1 Diễn đàn Indonesia-châu Phi lần thứ 2 (IAF-2) và Diễn đàn cấp cao về quan hệ đối tác nhiều bên diễn ra tại Bali (ngày 2 và 3/9) nhằm thúc đẩy hợp tác giữa quốc gia Đông Nam Á với các nước châu Phi trên nhiều lĩnh vực, gồm chuyển đổi kinh tế, năng lượng và khai thác mỏ, lương thực, y tế và hợp tác phát triển. Các diễn đàn còn nhằm hiện thực hóa hợp tác phát triển giữa Indonesia với các nước châu Phi trong giai đoạn 2024-2029. 28 lãnh đạo cấp cao và nguyên thủ quốc gia châu Phi cùng hơn 800 đại biểu đại diện chính phủ, các tổ chức quốc tế và khu vực, cũng như giới doanh nghiệp của Indonesia và châu Phi đã tham dự.
Ông Bogat Widyatmoko, phụ trách các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh của Cơ quan Kế hoạch phát triển quốc gia (Bappenas) nhận định: Diễn đàn này sẽ mở ra cơ hội hợp tác lớn giữa Indonesia và châu Phi. Châu Phi là một thị trường lớn, giàu tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế. Theo số liệu của Cơ quan Điều phối đầu tư của Indonesia, nước này đã đầu tư 2,09 tỷ USD vào các quốc gia quan trọng ở châu Phi. Một số công ty Indonesia đã có hoạt động tại tám nước châu Phi.
2 Tổng thống Mỹ Joe Biden đã “tiếp lửa” cho Phó Tổng thống Kamala Harris trong cuộc vận động tại bang chiến địa Pennsylvania, với thông điệp mạnh mẽ gửi đến tầng lớp người lao động. Ngày 2/9, Tổng thống Biden và bà Harris đã có lần đầu cùng tham gia vận động tranh cử, kể từ khi bà trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà trắng tháng 11 tới.
Bà Harris và ông Biden đã gặp các thành viên công đoàn tại thành phố Pittsburg của bang Pennsylvania, trước khi cùng phát biểu trước khoảng 600 người ủng hộ. Trong bài phát biểu, ông Biden kêu gọi các cử tri bang Pennsylvania bỏ phiếu cho ứng cử viên của đảng Dân chủ. Liên quan đến thương vụ Tập đoàn Nippon Steel của Nhật Bản mua lại Công ty US Steel của Mỹ, bà Harris tuyên bố không ủng hộ thương vụ này. Ngoài ra, bà Harris cũng cam kết xây dựng nền kinh tế có lợi cho tầng lớp lao động. Việc bà Harris xuất hiện chung với Tổng thống Biden tại bang Pennsylvania đã khởi động cho chặng đua nước rút, khi chỉ còn hai tháng nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ.
3 Trong Diễn đàn Chiến lược Bled diễn ra tại Slovenia ngày 2/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đưa ra tuyên bố quan trọng về việc đẩy nhanh tiến trình mở rộng Liên minh châu Âu (EU). Bà Von der Leyen nêu rõ: Mở rộng EU không chỉ là mục tiêu, mà còn là khoản đầu tư chiến lược vào sức mạnh và an ninh chung của châu Âu.
Tại sự kiện chính trị quốc tế này, bà Von der Leyen đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc các quốc gia tây Balkan hội nhập vào EU. Theo bà, việc các nước này trở thành thành viên EU sẽ mang lại lợi ích kinh tế và góp phần tăng cường ổn định, an ninh ở châu Âu. Một EU lớn mạnh với sự tham gia của tây Balkan, theo bà, sẽ có tiếng nói quan trọng hơn trên trường quốc tế.
Người dân Ethiopia xếp hàng đợi cứu trợ lương thực. |
4 Liên hợp quốc đã giải ngân 100 triệu USD để hỗ trợ giải quyết 10 cuộc khủng hoảng nhân đạo ở châu Phi, châu Mỹ, châu Á và Trung Đông. Đây đều là những dự án đang thiếu hụt ngân sách. Người phát ngôn Liên hợp quốc cho biết: Hơn một phần ba số tiền tài trợ này sẽ được dùng cho các hoạt động cứu trợ ở Yemen (20 triệu USD) và Ethiopia (15 triệu USD), nơi người dân đang phải vật lộn với nạn đói, mất nhà cửa, bệnh tật và thảm họa khí hậu.
Các quốc gia khác cũng được hưởng lợi từ khoản tài trợ này bao gồm Myanmar, Mali, Burkina Faso, Haiti, Cameroon và Mozambique, Burundi và Malawi. Theo quan chức Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc Joyce Msuya, nỗ lực giải quyết vấn đề ngân sách cho các cuộc khủng hoảng nói trên rất cần được các nhà tài trợ quốc tế quan tâm và tăng cường hỗ trợ.