1 Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul-Gheit cảnh báo: Nguy cơ xung đột quân sự giữa Israel và phong trào Hezbollah lan rộng, sau vụ tấn công vào cao nguyên Golan gần đây, có thể đẩy toàn bộ Trung Đông vào chiến tranh. Ông khẳng định đoàn kết với Lebanon, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ hành động leo thang nào cũng có thể đe dọa tới an ninh và ổn định của toàn khu vực. Trước đó, AL đã nhiều lần kêu gọi điều tra vụ tấn công vào cao nguyên Golan, cũng như kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Trong bối cảnh nguy cơ mất an ninh gia tăng, Mỹ, Na Uy, Italy, Đức và Ireland khuyến cáo công dân nhanh chóng rời khỏi Lebanon. Hãng hàng không Air France và công ty con Transavia France tạm dừng các chuyến bay giữa Paris (Pháp) và Beirut (Lebanon) trong hai ngày 29-30/7. Tương tự, hãng hàng không Royal Jordanian của Jordan cũng tạm ngừng các chuyến bay đến Beirut. Một số hãng hàng không khác đã phải hủy hoặc điều chỉnh các chuyến bay, còn phía Israel đặt các cảng biển phía nam thuộc thành phố Ashdod trong tình trạng báo động.
2 Phát biểu tại lễ duyệt binh diễn ra ở St.Petersburg nhân Ngày Hải quân Nga, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo: Nga sẽ đáp trả nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm xa ở Đức. Theo đó, Nga sẽ từ bỏ việc ngừng triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung theo quy định của Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Ông Putin nhấn mạnh: Nếu tên lửa Mỹ được triển khai ở Đức, các công trình quan trọng của Nga sẽ nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí như vậy với thời gian bay khoảng 10 phút. Do đó, Nga sẽ thực hiện các biện pháp tương ứng có tính đến những động thái của Mỹ và các đồng minh của nước này ở châu Âu, cũng như các khu vực khác trên thế giới.
Trước đó, Washington và Berlin ra thông báo chung về việc Mỹ sẽ bắt đầu triển khai hỏa lực tầm xa ở Đức vào năm 2026, "có tầm bắn xa hơn đáng kể so các hỏa lực mặt đất hiện có ở châu Âu". Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov lo ngại rằng những kế hoạch như vậy làm tăng khả năng xảy ra cuộc chạy đua tên lửa, và có thể dẫn đến leo thang mất kiểm soát.
3 Bộ Ngoại giao Venezuela thông báo trục xuất Đại sứ Argentina, Chile, Costa Rica, Peru, Panama, Cộng hòa Dominicana và Uruguay, sau khi chính phủ các nước này không công nhận kết quả bầu cử tổng thống hôm 28/7, theo đó Tổng thống Nicolas Maduro đã tái đắc cử nhiệm kỳ sáu năm thứ ba. Trong một thông báo chính thức, Bộ trưởng Ngoại giao Yván Gil cho biết đã yêu cầu rút tất cả quan chức ngoại giao tại Đại sứ quán bảy quốc gia Mỹ latin nói trên về nước, đồng thời yêu cầu đóng cửa trụ sở các cơ quan ngoại giao các nước này bởi hành vi "can thiệp vào công việc nội bộ của Venezuela".
Ông Gil cũng khẳng định Chính phủ Venezuela sẽ đối đầu với mọi hành động đe dọa bầu không khí hòa bình và cùng tồn tại mà người dân Venezuela đã phải rất nỗ lực thực hiện. Quyết định của Venezuela được đưa ra vài giờ sau khi Chính phủ Panama yêu cầu xem xét lại hồ sơ bầu cử ở Venezuela và cho rằng có quá nhiều vi phạm đã xảy ra. Panama cũng tuyên bố cắt đứt quan hệ với Venezuela và sẽ rút hết nhân viên ngoại giao về nước.
An ninh tiếp tục được siết chặt tại Bỉ. |
4 Cơ quan phối hợp phân tích các mối đe dọa của Bỉ (OCAM) cho biết: Mức cảnh báo an ninh của nước này sẽ được duy trì ở cấp độ 3 trong suốt mùa hè năm nay. OCAM không loại trừ nguy cơ xảy ra tấn công do một nhóm khủng bố trú ẩn ở Bỉ thực hiện.
Mức cảnh báo an ninh ở cấp độ 3 được OCAM duy trì kể từ sau vụ tấn công tại thủ đô Brussels hồi tháng 10/2023. Theo ông Gert Vercauteren - quyền Giám đốc OCAM, mức độ này cho thấy "mối đe dọa là nghiêm trọng", trong khi cấp độ 4 có nghĩa là mối đe dọa sắp xảy ra. Quyết định duy trì mức cảnh báo ở cấp độ 3 có liên quan đến công tác tổ chức Olympic Paris 2024 ở Pháp, nước láng giềng của Bỉ. Hiện tại, các cơ quan an ninh của Bỉ và Pháp đang hợp tác chặt chẽ