Lỗ hổng phơi bày trong giông bão

Toàn bộ 27/27 CLB chuyên nghiệp (V-League và hạng nhất) ủng hộ hủy mùa giải 2021 để giảm gánh nặng tài chính và tập trung chống dịch. Quyết định này là bất khả kháng, nhưng nó tạo ra hệ lụy không nhỏ, đồng thời phơi bày rất rõ cách làm bóng đá “giật gấu vá vai” của nhiều đội bóng.

Hải Huy bán hải sản.
Hải Huy bán hải sản.

Cầu thủ thất nghiệp, làm thêm đủ nghề

Quyết định dừng mùa giải 2021 đã được VPF và các đội bóng thống nhất, nhưng đằng sau nó là rất nhiều câu chuyện bi hài. Không ít đội bóng đổ lỗi cho Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) không đưa ra được một phương án khả thi, khiến họ tốn hàng chục tỷ đồng để nuôi quân chờ ngày bóng lăn trở lại.

Có ít nhất năm đội bóng V-League cùng công kích VPF làm việc thiếu minh bạch, không quan tâm tới tình cảnh ở các đội bóng, đó là chưa kể đội ngũ lãnh đạo công ty này bị chê là yếu kém, tham ngồi nhiều ghế… Cũng các CLB này đã gửi công văn yêu cầu VPF phải tổ chức Ðại hội cổ đông bất thường để bầu lại ban lãnh đạo.

Cuộc chiến giữa VPF và các đội bóng chắc chắn sẽ còn tốn nhiều giấy mực, nhưng chịu thiệt nhất, bị ảnh hưởng lớn nhất, lại là các cầu thủ.

Cầu thủ Việt Nam chủ yếu sống bằng tiền lương, thưởng chứ ít người có nghề tay trái. Vì vậy, khi V-League bị hủy, các đội bóng xả trại và bắt đầu cắt giảm lương, tiến hành thanh lý hợp đồng hàng loạt để giảm gánh nặng tài chính, hàng trăm cầu thủ đã bị đẩy ra đường, trong đó có cả những “công thần”, trụ cột.

Vẫn biết trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới cả xã hội, nhưng hình ảnh những cầu thủ phải đi bán hải sản, đi thu gom phế liệu hay thậm chí là làm shipper, khiến nhiều người phải suy ngẫm. Ðội trưởng CLB Than Quảng Ninh Nguyễn Hải Huy thổ lộ: “Phần lớn cầu thủ đều chỉ biết đá bóng chứ không biết làm gì khác. Tôi may mắn còn có công việc bán hải sản, nhưng cũng bữa được, bữa không”. Trong khi đó, trước khi được HLV Park Hang Seo gọi bổ sung lên đội tuyển Việt Nam, cầu thủ Xuân Nam đã phải phụ bố mẹ trong công việc thu gom phế liệu, mỗi ngày làm từ 5 giờ sáng tới trưa, được khoảng 200 nghìn đồng.

Không chỉ có các cầu thủ nội, nhiều “ngoại binh” cũng phải bán nhà, bán xe để trở về nước. Dù biết trước sẽ khó khăn, nhưng giới cầu thủ không thể tưởng tượng mình lại rơi vào cảnh bi đát như hiện tại.

Than Quảng Ninh - một câu chuyện buồn

Trong bức tranh tối màu của bóng đá Việt Nam mùa dịch, Than Quảng Ninh là CLB đang trải qua những ngày tháng tồi tệ chưa từng có. Hồi đầu năm, đội bóng đất mỏ nợ lương cầu thủ tới tám tháng, sau đó giải ngân một phần vào tháng tư, rồi tiếp tục nợ đến nay. Với số tiền nợ lên tới… gần 70 tỷ đồng, Ban lãnh đạo Than Quảng Ninh buộc phải tuyên bố tạm dừng hoạt động đội bóng. Ðiều đáng nói, toàn bộ số tiền nợ trên có nguy cơ mất trắng, một khi đơn vị chủ quản của CLB tuyên bố phá sản.

Các cầu thủ Than Quảng Ninh lúc này đi không được, ở chẳng xong, chỉ còn biết kêu cứu. “Tôi đã có 20 năm gắn bó với đội bóng, dù có lúc khó khăn nhưng chưa bao giờ lại nghĩ thế này. Giờ đây tôi và các cầu thủ Than Quảng Ninh chỉ mong được trả nợ, cuộc sống nhiều anh em cũng đã khó khăn lắm rồi”, tiền vệ Hải Huy chia sẻ.

Và có thể tin rằng, Than Quảng Ninh không phải là đội bóng duy nhất lâm vào nguy cơ giải thể khi đối mặt với cơn khủng hoảng tài chính trong dịch Covid-19. Nói cách khác, nếu dịch Covid-19 tiếp tục kéo dài, một vài đội bóng Việt Nam có thể sẽ bị xóa sổ. Sau hơn 20 năm lên chuyên nghiệp, nhưng hoạt động, mục tiêu phát triển ở nhiều đội vẫn “lo ăn từng bữa”, đến đâu hay đến đó.

Phần lớn CLB, đội bóng Việt Nam sống nhờ vào hầu bao của các ông bầu và khi họ chán, hoặc vấp phải những lý do bất khả kháng thì coi như... xong. Rất nhiều cái tên, từ Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Sài Gòn, Vinakansai Ninh Bình, Hòa Phát Hà Nội... đã biến mất trên “bản đồ bóng đá” nước nhà theo những cách ấy.

Câu chuyện các đội bóng Việt Nam không thể sống bằng nguồn bán vé, bán sản phẩm, quảng cáo, tài trợ, bản quyền truyền hình đã được nói trong nhiều năm qua. Vì thế, khi doanh nghiệp “rút ống thở”, các đội bóng có thể lập tức rơi vào cảnh thoi thóp, cầu thủ tan đàn xẻ nghé.

Với tình trạng này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) hay VPF không thể vô can. Ðơn cử, dù CLB Than Quảng Ninh nợ lương cầu thủ từ trước mùa giải năm nay, nhưng những nhà quản lý vẫn xuề xòa, cả nể, đồng ý cho đội bóng này tham dự V-League 2021. Ðó thật sự là một trong không ít căn bệnh trầm kha.

● Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay có 27 CLB (14 CLB V-League, 13 CLB hạng nhất). Với quân số trung bình 30 - 40 cầu thủ/đội (chưa bao gồm các lứa trẻ), có khoảng 1.000 cầu thủ đang kiếm sống từ nghề đá bóng.

● Ngày 30/8, giới bóng đá Việt Nam xôn xao với thông tin CLB Hải Phòng nợ thuế gần 18 tỷ đồng. Nếu từ nay tới ngày 10/9, đội bóng đất Cảng không hoàn thành nghĩa vụ thuế, họ sẽ không được quyền tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2022.