lượng vận động viên hùng hậu, cũng như phối hợp các địa phương đẩy mạnh đầu tư và đào tạo lứa tài năng trẻ kế cận".

Hiện tại, các cung thủ hàng đầu ở Đội tuyển quốc gia còn rất trẻ. Điển hình như hai gương mặt kỳ cựu là Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ lần lượt là 21 và 22 tuổi, trong khi độ tuổi đạt đỉnh cao phong độ thường từ 25 đến 30 tuổi. Bên cạnh hai trụ cột kể trên, nhiều tài năng trẻ khác (như Nguyễn Thị Thanh Nhi, Châu Văn Kha, Phạm Văn Tú...) bước đầu đã chứng tỏ được bản thân và sẵn sàng gánh vác các nhiệm vụ quốc tế. Cùng với đó, các cung thủ ngày càng được đầu tư mạnh mẽ hơn về trang thiết bị tập luyện, thi đấu. Công tác huấn luyện được áp dụng khoa học kỹ thuật cùng sự trợ giúp tích cực từ đội ngũ chuyên gia Hàn Quốc, bên cạnh những chuyến tập huấn tại các quốc gia hàng đầu thế giới về bắn cung.

Cuối cùng, "với công tác tổ chức chu đáo và bài bản, Vĩnh Phúc đã tổ chức Giải vô địch bắn cung quốc gia năm 2021 thành công tốt đẹp. Trên thực tế, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giải đấu đã kết thúc sớm hơn dự kiến một ngày. Ngay cả lễ khai mạc và bế mạc cũng không diễn ra như thường lệ nhằm tránh tập trung đông người. Kinh nghiệm ở đây chính là khi các đoàn và Ban tổ chức địa phương thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch, chúng ta hoàn toàn có thể giải được nhiều tình huống khó, giúp giải đấu về đích. Nhìn từ bộ môn bắn cung, có thể tin tưởng rằng, đây sẽ là động lực giúp thể thao Việt Nam tự tin tổ chức nhiều giải đấu hơn nữa trong năm 2022, hướng tới tổ chức kỳ SEA Games 31 an toàn trên sân nhà", ông Hoàng Quốc Vinh nhận định.