Thế giới trập trùng âu lo

Cho đến những thời khắc cuối cùng ngoảnh lại, dường như, vẫn không có nhiều tín hiệu lạc quan lóe lên. Năm 2022 đã khởi đi với những niềm hy vọng tràn đầy, để rồi khi khép lại, những nỗi nghi hoặc và mơ hồ vẫn là gam mầu chủ đạo.
0:00 / 0:00
0:00
Xung đột ở Ukraine tác động đến dòng chảy sự kiện quốc tế năm 2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Xung đột ở Ukraine tác động đến dòng chảy sự kiện quốc tế năm 2022. Ảnh: AFP/TTXVN

1. Chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga ở miền đông Ukraine vẫn chưa kết thúc. Và thực tế, chẳng ai dám chắc bao giờ thì nó mới thật sự khép lại. Nhưng, vấn đề chính là khi hiện hữu trên thế giới này từ ngày 24/2/2022, cuộc xung đột ấy đã tác động một cách toàn diện đến mọi khía cạnh, lĩnh vực, phương diện của dòng chảy sự kiện quốc tế cả năm qua, từ địa chính trị qua kinh tế-tài chính đến những vấn đề xã hội.

Trên bề mặt, cuộc xung đột vũ trang đó là hệ quả của những mối hiềm khích không thể được dàn xếp ổn thỏa, giữa hai quốc gia anh em thân thiết cũ. Song, 10 tháng qua, ở tầng thứ hai, khuất lấp sau những tin tức chiến sự là một cuộc chiến tiêu hao khủng khiếp giữa nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin với phương Tây (bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu/EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương/NATO), ở cả các "mặt trận" tiềm lực kinh tế, nền tảng xã hội hay sức mạnh quốc phòng.

Và sau cuối, như chính chủ nhân Điện Kremlin nhiều lần nhấn mạnh, mục đích sâu xa để Moscow hành động quyết liệt như vậy là nhằm phá hủy trật tự thế giới đơn cực, điều mà nước Mỹ bằng mọi giá bảo vệ. Ít nhất, một lằn ranh vô hình dường như đã lại chia cắt phần lớn thế giới thành hai nửa. Và ít nhất, vị thế độc tôn của đồng USD, trong thương mại dầu khí, suốt bao nhiêu năm qua đã bị nước Nga làm lung lay dữ dội, với việc áp đặt thanh toán các hóa đơn bằng đồng rúp. Ngược lại, Mỹ và phương Tây cũng quyết dùng mọi biện pháp có thể, để làm nước Nga suy kiệt.

Với tính chất song trùng của các cuộc đọ sức đan xen ấy, thật khó để bất cứ bên nào buông tay, nếu chưa đạt được những mục tiêu đáng kể. Và do đó, trong lúc nỗ lực tìm kiếm hay chờ đợi một giải pháp hòa bình, có lẽ thế giới cũng buộc phải chuẩn bị tâm lý cho kịch bản "chiến dịch quân sự đặc biệt" bùng phát thành một cuộc chiến quy ước toàn diện.

Tất nhiên, không ai trông mong kịch bản u ám đó, bởi một cuộc chiến tranh như thế hoàn toàn có thể dẫn tới Chiến tranh Thế giới lần thứ ba, cũng có nghĩa là sự hủy diệt dành cho loài người.

Thế giới trập trùng âu lo ảnh 1

Lòng sông cạn khô do hạn hán tại Occiobello, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

2. Song, ngay cả với những gì đang diễn ra trong hiện tại, nhân loại cũng đã và đang từng bước đến gần hơn nguy cơ diệt vong, với những hệ lụy ngày một khốc liệt của quá trình biến đổi khí hậu-môi trường toàn cầu.

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), Trái đất hiện đã nóng lên khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người. Vì thế, bất chấp những nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán và lũ lụt ngày càng trở nên khắc nghiệt và khó lường, gây ra những tác động lan rộng và đôi khi "không thể đảo ngược" đối với con người đến hệ sinh thái.

Mùa hè năm nay, nhiệt độ tại một số vùng của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã chạm ngưỡng 46 độ C. Mức nhiệt gần 43 độ C cũng được ghi nhận tại Pháp, trong khi Cơ quan Khí tượng Anh báo cáo mức nhiệt cao nhất trong lịch sử nước này vào hôm 19/7, đạt 40,2 độ C tại sân bay Heathrow ở London. Mà đó là ở châu Âu, nơi xưa nay khí hậu vẫn ôn hòa bậc nhất thế giới. Chúng ta hoàn toàn có thể hình dung được tình cảnh "sống dở chết dở" của những người dân các nước nằm quanh đường Xích đạo. Trong khi đó, tại Bắc Cực, tốc độ băng tan nhanh gấp bốn lần so với những khu vực khác.

Thế mà, bởi xung đột, và bởi khủng hoảng năng lượng, có không ít nhà máy nhiệt điện tưởng đã bị "khai tử", lại buộc phải được cấp phép "hồi sinh" ở chính những quốc gia phát triển. Điều này sẽ khiến biến đổi môi trường và tạo thêm các hiện tượng khí hậu cực đoan trở nên dữ dội hơn.

Điểm sáng lớn nhất, có lẽ chính là việc tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27), quỹ "Tổn thất và Thiệt hại" ra đời, nhằm giúp nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương nhất (dù phát thải ít nhất) trên thế giới những khoản ngân sách khí hậu vô giá, để tự trang bị cho mình khả năng chống chọi và thích ứng.

Và trên hết, nhân loại cũng không có nhiều lựa chọn. Nếu không hành động đủ nhanh, đủ cấp thiết, đủ quyết liệt, tất cả có thể sẽ trở thành quá muộn.

3. Bởi, khi chưa kịp gượng dậy từ những dư chấn của đại dịch Covid-19 mà đã lại phải chịu đựng những sự trừng phạt khắc nghiệt của thiên nhiên, cộng hưởng với các hệ lụy của chiến tranh hay xung đột, hàng triệu cuộc đời đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề.

Thế giới trập trùng âu lo ảnh 2
Chỉ riêng ở khu vực Sahel (châu Phi), 18 triệu người đang đứng

bên bờ vực có nguy cơ chết đói. Ảnh: UN

Vào 1 giờ 29 phút ngày 15/11, thế giới đạt mốc tám tỷ người. Nhưng song song, báo cáo mới nhất đến từ Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho thấy: Năm 2022 là năm mà chúng ta phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong suốt nhiều thập niên, khi có tới một tỷ người bị đói mỗi ngày. Trong khi đó, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng hơn gấp đôi trên toàn thế giới, từ 135 triệu người lên 345 triệu kể từ năm 2019 tới nay. Đáng sợ hơn, gần 50 triệu người có nguy cơ chết đói (nhiều nhất là ở châu Phi và Yemen).

Chỉ số giá lương thực (FFPI) được theo dõi bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) chỉ ra: Giá lương thực thế giới đã tăng gấp 2,5 lần, trong 20 năm qua. Đặc biệt, rất đáng chú ý: Trong vài tuần bế tắc, việc ngũ cốc từ Ukraine không thể xuất cảng do xung đột đã khiến giá lương thực tăng 20%, trước khi "hạ nhiệt" nhanh chóng nhờ đạt được thỏa thuận.

Liên hợp quốc vẫn liên tục phát đi những lời kêu gọi thống thiết. Vấn đề là, với sự tác động nhiều chiều hiện tại, thế giới gần như bất lực trong việc bảo đảm "miếng ăn" hằng ngày, cho toàn bộ tám tỷ công dân của mình. Trừ phi, tất cả những mâu thuẫn chung quanh lợi ích riêng được xếp lại, và đặt xuống dưới lợi ích chung…